Tiếp cận đa chiều

1. Về các cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia.

Campuchia có diện tích 181.035 km2 và hơn 14 triệu người. Quốc hội Campuchia có 123 ghế với nhiệm kỳ 5 năm.

Sau khi loại bỏ chế độ diệt chủng Pol Pot Yeng Sari, nhân dân Campuchia đã tiến hành 5 lần bầu cử Quốc hội vào các năm 1993, 1998, 2003, 2008 và 28/7/2013. Campuchia thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập, nên tại các kỳ bầu cử Quốc hội, nhiều đảng chính trị cử người tham gia tranh cử. Hiện nay, Bộ Nội vụ Campuchia cho biết có 42 đảng chính trị đăng ký hoạt động với nhiều loại quan điểm, chính kiến chính trị khác nhau từ ôn hòa đến cực đoan sặc mùi dân tộc hẹp hòi bài ngoại. Không phải mọi đảng phái, tổ chức chính trị ở Campuchia đều tham gia tranh cử, chỉ một số đảng phái, tổ chức chính trị hội đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật mới được đưa người ra tranh cử tại các kỳ bầu cử Quốc hội Campuchia. Hai chục năm nay, xu hướng chung là số lượng các đảng phái, tổ chức chính trị tham gia tranh cử ngày càng giảm dần: 1998 gần 20 đảng, 2003 có 12 đảng, 2008 có 10 đảng tổ chức chính trị, 28/7/2013 còn 8 đảng, tổ chức chính trị tham gia tranh cử.

Sơ bộ có thể khái quát kết quả các cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia như sau:

Tại cuộc bầu cử đầu tiên được Liên Hợp Quốc bảo trợ vào năm 1993, Đảng CPP giành được 51 ghế vì thế CPP không có quyền lập Chính phủ - để tránh cuộc tranh giành quyền lực giữa các đảng phái, tổ chức chính trị có thể dẫn đến mất ổn định chính trị - xã hội thậm chí dẫn đến xung đột, nội chiến, Liên Hợp Quốc và các bên liên quan đã dàn xếp cho ra đời Chính phủ Hoàng gia Campuchia có hai Thủ tướng: Hoàng thân Norodom Ranariddh làm Thủ tướng và ông Hun Sen làm đồng Thủ tướng (trường hợp hi hữu trong lịch sử chính trị thế giới).

Đảng CPP liên tiếp giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia, cụ thể: Năm 1998 được 64 ghế, 2003 được 73 ghế và 2008 được 90 ghế.

Trong Quốc hội Campuchia hiện nay (kết quả cuộc bầu cử 2008): Đảng CPP của Thủ tướng Hun Sen có 90 ghế, Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) của ông Sam Rainsy có 29 ghế, phe Bảo hoàng có 4 ghế. Với kết quả này, Đảng CPP đã thành lập Chính phủ do ông Hun Sen làm Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia từ 2008.

Mặc dù các đảng phái, tổ chức chính trị đối lập đã cáo buộc có gian lận trong quá trình tổ chức bầu cử và họ đã không thừa nhận kết quả các cuộc bầu cử 1998, 2003, 2008, nhưng việc Đảng CPP giành thắng lợi áp đảo trong ba cuộc bầu cử này là đúng đắn và không thể bác bỏ. Việc đa số người dân Campuchia chấp nhận kết quả bầu cử là nhân tố quan trọng nhất đảm bảo cho Campuchia ổn định và phát triển khá nhanh trong hơn một thập niên qua.

2. Kết quả bầu cử Quốc hội Campuchia 28/7/2013: Nhìn từ kính chiếu hậu.

Theo các nguồn tin ở Campuchia và các hãng thông tấn nước ngoài: Có 9.675.453 cử tri đăng ký bầu cử ở 19.009 điểm bỏ phiếu, trong đó khoảng 50% ở độ tuổi từ 18 đến 35 (Campuchia là một quốc gia rất trẻ). Theo Ủy ban Bầu cử Campuchia (NEC), có 6.616.110 cử tri đi bầu cử, đạt tỷ lệ 68% (năm 2008 là 75%). Đây là tỷ lệ đi bầu cử thấp nhất trong hai chục năm nay.

Để đảm bảo cho cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra an toàn, ổn định, trật tự, Chính phủ Hoàng gia Campuchia đã huy động tới 70.000 cảnh sát, binh sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh, trật tự tại các thành phố, đô thị lớn và các điểm bỏ phiếu.

