Nga cung cấp tên lửa S-300 cho Iran: Lựa chọn khó khăn của Israel

(Baonghean) - “Đó là lựa chọn của giới lãnh đạo Israel, họ được quyền làm điều mà họ cho là có lợi” - đây là câu trả lời của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình mới đây trước khả năng Israel cấp vũ khí cho Ukraine nhằm đáp trả việc Nga quyết định dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran. Với tuyên bố này, Israel có thể hiểu rằng không thể gây sức ép khiến ông Putin thay đổi quyết định, và quyền quyết định của Israel sẽ chỉ là lựa chọn ứng xử như thế nào trong mối quan hệ với Nga. 

Sau khi thể hiện thái độ Israel “muốn làm gì thì làm”, Tổng thống Nga Vladimir Putin không quên cảnh báo về hậu quả của hành động này, rằng những vũ khí mà Israel chuyển cho Ukraine sẽ chỉ làm gia tăng căng thẳng và con số nạn nhân, và “kết quả sẽ vẫn như cũ”. Ông Vladimir Putin còn nhấn mạnh việc làm của Israel sẽ làm xói mòn những nỗ lực mang lại hòa bình cho miền Đông Ukraine.
Tất nhiên, ông chủ điện Kremlin thừa hiểu lời đe dọa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu là nhằm đáp trả việc Nga dỡ bỏ lệnh cấm cung cấp hệ thống tên lửa phòng không S-300 cho Iran. Bởi vậy, ông Putin đã bác bỏ những lo ngại của Israel khi khẳng định S-300 chỉ là một loại vũ khí mang tính phòng vệ, vì thế sẽ không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào với an ninh của Israel cũng như của các nước khác ở Trung Đông.
Trước đó, hôm 18/4, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly cũng đã nhấn mạnh rằng Nga không vướng phải những rào cản quốc tế đối với việc cung cấp cho Iran hệ thống tên lửa phòng không S-300, bởi S-300 không phải là loại vũ khí tấn công. 
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Phía Iran hiện hy vọng có thể nhận được tên lửa phòng không S-300 của Nga vào cuối năm nay. Tuy nhiên, phía Nga không hứa hẹn một thời điểm cụ thể nào với lý do điều này phụ thuộc nào năng lực của các nhà máy sản xuất. Mặc dù vậy, một điều chắc chắn rằng Israel đã không tác động được tới quyết định của Nga trong thương vụ này, vấn đề còn lại là liệu Israel có hành động như lời đe dọa đã đưa ra là cung cấp vũ khí cho Ukraine hay không. Thực ra, mối liên hệ giữa việc Nga cung cấp S-300 cho Iran với việc Israel cung cấp vũ khí cho Ukraine đã bắt đầu từ trong quá khứ.
Năm 2007, Nga đã ký một hợp đồng bán cho Iran hệ thống S-300 với trị giá hợp đồng lên tới 800 triệu USD. Tuy nhiên, hợp đồng này đã bị đóng băng sau khi Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết trừng phạt Iran xuất phát từ chương trình hạt nhân gây tranh cãi của nước này. Mặc dù không tuyên bố công khai, song việc Israel sau đó từ chối cung cấp vũ khí cho Ukraine và Georgia được cho là “đáp lễ” với Nga. Bởi vậy, về mặt lý thuyết, một khi Nga quay trở lại thực hiện hợp đồng cung cấp S-300 cho Iran, thì Israel hoàn toàn có quyền cung cấp vũ khí cho Ukraine. 
Bản thân ông Vladimir Putin cũng thừa nhận “quyền” này của Israel, nhưng Israel có thực thi “quyền” của mình hay không lại là chuyện khác, và chắc chắn Israel sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng nếu thực sự có ý định tiến hành bước đi liều lĩnh này. Việc Israel phản đối Nga dựa trên mối lo ngại về sự đe dọa của hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 đối với an ninh của nước này. Với khả năng theo dõi đến 100 mục tiêu và tấn công cùng lúc từ 12 đến 36 mục tiêu, có khả năng tiêu diệt hiệu quả tất cả các mục tiêu trên không như máy bay và tên lửa đạn đạo, hệ thống S-300 mà Nga sẽ cung cấp cho Iran khiến Israel “đứng ngồi không yên” là điều dễ hiểu.
Thế nhưng, sự khác biệt trong hai thương vụ của Nga và Israel là Nga cung cấp vũ khí phòng thủ cho Iran, trong khi Israel chưa làm rõ sẽ cung cấp cho Ukraine vũ khí tấn công hay phòng thủ. Tất nhiên, đằng sau mỗi thương vụ cung cấp vũ khí là nhiều tính toán chiến lược của các bên, và câu chuyện sẽ không chỉ là tấn công hay phòng thủ, nhưng có một yếu tố khiến Nga ở trong thế “dễ ăn, dễ nói” hơn Israel. Đó là Nga cung cấp S-300 cho Iran trong điều kiện ở Iran chưa có đụng độ hay xung đột, khả năng các nước “động binh” về vấn đề hạt nhân của Iran là khó xảy ra khi các bên đã đạt được một thỏa thuận khung vào đầu tháng 4 vừa qua.
Ngược lại, Ukraine đang là một “điểm nóng” kéo dài mà cộng đồng quốc tế phải mất rất nhiều công sức mới có thể “hạ nhiệt”. Trải qua nhiều khó khăn, bộ tứ Normandie đã đạt tới thỏa thuận Misk-2 - một thỏa thuận đã tạm thời tháo ngòi nổ ở vùng chiến sự miền Đông Ukraine, thế nhưng việc duy trì thỏa thuận vẫn còn rất mong manh. Trong bối cảnh này, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine chắc chắn sẽ khiến Israel “mất điểm” nghiêm trọng trong mắt cộng đồng quốc tế - một kết cục mà ngay cả Mỹ trước đây cũng không sẵn sàng chấp nhận khi cân nhắc làm điều tương tự. 
Bên cạnh đó, việc Israel thực hiện lời đe dọa của mình đồng nghĩa với việc đẩy quan hệ Nga - Israel vào một cuộc đối đầu nghiêm trọng. Trước đây, cả Nga và Israel đều luôn cố gắng giữ mối quan hệ giao hảo với nhau, đặc biệt là trong hợp tác kinh tế thương mại. Nga dù là đồng minh của Iran, nhưng trong các vấn đề của khu vực Trung Đông, Nga luôn đứng ở vị trí trung gian hòa giải, không bao giờ đối đầu trực tiếp với Israel.
Phía Israel cũng có hành xử tương tự khi tỏ thái độ trung lập trong các cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây, cho dù Israel là một đồng minh thân cận của Mỹ. Một khi Israel đứng về phía Ukraine bằng việc cung cấp vũ khí, chắc chắn mối giao hảo này sẽ không còn, bởi cả thế giới đều hiểu quá rõ về lập trường cứng rắn của ông Vladimir Putin trong vấn đề Ukraine.
Đây là hệ quả mà Israel sẽ phải cân nhắc thiệt hơn, nhất là khi phương Tây gần đây đã tỏ thái độ mất kiên nhẫn với Israel trong cách tiếp cận của nước này trong vấn đề hạt nhân Iran và trong cuộc xung đột với Palestine. Bởi vậy, phải ứng xử ra sao trong vụ Nga cung cấp hệ thống tên lửa phòng thủ S-300 cho Iran, đây thực sự là bài toán khó cho Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. 
Thúy Ngọc

tin mới

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.