Châu Âu rối bời vì nông nghiệp

(Baonghean) - Mấy ngày qua, thủ đô Brussels của Bỉ đã náo loạn bởi cuộc biểu tình quy mô lớn trước trụ sở Ủy ban châu Âu và Hội đồng châu Âu, trong lúc các bộ trưởng nông nghiệp các nước nhóm họp nhằm tìm kiếm các giải pháp cho những khó khăn mà ngành nông nghiệp và chăn nuôi của khu vực. Một khoản hỗ trợ trị giá 500 triệu euro đã được đưa ra, thế nhưng, liệu như vậy đã đủ để cứu nền nông nghiệp và chăn nuôi châu Âu đang đứng trước bờ vực khủng hoảng? 

Biểu tình bạo lực
Cuộc biểu tình của hơn 7.000 nông dân đã biến thành bạo động khi nhiều người có hành động quá khích nhằm vào lực lượng cảnh sát. Các nông dân tham gia biểu tình tại Brussels lần này đến từ nhiều nước như Bỉ, Pháp, Đức, Anh, Ireland và các nước khác trong Liên minh châu Âu. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi người biểu tình ném trứng, vỏ chai, mảnh vỡ vào cảnh sát, lập các rào chắn và đốt lốp xe tạo khói đen.
Sự bức bối này của nông dân châu Âu âm ỉ suốt thời gian qua cuối cùng đã bùng phát. Nguyên nhân là do thị trường tiêu thụ nông phẩm của các nước thuộc Liên minh châu Âu đã bị thu hẹp sau khi đóng cửa các thị trường trọng điểm, đặc biệt là Nga. Theo đó, kể từ tháng 8 năm ngoái, nhằm đáp trả các biện pháp trừng phạt của phương Tây liên quan đến tình hình Ukraine, Nga đã cấm nhập khẩu thịt bò, thịt lợn, rau quả, thịt gia cầm, cá, pho-mát, sữa và các sản phẩm sữa từ các nước Liên minh châu Âu, Australia, Canada, Na Uy và Mỹ. 
Sau lệnh cấm này, một loạt nhà xuất khẩu nông nghiệp lớn của châu Âu như Đức, Hà Lan hay Phần Lan đã không còn thị trường ngoài khu vực, buộc phải tiêu thụ các sản phẩm tại thị trường Liên minh châu Âu, khiến giá nhiều mặt hàng nông phẩm giảm mạnh. Pháp, Bỉ, hiện phải đối mặt với cuộc khủng hoảng giá trong ngành sữa. Hiện giá thu mua sữa của nông dân đã giảm 20% so với năm ngoái, khi 1 lít sữa tại Bỉ chỉ có giá 25 centime, chưa thể bù nổi chi phí sản xuất là khoảng 33 centime/lít. Các nhà chăn nuôi lợn châu Âu cũng không thoát cảnh khó khăn khi giá 1 kg thịt lợn hiện chỉ khoảng 1 euro, trong khi chi phí lên đến 1,3 - 1,5 euro.
Theo ước tính, lệnh cấm vận của Nga đã khiến nông dân châu Âu bị thiệt hại khoảng 5,5 tỷ euro từ tháng 8 năm ngoái đến nay. Những người nông dân chỉ trích giới chức và cho rằng, họ đang phải trả giá cho những chính sách mang tính chính trị của Liên minh châu Âu liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Cảnh sát đang phải hứng chịu các “cơn mưa trứng” trong cuộc biểu tình của hàng nghìn nông dân châu Âu bên ngoài trụ sở Hội đồng châu Âu tại Brussels, Bỉ hôm 7/9/2015.	Nguồn: Reuters
Cảnh sát đang phải hứng chịu các “cơn mưa trứng” trong cuộc biểu tình của hàng nghìn nông dân châu Âu bên ngoài trụ sở Hội đồng châu Âu tại Brussels, Bỉ hôm 7/9/2015. Nguồn: Reuters
Nông nghiệp - chăn nuôi châu Âu: Nhiều khó khăn
Không chỉ có các lệnh cấm vận của Nga, các khó khăn của nông nghiệp châu Âu hiện nay còn bắt nguồn từ nhiều lý do khác. Đó là tình trạng hoạt động xuất khẩu trên thị trường nông sản thế giới bị gián đoạn do nhu cầu giảm đi, trong khi thị trường sữa phải đối mặt với tình trạng cung vượt cầu. Trong đó, nhu cầu về sữa bột tại thị trường lớn là Trung Quốc đã giảm đột ngột xuống còn một nửa, do nền kinh tế nước này đang trên đà chững lại và suy giảm.
Tiếp đó, một nguyên nhân chủ quan được chỉ ra, đó là việc thực hiện không hiệu quả Chính sách Nông nghiệp chung châu Âu (CAP) được triển khai trong 10 năm qua. Theo các nhà phân tích, chính sách này không còn phù hợp với các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Vì thế, Liên minh châu Âu đã quyết định bãi bỏ hạn ngạch và các quy định về đảm bảo giá cả và thay thế bằng chính sách hỗ trợ thu nhập. Sự thay đổi này khiến nông dân các nước châu Âu lâm vào cảnh phải cạnh tranh gay gắt trong tâm thế chưa được chuẩn bị kỹ càng. Theo thống kê, ngành nông nghiệp thực phẩm châu Âu hiện đang tạo ra 40 triệu việc làm, xuất khẩu hơn 120 tỷ euro mỗi năm. 
