Thượng đỉnh ASEAN 23 hoàn thiện AEC với tầm nhìn tương lai

Tranh chấp trên Biển Đông trở thành điểm nhấn của chương trình nghị sự.

Trong hai ngày 9 và 10/10, tại Brunei đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN 23. Với chủ đề “Nhân dân của chúng ta, Tương lai của chúng ta”, Hội nghi đã tập trung thảo luận những biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN (AEC) đúng tiến độ và định hướng phát triển của khối sau năm 2015. Các hội nghị liên quan cũng được tổ chức như: ASEAN + 3, ASEAN + 1, và Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 8.

Mục tiêu AEC
Để tiến tới AEC đúng tiến độ vào năm 2015, ASEAN đang nỗ lực đẩy mạnh lộ trình xây dựng cộng đồng trên cả ba trụ cột: chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Cho đến nay, trên 70% trong số 120-150 vấn đề, lĩnh vực đã được ASEAN tiến hành có kết quả.
Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị An ninh, được đánh giá là tích cực trong quá trình thực hiện với 14 lĩnh vực ưu tiên đã hoàn thành góp phần củng cố môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.
Hội nghị ASEAN 23 (ảnh: firstpost)
Hội nghị ASEAN 23 (ảnh: firstpost)
Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế cũng đã hoàn thành 78% các mục tiêu đề ra trong đó có Kế hoạch làm việc chung nhằm tự do hóa thương mại dịch vụ đến năm 2015. Về Kế hoạch tổng thể xây dựng cộng đồng văn hóa-xã hội, có 86% các biện pháp đã được xác định rõ và triển khai có kết quả, bao gồm cả các lĩnh vực ưu tiên cho từng năm như: vấn đề thanh niên, văn hóa, giáo dục, thể thao, quản lý thiên tai và biến đổi khí hậu…
Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển, tạo đà cho việc mở rộng liên kết Đông Á, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực cũng đang được triển khai tích cực và hiệu quả.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã nêu 4 điểm cần thực hiện để hoàn thành 20% công việc còn lại nhằm đạt được mục tiêu xây dựng AEC vào năm 2015 và tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Ngoài ra, Hội nghị cũng đã thông qua nhiều Tuyên bố quan trọng, trong đó có các Tuyên bố nhằm thúc đẩy hợp tác về an sinh xã hội, doanh nghiệp trẻ, phòng chống thiên tai, phòng chống các bệnh không lây nhiễm…
Định hướng sau 2015
Về định hướng phát triển tương lai của ASEAN, các nhà lãnh đạo đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng Tầm nhìn mang tính chiến lược nhằm đưa ASEAN tiếp tục phát triển vững mạnh và phát huy vai trò chủ đạo trong những thập kỷ tới tiếp sau năm 2015.
ASEAN đã thông qua một Tuyên bố về quyết tâm xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015 và giao cho các Bộ trưởng Hội đồng điều phối ASEAN (ACC) xây dựng các nội hàm chính của Tầm nhìn để đệ trình Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vào năm 2014.
Thủ tướng Việt Nam cũng nêu ra 5 điểm đáng lưu ý trong quá trình xây dựng tầm nhìn ASEAN sau năm 2015, và các ưu tiên trong công tác đối ngoại nhằm nâng cao vai trò trung tâm và vị thế của khối trong khu vực và trên thế giới.
Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm như tình hình Trung Đông - Bắc Phi, Syria, bán đảo Triều Tiên, đặc biệt là tình hình Biển Đông.
Biển Đông - COC
Cùng với vấn đề xây dựng AEC, vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông trở thành điểm nhấn của chương trình nghị sự. Tổng thống Philippines Benigno Aquino, quốc gia đang kiện Trung Quốc lên Tòa án quốc tế về Luật Biển, tuyên bố không có cuộc họp song phương với lãnh đạo Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Raul Hernandez cho biết, nước này vẫn kiên trì quan điểm cho rằng cách tốt nhất để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ giữa Manila và Bắc Kinh là thông qua một cơ quan trọng tài quốc tế và hình thành Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Các nhà lãnh đạo ASEAN tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông, nhấn mạnh việc nghiêm túc thực hiện các nguyên tắc đã nêu trong Tuyên bố 6 điểm về Biển Đông của ASEAN, DOC và Tuyên bố chung ASEAN-Trung Quốc nhân kỷ niệm 10 năm DOC; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS).
Vấn đề an ninh, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã “kêu gọi và đề nghị tất cả các bên liên quan cần triệt để tôn trọng luật pháp quốc tế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, hành động một cách cẩn trọng và có trách nhiệm”.
Thủ tướng Việt Nam cũng hoan nghênh kết quả tham vấn chính thức lần đầu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc về COC hồi tháng 9 vừa qua. “Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu, ASEAN và Trung Quốc cần phải nỗ lực để duy trì đà tích cực và thúc đẩy thương lượng thực chất hơn để sớm có COC”, Thủ tướng nói.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, người đại diện cho Tổng thống Barack Obama tham dự Hội nghị thượng đỉnh Đông Á, cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo Đông Nam Á và Trung Quốc nhanh chóng đạt được tiến bộ trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, trong đó có việc sớm thống nhất về bộ quy tắc ứng xử nhằm ngăn ngừa xung đột do tranh chấp chủ quyền trên vùng biển.
Cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã có bài phát biểu kêu gọi các nhà lãnh đạo Đông Nam Á cùng với Trung Quốc hợp tác làm việc để biến Biển Đông thành một vùng biển “hòa bình, hữu nghị, hợp tác”, bởi “một Biển Đông hòa bình sẽ mang lại lợi ích và là may mắn cho tất cả các bên”, đồng thời nhấn mạnh rằng Bắc Kinh luôn tìm cách giải quyết tranh chấp với các nước liên quan thông qua đàm phán.
Như vậy, với mục tiêu chủ đạo là tìm giải pháp để hoàn thành xây dựng AEC đúng tiến độ vào năm 2015, định hướng tầm nhìn của ASEAN sau năm 2015, và các hội nghị liên kết với các đối tác đã thể hiện ngày càng rõ nét hơn vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trục khu vực, khiến dư luận quốc tế kỳ vọng vào sự đóng góp tích cực và có hiệu quả của ASEAN vào gìn giữ hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực Đông Á và châu Á – Thái Bình Dương./.
                                                                                                                        Theo VOV- ĐT

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.