Quốc hội thảo luận tại tổ về dự toán ngân sách, chương trình MTQG
(Baonghean.vn) - Sáng 25/10, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII bước vào ngày làm việc thứ 5, tiếp tục thảo luận tại tổ với 3 nhóm vấn đề.
Quang cảnh buổi thảo luận tại tổ |
Đó là, tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2014; Sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2011-2015; Phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016.
Trong buổi thảo luận tại tổ, phần lớn ý kiến tán thành với Báo cáo, Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, có một số ý kiến của đại biểu cho rằng, từ trước đến nay, vấn đề thu ngân sách từ quỹ đất của các địa phương là rất lớn nhưng thời gian qua, thị trường bất động sản bị đóng băng, nên thất thu ngân sách là không nhỏ. Vì vậy, việc Chính phủ quyết định đưa bội chi ngân sách từ 4,8 lên 5,3% GDP là có mục đích rất quan trọng. Đó là, để nâng cao nguồn vốn, có điều kiện đầu tư cho các công trình và giải quyết việc làm cho một lực lượng lớn lao động. Không có nguồn vốn, nghĩa là việc đầu tư cho sản xuất cũng bị ngừng trệ, tác động không nhỏ đến vấn đề làm thâm hụt ngân sách của nhà nước thời gian qua. Về vấn đề này, ông Phan Văn Quý- đại biểu QH tỉnh Nghệ An có ý kiến: “Với khoảng 20 ngàn tỷ đồng để đầu tư cho thị trường bất động sản, đây là liều lượng vừa phải nhưng lại giải quyết được nhiều việc. Thứ nhất là tăng đầu tư. Thứ hai rất nhiều người có việc làm. Thứ ba, nhiều lao động có thu nhập và quan trọng nhất là những công trình dở dang sẽ được hoàn thiện.”
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An dự buổi thảo luận |
Về phương án phát hành trái phiếu Chính phủ đưa ra với tổng mức 170.000 tỷ đồng, nhiều đại biểu cho rằng, số tiền này là có cơ sở và đồng tình với phương án này. Bởi, mức vốn này sẽ bảo đảm được tính cấp thiết hiện nay cho việc đầu tư. Bên cạnh đó còn có tác dụng lâu dài về nhiều mặt, đặc biệt là đầu tư cho giao thông xây dựng tuyến Quốc lộ 1A và Quốc lộ 14. Riêng tỉnh Nghệ An, dự án thủy lợi Bản Mồng, huyện Quỳ Châu được duyệt đầu tư với tổng nguồn vốn 4.455 tỷ đồng và đang tiến hành xây dựng. Tuy nhiên, đến nay nguồn vốn này mới được giải ngân rất nhỏ giọt, vì vậy đây là vấn đề đáng được ưu tiên hàng đầu về đầu tư công. Ông Phạm Văn Tấn, Trưởng đoàn đại biểu QH tỉnh Nghệ An phát biểu tại buổi thảo luận “Trong dự kiến bố trí vốn từ năm 2012- 2015, công trình thủy lợi Bản Mồng chỉ có 390 tỷ. Nghĩa là nó nằm vào nhóm ưu tiên số 1, là những công trình dở dang đã được bố trí vốn từ nguồn trái phiếu Chính phủ, nên đề nghị đồng chí Cao Đức Phát (Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Lắc) khi làm việc và trình Quốc hội nên quan tâm cho vấn đề này.”
Đại biểu Phạm Văn Tấn phát biểu tại buổi thảo luận |
Vấn đề phân bổ ngân sách cho địa phương, ông NIÊ Thuật, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Lắc cho rằng, Chính phủ phải có dự báo và với tình hình thực tế của địa phương. Trước hết là phải ưu tiên cho an sinh xã hội và địa bàn khó khăn. Ngoài ra, khi bố trí ngân sách cho các địa phương cũng phải đúng trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là công trình phúc lợi như bệnh viện, trạm xá ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, từ đó mới có điều kiện để thu hút nhân lực có chuyên môn về đây làm việc.
Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia, nhiều ý kiến đánh giá rất cao kết quả của chương trình đem lại. Bởi vì, trong 3 năm đã huy động được sự tham gia của tất cả các tổ chức chính trị xã hội. Hơn nữa, trong khi kinh tế đất nước đang còn khó khăn, nguồn vốn đầu tư còn thiếu nhiều, nhưng Chương trình mục tiêu Quốc gia đã huy động được nguồn vốn từ xã hội đóng góp, đầu tư vào để thực hiện. Chính vì đi sâu, đi sát vào đoàn thể, nên vai trò, vị trí và kết quả của chương trình này đem lại rất cao. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, thì hiện nay Chương trình mục tiêu Quốc gia vẫn còn một số hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa – đại biểu QH tỉnh Bắc Ninh đặt vấn đề: “Trong báo cáo chỉ nói một số mục tiêu của chương trình là khó đạt, tôi nghĩ phải nói mạnh mẽ hơn, bởi đến bây giờ nhiều mục tiêu đã đánh giá được đâu, nếu với đầu tư như thế này có thể nói là rất nhiều mục tiêu chưa đạt”.
Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy. Tiếp đó, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy chữa cháy.
Nguyễn Nam