Có 40.456 quan sát viên tham gia giám sát, trong đó có 266 quan sát viên quốc tế đến từ các nước ASEAN, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Australia, Anh, Ấn Độ, Pakistan, Hàn Quốc, New Zeland, Đông Timor và nhiều tổ chức quốc tế như phái bộ Quan sát bầu cử châu Âu.

Cuộc bầu cử Quốc hội 28/7/2013 đã diễn ra suôn sẻ, trật tự trong điều kiện chính trị - xã hội ổn định trên phạm vi cả nước. Nói chung, dư luận quốc tế đánh giá tích cực về cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia lần thứ 5 này.

Khoảng cuối tháng 8/2013, Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia (NEC) mới công bố chính thức kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia 28/7/2013. Nhưng từ ngày 30/7/2013, trên nhiều tờ báo và các trang mạng ở Campuchia đã đăng tải kết quả (không chính thức) bầu cử thể hiện qua các thông tin, số liệu sau: Đảng CPP giành được 68 ghế, Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) được 55 ghế, 6 đảng còn lại không giành được ghế tại Quốc hội Campuchia.

Về sự ủng hộ của cử tri Campuchia đối với các đảng như sau: Đảng CPP của Thủ tướng Hun Sen được 49,8% cử tri ủng hộ, Đảng CNRP của ông Sam Rainsy được 45,2% cử tri ủng hộ. Tại một số khu vực bầu cử lớn (các thành phố lớn, các khu kinh tế trọng điểm…). Đảng đối lập CNRP chiếm ưu thế so với CPP: Tại Kongpong Cham: CNRP giành 10 ghế, CPP - 8 ghế; tại Kandal CNRP giành 6 ghế, CPP - 5 ghế; tại các khu vực bầu cử có số ghế từ 2 đến 6, hai đảng giành số ghế gần ngang nhau; tại các khu vực bầu cử chỉ có 1 ghế thì CPP giành thắng lợi hoàn toàn.

Dù chưa chính thức, nhưng dư luận Campuchia và quốc tế cho rằng đó sẽ là kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia 28/7/2013. Đảng Cứu quốc Campuchia của ông Sam Rainsy cho rằng đã có gian lận trong bầu cử và không công nhận kết quả nói trên, họ yêu cầu thành lập Hội đồng Giám sát do Liên Hợp Quốc chủ trì để điều tra về các cáo buộc có gian lận trong bầu cử. Sự phản ứng của Đảng CNRP sẽ làm cho chính trường Campuchia thêm rắc rối, phức tạp, thậm chí bất ổn, nhưng không hy vọng thay đổi được kết quả bầu cử.

Việc đánh giá kết quả bầu cử Quốc hội Campuchia 28/7/2013 hoàn toàn không đơn giản và chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Cần có cách tiếp cận đa chiều, khách quan đối với vấn đề khó khăn và nhạy cảm này thì may ra có được ý kiến được nhiều người cùng chia sẻ.

Khó có thể nói đơn giản ai thắng, ai bại trong cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia 28/7/2013, mặc dù Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) giành được 68 ghế, Đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) được 55 ghế.

Trong cuộc tranh giành quyền lực tại Quốc hội giữa Đảng CPP và Đảng CNRP, rõ ràng CPP đã thắng với tỷ lệ 68/55 ghế.

Nếu so sánh với kết quả bầu cử Quốc hội Campuchia 2008, Đảng CPP đã mất 22 ghế (2008 được 90 ghế), tức là CPP đã thụt lùi, đúng hơn đã thất bại. Cần lưu ý rằng: từ 2008 đến nay, CPP nắm chắc cơ quan hành pháp, chi phối cơ quan lập pháp, cơ quan tư pháp và có ảnh hưởng lớn (mang tính chi phối) đối với đại đa số các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình lớn ở Campuchia. Trong giai đoạn 2008 - 2013, nền kinh tế Campuchia phát triển liên tục với tốc độ cao (thuộc tốp đầu các nước ASEAN). Trong điều kiện đó, theo logic thông thường, đúng ra Đảng CPP phải giành thắng lợi lớn hơn 2008, khoảng trên dưới 100 ghế tại Quốc hội.

Tại sao lại tụt từ 90 ghế xuống 68 ghế?

Tại sao cử tri Campuchia giảm lòng tin đối với Chính phủ Hoàng gia do Đảng CPP lãnh đạo? và tại sao họ lại tăng lòng tin (mang tính đột biến) đối với Đảng CNRP (từ 29 ghế lên 55 ghế)?

