Cơ hội cho nguồn cung lao động của Đức

(Baonghean) - Cũng như nhiều nước khác trong Liên minh châu Âu, những tháng gần đây Đức đang phải đối mặt với cảnh tượng mỗi ngày có hàng nghìn người tị nạn đổ xô vào lãnh thổ nước này. Gác lại những rắc rối và vấn đề phát sinh từ vấn nạn di cư trái phép, ở một góc độ tích cực, dường như nền kinh tế lớn nhất “lục địa già” đang đứng trước cơ hội tìm lối đi để thoát khỏi tình trạng lực lượng lao động đang già đi của họ. Dẫu rằng việc hòa nhập những người mới đến có thể mất nhiều công sức, thời gian và tiền bạc…

Tại Đức, có 2 chỉ số từ trước đến nay vẫn thường xuyên duy trì ổn định ở mức thấp. Một là tỷ lệ thất nghiệp, và hai là tỷ lệ sinh. Ở ngưỡng 6,4%, số người không có việc làm và hiện đang tìm kiếm công việc tại quê hương món xúc xích trứ danh đang ở mức thấp nhất kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ và sáp nhập 2 vùng Đông Đức và Tây Đức vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Chỉ số này cho thấy những dấu hiệu tích cực trong đà tăng trưởng kinh tế của đầu tàu châu Âu, và rõ ràng trong mối tương quan với những quốc gia khác trong khu vực và các vùng miền khác trên thế giới, thị trường lao động Đức tỏ ra khả quan hơn, nhất là với những bộ phận đang trăn trở tìm kiếm việc làm sau khi rời bỏ quê hương lên đường tị nạn.
Tương tự, tỷ lệ sinh tại quốc gia này cũng được liệt vào hạng thấp nhất trên thế giới, dấy lên những lo ngại về khả năng thiếu hụt lực lượng lao động, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế. Đầu tháng 6 vừa qua, một nghiên cứu của Viện kinh tế quốc tế nước này đã chỉ ra rằng tại Đức, suốt 5 năm qua, trung bình chỉ có 8,2 trẻ chào đời trên 1.000 người dân. Tỷ lệ này ở Nhật Bản là 8,4, còn tại Bồ Đào Nha và Italy, con số lần lược là 9,0 và 9,3. Như vậy, năm 2015 đã đánh dấu thời điểm Đức vượt Nhật Bản trở thành nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, và những số liệu thực tế dường như đã và đang khiến các chủ lao động tại nước này phải đối mặt với tình thế khó khăn không hề nhỏ. Họ tự hỏi rằng còn bao lâu nữa trước khi đầu tàu kinh tế Đức bước vào giai đoạn suy thoái trong bối cảnh hàng loạt người lao động đến tuổi nghỉ hưu nhưng không có lực lượng trẻ thay thế và lấp vào những khoảng trống trên thị trường?
Đức đang đứng trước cơ hội tìm lối thoát cho lực lượng lao động đang già đi.  	Ảnh: Internet
Đức đang đứng trước cơ hội tìm lối thoát cho lực lượng lao động đang già đi. Ảnh: Internet
Trong khi đó, lượng người di cư khổng lồ tìm cách trốn chạy cuộc chiến tranh tại Trung Đông và tình trạng bất ổn tại châu Phi vừa lúc có thể được cân nhắc để trở thành nguồn cung lao động có khả năng hỗ trợ Đức vượt qua bài toán nhân khẩu học đang dần hiện hữu. Đồng tình với quan điểm này, đại diện Chính phủ Đức, Bộ trưởng Lao động Andrea Nahles đã phát biểu với báo giới hôm 1/9 rằng mặc dù xét tổng quan thị trường lao động vẫn tiếp tục là “một mỏ neo quan trọng cho sự ổn định tại nước Đức”, có nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế quốc gia thiếu hụt trầm trọng lao động có kỹ năng. Bà Andrea Nahles đưa ra những số liệu chính thức và cập nhật nhất về nền kinh tế hàng đầu châu Âu, đồng thời nhận định: “Chúng tôi muốn tận dụng tình hình để mở ra cơ hội về một cuộc sống mới và tốt đẹp hơn tại nước Đức dành cho bộ phận những người tị nạn đã đặt chân đến nơi đây theo đúng quy định của pháp luật”.
