Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung lần thứ 7: Không có đột phá

(Baonghean) - Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung lần thứ 7 diễn ra từ ngày 23 -24/6 vừa qua tại Washington, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với PGS. TS., Thiếu tướng Lê Văn Cương – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an. 
Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, ông có thể cho biết về bối cảnh mối quan hệ Trung - Mỹ trước khi bước vào đối thoại?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trước khi nói về bối cảnh, chúng ta phải làm rõ bản chất quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ. Về thực chất, quan hệ Trung - Mỹ là quan hệ giữa một cường quốc đang nổi lên nhanh chóng với sức mạnh tổng hợp quốc gia có quy mô toàn cầu và một siêu cường đang có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển của thế giới về kinh tế, chính trị và an ninh. Trong nhiều trường hợp, Mỹ vẫn giữ vai trò mang tính chi phối đến tình hình thế giới. Như vậy, ở tầng sâu, Trung Quốc và Mỹ có mâu thuẫn mang tính đối kháng về mục tiêu chiến lược, nói cách khác là mâu thuẫn về lợi ích và kết cấu ở tầng sâu. Mỹ muốn duy trì trật tự thế giới hiện nay do họ chi phối, còn Trung Quốc là một cường quốc đang nổi lên, họ cần có không gian chính trị - kinh tế lớn hơn để phát triển. Như vậy, một bên đòi duy trì hiện trạng với trật tự do họ dẫn dắt, còn bên kia không chấp nhận trật tự hiện trạng, họ muốn thay đổi. 
Đối thoại chiến lược và kinh tế thường niên Mỹ - Trung (S&ED) lần thứ 7  tại Thủ đô Washington (Mỹ).	Ảnh: Internet
Đối thoại chiến lược và kinh tế thường niên Mỹ - Trung (S&ED) lần thứ 7 tại Thủ đô Washington (Mỹ). Ảnh: Internet
Bước vào cuộc đối thoại vừa rồi, bối cảnh tình hình chính trị và an ninh giữa hai nước ở trạng thái hết sức căng thẳng. Một là vấn đề nóng lên ở Biển Đông do Trung Quốc cải tạo và bồi đắp trái phép các đảo đá ở Trường Sa. Mỹ và dư luận thế giới cho rằng Trung Quốc đang xây dựng các căn cứ quân sự ở Trường Sa, thay đổi một cách căn bản hiện trạng tự nhiên ở Biển Đông và cho rằng các hành động của Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Các hành động này cũng đi ngược lại những điều mà lãnh đạo Trung Quốc, từ ông Hồ Cẩm Đào đến ông Tập Cận Bình đã nhiều lần hứa hẹn và cam kết với Mỹ, với các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế, đe dọa nghiêm trọng an toàn hàng hải, an ninh trên Biển Đông - con đường hàng hải quốc tế nhộn nhịp bậc nhất thế giới. Quan trọng hơn, hành động đó đã trực tiếp đe dọa đến an ninh và lợi ích của Mỹ, cũng như bạn bè và đồng minh của nước này ở khu vực. 
Vấn đề nóng thứ hai là Chính quyền Obama đã cáo buộc Chính phủ Trung Quốc đứng sau vụ tin tặc Trung Quốc xâm nhập đánh cắp thông tin cá nhân của 14 triệu nhân viên Liên bang Mỹ, thông tin liên doanh mật và công nghệ độc quyền của các công ty Mỹ. Vấn đề này thực chất đã lên đến đỉnh điểm từ năm 2012. Như vậy, họ bước vào cuộc đối thoại trong bối cảnh 2 điểm nóng nổi lên, phản ánh mâu thuẫn mang tính đối kháng. 
Phóng viên: Vậy Thiếu tướng đánh giá thế nào về kết quả cuộc đối thoại Trung - Mỹ lần này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Các quan chức Mỹ và Trung Quốc đã thông báo rằng cuộc đối thoại mang tính xây dựng và tích cực. Nhưng thực chất, có nhiều vấn đề quan trọng chưa được giải quyết. 
Phía Trung Quốc vẫn đưa ra những thông tin để phân bua, yêu cầu Mỹ cảm thông và tuyên bố việc cải tạo là nhằm mục đích dân sự, chẳng hạn như làm nơi tránh trú bão, cứu trợ nhân đạo, các cơ sở nghiên cứu hải dương học, môi trường,… Trung Quốc cũng có ý cam kết những hành động này không ảnh hưởng đến an ninh, an toàn hàng hải Biển Đông. Phía Mỹ lắng nghe nhưng họ không tin, vấn đề này cuối cùng để lùi lại tiếp tục nghiên cứu, thỏa thuận, tìm ra một giải pháp hợp lý đảm bảo lợi ích hai bên. Trung Quốc yêu cầu Mỹ không can thiệp vào tranh chấp Biển Đông và họ rất khôn ngoan khi nói rằng quan hệ Trung - Mỹ ở tầm cao, vấn đề Biển Đông là vấn đề nhỏ, không nên để ảnh hưởng đến quan hệ 2 nước. 
Về phía các quan chức Mỹ, họ cho rằng đây là vấn đề hệ trọng. Nếu không giải quyết đến nơi đến chốn rất dễ gây căng thẳng, thậm chí dẫn đến xung đột. Nhưng vấn đề gai góc nhất là hành động của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế lại chưa được giải quyết, cuối cùng hai bên chỉ đưa ra quan điểm tiếp tục bàn.