Hãy để vấn đề này cho lãnh đạo cao cấp của Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) tìm câu trả lời, vì đây là vấn đề sinh tử đối với họ.

Từ những điều trình bày ở  trên có thể rút ra nhận xét: Hóa ra, đối với bất kỳ chính phủ nào, việc nắm mọi quyền lực quốc gia, kể cả việc nắm chắc các cơ quan bảo vệ pháp luật, không khó khăn bằng nắm lòng dân. Nói cách khác, chính quyền có thể không khó khăn trong việc thâu tóm mọi nguồn lực, mọi quyền lực, nhưng không dễ dàng, thậm chí là không thể nắm được lòng dân. Về lâu dài, ai nắm được lòng dân, người đó sẽ thắng, và đó là thắng lợi vinh quang, vững bền.

3. Campuchia hậu bầu cử Quốc hội 28/7/2013: Tiếp cận theo xu thế.

Sau bầu cử Quốc hội 28/7/2013, tình hình chính trị, xã hội Campuchia sẽ diễn biến rất phức tạp, phức tạp hơn sau bầu cử vào các năm 2003, 2008. Đó là một điều chắc chắn. Diễn biến tiếp theo sẽ thế nào? Chưa ai có thể khẳng định điều gì.

Campuchia là một nước đang phát triển, là một quốc gia trẻ với trên 50% dân số có độ tuổi dưới 35 và đang trong quá trình chuyển mình, biến đổi, hồi sinh sau thảm họa diệt chủng cuối những năm 70 của thế kỷ trước. Do đó, để có thể nói điều gì trong tương lai ở Campuchia, nhất thiết phải tiếp cận theo xu thế vận động, phát triển của nó.

Như phần trên đã dẫn: 49,8% cử tri bỏ phiếu cho Đảng CPP, 45,2% cử tri ủng hộ Đảng CNRP. Về số ghế tại Quốc hội, CPP được 68, CNRP được 55.

Các con số trên chỉ phản ánh được tâm trạng xã hội và nhận thức chính trị của người dân Campuchia tại thời điểm 28/7/2013, mà không cung cấp cho chúng ta thông tin cần thiết để dự báo tương lai. Vì thế, có thể xem những số liệu trên là những con số “chết”. Để dự báo tương lai, chúng ta cần những thông tin, những con số “sống” - những thông tin, con số phản ánh xu thế phát triển. Hãy chú ý đến các thông tin, số liệu sau đây.

- Hôm 19/7/2013, hàng chục nghìn người đã hồ hởi, náo nức chào đón ông Sam Rainsy trở về nước (từ Pháp trở về) trong đó, đa số là thanh niên, sinh viên. Điều đó nói rằng người dân Campuchia, nhất là lớp trẻ, khao khát muốn có thay đổi, muốn đổi mới đất nước sau hai chục năm Đảng CPP cầm quyền, mặc dù chính CPP đã cứu nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng và cũng chính CPP đã khôi phục và phát triển đất nước. Đây thực sự là một nghịch lý. Mà trong cuộc sống, nghịch lý tồn tại mọi lúc, mọi nơi.

- Đảng CPP được 68 ghế, Đảng CNRP chỉ giành được 55 ghế trong Quốc hội Campuchia. Nhưng như đã trình bày ở trên, tại một số khu vực bầu cử lớn (các đô thị, thành phố lớn, các khu kinh tế trọng điểm…) thì CNRP giành thắng lợi áp đảo đối với CPP; tại những khu vực bầu cử có từ 2 đến 6 ghế thì hai đảng giành được số ghế ngang nhau. Đảng CPP giành thắng lợi tại hầu hết các khu vực bầu cử chỉ có một ghế; đây là những khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Những thông tin, số liệu trên phản ánh chất lượng các lá phiếu bầu cho hai đảng. 49,8% cử tri ủng hộ Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), đa số là những người lớn tuổi, họ đã từng chứng kiến, nếm trải thảm họa diệt chủng và phần lớn sống ở vùng nông thôn, miền núi. Lớp cử tri này có xu hướng muốn duy trì cái hiện có, họ rất ngại, thậm chí rất sợ cải cách, đảo lộn (di chứng thời Pol Pot, Yeng Sari).

Chỉ 45,2% cử tri lựa chọn Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP), nhưng đa số là thanh niên, sinh viên, lớp trẻ sinh trước, sau năm 1979, là thị dân, là cư dân ở các thành phố, đô thị, khu kinh tế. Có thể nói, họ có chung mong muốn đổi mới đất nước và lớp cử tri này được các nước phương Tây hậu thuẫn, ủng hộ.