Như vậy, Đức đang bày tỏ thiện chí đối với những người di cư hợp pháp, với mong muốn giúp đỡ bộ phận này có được công việc phù hợp tại môi trường mới, nhanh chóng hòa nhập với xã hội và cộng đồng dân cư, sớm trở thành hàng xóm, đồng nghiệp với những người Đức bản xứ. Từ phía các doanh nghiệp, họ cũng kêu gọi chính quyền tiểu bang và liên bang nhanh chóng thúc đẩy và tạo điều kiện để đưa những người mới đến sớm tham gia lực lượng lao động của quốc gia, đảm bảo họ được bảo vệ các quyền chính đáng của người lao động về mức lương tối thiểu. Đây là điều dễ hiểu, bởi một khi hoàn thành, các ngành nghề kinh doanh, các ông chủ doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi lớn, với số lao động được bảo đảm, có tay nghề tốt, khiến sản xuất tránh rơi vào tình trạng đình trệ.
Tuy nhiên, để làm được điều này cũng là việc không hề đơn giản đối với Đức. Nước này sẽ phải phân bổ thêm 1,8 đến 3,3 tỷ euro (tương đương 2 đến 3,7 tỷ USD) chỉ riêng trong năm 2016 để tổ chức các lớp giảng dạy tiếng Đức cho người tị nạn cũng như trợ cấp cho họ trong giai đoạn đào tạo nghề. Bộ trưởng Lao động Đức dự tính, đến năm 2019, khoản phân bổ thêm này có thể lên tới 7 tỷ euro. Song song với đó, bà Andrea Nahles cũng khẳng định sự gia tăng theo ước tính trong số người được cấp cơ chế tị nạn tại Đức cũng có thể khiến những người đủ điều kiện tìm kiếm việc làm và hưởng phúc lợi dành cho bộ phận này tại đây tăng lên con số 460.000 người trong năm 2016. Thậm chí chỉ trong vòng 4 năm nữa, số lượng này có thể tăng lên thành hơn 1 triệu người được quyền hưởng phúc lợi xã hội khi đang trong quá trình tìm việc hoặc mất khả năng lao động theo quy định của chính phủ Berlin.
Những khoản chi phí phụ trội có khả năng sẽ khuấy động một cuộc tranh luận lớn tại Đức, nơi các quan điểm và ý kiến về cuộc khủng hoảng di cư của châu Âu cũng như vai trò của nước Đức trong bối cảnh khủng hoảng vốn dĩ đã khá đa chiều và chứa đựng những chia rẽ, bất đồng. Nhiều người thúc giục Berlin làm mọi cách trong khả năng và quyền hạn để giúp đỡ những người mong muốn thoát khỏi cảnh chiến tranh và nghèo đói, trong khi đó không ít người lại lo sợ làn sóng nhập cư quá lớn có thể dội xuống quỹ tiền lương và ảnh hưởng tiêu cực đến nền văn hóa quốc gia lâu đời của Đức. Sớm dàn xếp những khác biệt trong cách tư duy của hai luồng suy nghĩ trái chiều, đưa ra một giải pháp đồng thuận để cùng lúc giải quyết nhanh gọn 2 vấn đề hóc búa là bài toán di cư và câu đố về nguồn cung lao động là điều cần chú trọng hiện nay trong chính quyền của Thủ tướng Angela Merkel. Tuyển dụng những người nhập cư, khai thác những tiềm năng vốn có nơi họ, tận dụng kỹ năng nghề nghiệp mà lực lượng này đã tích lũy được trước khi xa xứ là những động thái khôn ngoan để duy trì và nâng cao vị thế thương hiệu “Sản xuất tại Đức”.
Thu Giang

tin mới

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

(Baonghean.vn) - Hôm nay dự luật viện trợ cho Ukraine được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ, trước khi tổng thống ký thành luật. Liệu gói này có giúp Ukraine thay đổi tình thế hay không, khi nó đến Kiev “chậm trễ”?. Còn với Nga, việc này chỉ làm giàu cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ.

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.