Thứ hai là việc tin tặc Trung Quốc đánh cắp thông tin Mỹ. Vấn đề này Trung Quốc cũng tìm cách từ chối và hứa hẹn sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ để làm rõ. Như vậy, cả hai vấn đề đều chưa được giải quyết, chưa nói đến nhiều vấn đề khác còn để ngỏ. 
Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, ông có bình luận gì về vấn đề này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trong kế hoạch nếu không có gì thay đổi, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ đến thăm Mỹ. Họ tin tưởng và kỳ vọng chuyến đi này tạo ra một mối quan hệ mang tính nguyên tắc để các Tổng thống nhiệm kỳ sau cũng không thay đổi được. Cách đây 1 tuần, Trung Quốc tuyên bố hoàn thành cơ bản việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa cũng là dọn đường cho Tập Cận Bình đi thăm Mỹ vào cuối tháng 9. Tôi đánh giá rằng cuộc đối thoại này chuẩn bị môi trường tâm lý, chính trị - an ninh thuận lợi chuyến công du sắp tới của Tập Cận Bình diễn ra trong không khí cởi mở hơn. 
Phóng viên: Dư luận quốc tế đồn đoán rất nhiều về quan hệ Trung - Mỹ. Ông có dự đoán gì về quan hệ Trung - Mỹ trong tương lai? 
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đây là mối quan hệ quan trọng và hết sức phức tạp. Thời đại Tập Cận Bình sẽ kéo dài 7 năm nữa. Chiến lược của Trung Quốc đến năm 2021 là đạt được mục tiêu xây dựng xã hội khá giả, đưa nước này vào nhóm các nền kinh tế phát triển trung bình khá với GDP bình quân đầu người từ 12.000 - 15.000 USD. Cùng với đó, từ năm ngoái đến nay, chính quyền Tập Cận Bình triển khai chiến lược “Một vành đai, một con đường”. Đây là chiến lược toàn cầu của Trung Quốc để đối phó với chính sách “xoay trục” của Mỹ và thâu tóm lục địa Á - Âu. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Trung Quốc là triển khai chiến lược này, khống chế lục địa Á - Âu nhằm đối đầu với Mỹ. Do đó, tôi cho rằng từ giờ đến năm 2022 sẽ không có đối đầu giữa hai nước. Trung Quốc sẽ làm ra vẻ quan trọng để tỏ rõ cho Mỹ thấy Mỹ cần Trung Quốc và cố câu giờ, đối đầu bây giờ là tự sát và đều là tai họa với hai nước. Họ vừa hợp tác vừa cạnh tranh, che giấu đối đầu, mặc dù cạnh tranh ngày càng căng thẳng. Trung Quốc bằng mọi cách sẽ ổn định quan hệ Trung - Mỹ để thực hiện chiến lược toàn cầu của họ. 
Phóng viên: Mối quan hệ như ông đã dự báo có tác động như thế nào đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và các nước ASEAN nói riêng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có thể nói khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chưa dậy sóng, các mối quan hệ giữa các nước trong khu vực vẫn chưa được giải quyết. Các nước vẫn tiếp tục có điều kiện phát triển, nhưng đồng thời cũng phải lưu ý khi hai nước Mỹ - Trung hợp tác và cạnh tranh với nhau đều tác động đến an ninh phát triển trong khu vực. Bên cạnh đó, phải thường xuyên tỉnh táo và cảnh giác, đề phòng Mỹ - Trung vì mục đích lớn mà sẵn sàng hy sinh lợi ích của các nước nhỏ để buôn bán lợi ích với nhau, tránh trở thành con tốt trong bàn cờ chính trị của hai nước. 
Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, theo Thiếu tướng quan hệ Mỹ - Trung tác động đến mối quan hệ Mỹ - Nga như thế nào?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có thể nói từ nay đến năm 2022, 3 nước Mỹ - Nga - Trung Quốc sẽ chi phối tình hình thế giới. Do đó, quan hệ Mỹ - Trung ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ Mỹ - Nga. Khi quan hệ Mỹ - Trung hợp tác là chủ đạo thì Nga rất dễ đứng trước nguy cơ bị đe dọa lớn. Còn lần này, Mỹ - Trung không hợp tác thì cũng tác động đến Nga, có thể dự báo rằng, Mỹ cũng không đủ tiềm lực cùng một lúc đối phó với Nga và Trung Quốc để không đẩy Nga và Trung Quốc lại gần nhau. Năm 2014, với cuộc khủng hoảng Ukraine, Mỹ đã dại dột đẩy Nga tới chỗ hợp tác với Trung Quốc. Tôi cho đây là một sai lầm và chính quyền Obama đã nhận ra điều đó. Trong thời gian sắp tới, Mỹ sẽ không để quan hệ Mỹ - Nga đến gần vực thẳm, vì như vậy bên có lợi sẽ là Trung Quốc. Ngược lại, Mỹ và Trung Quốc cũng không thể đối đầu nhau. Tôi cho rằng quan hệ Trung - Mỹ như hiện nay góp phần thúc đẩy quan hệ Mỹ - Nga cũng có xu hướng phát triển ngày càng căng thẳng hơn. 
Phóng viên: Cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trò chuyện!
Chí Linh Sơn
(Thực hiện)

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.