Từ 90 ghế (năm 2008) tụt xuống 68 ghế là một bước lùi, đúng hơn là một thất bại lớn và có phần bất ngờ đối với Đảng CPP.

Từ 29 ghế (năm 2008) vọt lên 55 ghế là một bước tiến vượt bậc của CNRP.

Đó là hai xu thế đối nghịch nhau, cả hai xu thế đều tồn tại khách quan và mang tính tất yếu.

Điều đó nói lên một thực tế là từ năm 2013 trở về sau, ở Campuchia luôn tồn tại hai thế lực chính trị lớn là Đảng CPP và Đảng CNRP. Để ổn định và phát triển đất nước, Đảng CPP phải hợp tác với Đảng CNRP và chia sẻ quyền lực với họ. Ngược lại, Đảng CNRP phải thừa nhận vai trò to lớn trên chính trường Campuchia của Đảng CPP và phải hợp tác với CPP. Nếu ai đó trong Đảng CNRP, kể cả ông Sam Rainsy, nôn nóng, cực đoan không hợp tác với Đảng CPP, thậm chí muốn phủ định vai trò của CPP, là ảo tưởng, là tự lấy đá ghè vào chân mình, thậm chí là hành động tự sát.

Theo Điều 82 của Hiến pháp Campuchia, Quốc vương sẽ triệu tập và chủ trì cuộc họp đầu tiên của Quốc hội mới chậm nhất 60 ngày sau bầu cử (28/7/2013). Theo Luật Bầu cử Campuchia, nếu Đảng Cứu quốc Campuchia không chấp nhận kết quả bầu cử (tức là không tham gia họp Quốc hội) thì số ghế mà Đảng này giành được sẽ được phân chia cho các Đảng khác căn cứ vào kết quả cụ thể của mỗi đảng. Phiên họp đầu tiên của Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Chủ nhiệm và thành viên của các Ủy ban. Điều 90 của Hiến pháp Campuchia quy định: Quốc hội thông qua các đạo luật quan trọng, các hiệp ước, hiệp định quốc tế của Campuchia. Nghĩa là, trong trường hợp xấu nhất, Đảng CNRP kiên quyết không chấp nhận kết quả bầu cử, thì Quốc hội vẫn hoạt động và vẫn thành lập được Chính phủ Hoàng gia Campuchia khóa V (2013 - 2018).

Sự đối đầu giữa hai đảng lớn nhất (CPP và CNRP) sẽ làm cho tình hình chính trị - xã hội Campuchia diễn biến hết sức phức tạp, thậm chí có thể rơi vào khủng hoảng kéo dài.

Hơn mười bốn triệu người Campuchia mong muốn hai đảng CPP và CNRP hợp tác với nhau đảm bảo cho đất nước ổn định, phát triển và nâng cao vị thế của Campuchia ở khu vực.

Ai cũng biết, Đảng CPP và Đảng CNRP không tin nhau, họ mâu thuẫn gay gắt với nhau. Nếu cả Đảng CPP và Đảng CNRP tồn tại vì lợi ích riêng của họ, thì không bao giờ họ có thể hợp tác được với nhau. Khi cả Đảng CPP và Đảng CNRP tồn tại chủ yếu vì mưu cầu lợi ích cho nhân dân Campuchia, vì sự hưng thịnh của quốc gia dân tộc, thì họ mới có thể hợp tác được với nhau (mặc dù họ vẫn chưa tin nhau, vẫn mâu thuẫn với nhau).

Khi vận động tranh cử, Đảng CPP và Đảng CNRP đều tuyên bố và cam kết là họ sẽ vì lợi ích của nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân Campuchia. Hợp tác với nhau vì sự ổn định và phát triển đất nước là thể hiện việc thực hiện lời hứa của hai đảng đối với nhân dân.

Sự hợp tác giữa hai đảng CPP và CNRP là con đường độc đạo duy nhất để Campuchia ổn định và phát triển; ra ngoài con đường độc đạo đó là vực thẳm khôn lường. Dù sao, hợp tác CPP - CNRP là con đường dài đầy trắc trở, gập ghềnh với nhiều “ổ trâu”, “ổ voi”, nhưng đó là lối đi độc đạo phải vượt qua.

Campuchia hòa bình, ổn định, phát triển là phù hợp với lợi ích của Việt Nam nói riêng, của cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á nói chung và phù hợp với xu thế chủ đạo của thế giới là hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Hà Nội, 6 tháng 8 năm 2013.

Thiếu tướng Lê Văn Cương (Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an)

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.