Trước thực tế này, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu từ năm ngoái đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ, như quyết định kéo dài các biện pháp hỗ trợ đến ngày 30/6/2016 đối với các nhóm hàng chính là rau và hoa quả như táo, lê của Bỉ; đào, mận của các quốc gia Nam Âu hay kéo dài việc hỗ trợ ngành sữa cho đến tháng 1/2016.
Hồi tháng 9 năm ngoái, Ủy ban châu Âu (EC) cũng đã giải ngân gói hỗ trợ trị giá hơn 125 triệu euro để trợ giúp các nhà sản xuất nông nghiệp trong khu vực và mới nhất là gói hỗ trợ trị giá 500 triệu euro vừa được thông qua. Các Bộ trưởng và Ủy ban châu Âu trong cuộc họp bất thường vừa diễn ra cũng đề xuất một chương trình ngắn và trung hạn nhằm cải thiện tình hình, mang lại “những triển vọng mới” cho nông dân. 
Giải pháp nào cho khủng hoảng nông nghiệp châu Âu?
Ở một góc nhìn khác, các nhà phân tích đánh giá lạc quan về cuộc thảo luận mới nhất giữa Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Aleksey Uliukaev với Ủy viên về Thương mại (EU) Cecilia Malmstrom và Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin diễn ra hôm 7/9 tại Brussels, Bỉ. Tại cuộc thảo luận, các chuyên gia của Liên minh châu Âu (EU), Nga và Ukraine đã nhận được chỉ thị cùng xúc tiến tháo gỡ những quan ngại của Moskva liên quan tới việc việc thành lập khu vực tự do thương mại theo Thỏa thuận Liên kết giữa EU và Ukraine, dự kiến được triển khai vào ngày 1/1/2016.
 Theo người đứng đầu Bộ Phát triển kinh tế Nga, cuộc thảo luận diễn ra trong không khí tích cực và các bên đã nhất trí sẽ tiến hành cuộc gặp ba bên tiếp theo vào tháng 10 tới. Đáng chú ý là nếu đi vào thực tế, thoả thuận thương mại này sẽ dỡ bỏ thuế quan cho khoảng 90% sản phẩm hàng hoá thương mại giữa Ukraine và Liên minh châu Âu (EU). Các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi châu Âu vì thế cũng sẽ có thêm một thị trường không nhỏ là Ukraine.
Nhìn lại tháng 5 năm ngoái, dù không mong muốn Ukraine ký thoả thuận thương mại với EU nhưng trong một động thái bất ngờ, Moscow đã chấp thuận để thoả thuận này khởi động sớm. Thực ra theo giới phân tích, Nga chọn giải pháp này là kết quả của những cân nhắc kỹ càng. Bởi khi Nga thể hiện thiện chí của mình với Ukraine và EU như vậy, chắc hẳn Liên minh châu Âu sẽ không quá cứng rắn trong việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Moscow.
Thực tế cũng đã chứng minh, các đòn trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và Liên minh châu Âu liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine, không chỉ làm EU thiệt hại mà Nga cũng gặp không ít khó khăn. Tháng 8 vừa rồi, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể gây thiệt hại tới 9% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga. 
Có lẽ đã đến lúc đôi bên Nga - Liên minh châu Âu sau khi nếm đủ các đòn trừng phạt của nhau, muốn tìm ra những giải pháp có thể “cùng xuống thang” mà không bị ngã đau thêm nữa. Nhưng tất cả vẫn còn phải chờ thời gian và thái độ của tất cả các bên. Bởi một khi quan hệ châu Âu - Nga còn căng thẳng liên quan đến Ukraine; nền kinh tế nhiều nước trong đó có Trung Quốc còn tăng trưởng chậm, thì nông nghiệp và chăn nuôi châu Âu vẫn sẽ còn phải hứng chịu nhiều khó khăn. Và tất cả mọi giải pháp và nỗ lực vẫn chỉ là tạm thời mà thôi.
Khang Duy

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.