Cuộc chiến chống khủng bố: 14 năm và những động thái mới của Nga ở Syria

(Baonghean) - Mỹ vừa kỷ niệm 14 năm xảy ra thảm kịch 11/9/2001, cùng với đó là nhìn lại kết quả của cuộc chiến chống khủng bố. Mới đây, Nga cũng tuyên bố cung cấp vũ khí và cử chuyên gia quân sự sang Syria, khiến Mỹ và phương Tây quan ngại. Để hiểu rõ hơn những vấn đề này, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với PGS. TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược và khoa học, Bộ Công an.

P.V: Thưa Thiếu tướng, ông có đánh giá khái quát gì về sự kiện 11/9/2001 và kết quả cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ sau 14 năm?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Sự kiện 11/9/2001 là sự kiện đen tối nhất trong lịch sử 239 năm của Mỹ. Trong bối cảnh Washington là siêu cường duy nhất, đang ở đỉnh cao cả về kinh tế, quân sự, chính trị, ngoại giao,... tại quốc gia này lại xảy ra 2 vụ tấn công đánh vào Tòa Tháp đôi ở New York – biểu tượng sức mạnh kinh tế và Lầu Năm Góc – biểu tượng sức mạnh quân sự, gây hàng nghìn thương vong và rúng động cả thế giới. Sau sự kiện này, Chính quyền George W. Bush đã tiến hành cuộc chiến chống khủng bố, đến nay đã được 14 năm. 
Nga thừa nhận cung cấp vũ khí cho lực lượng quân Chính phủ Syria.
Nga thừa nhận cung cấp vũ khí cho lực lượng quân Chính phủ Syria.
Ở mức độ khái quát, tôi có một số đánh giá như sau: Mục tiêu ban đầu của cuộc chiến chống khủng bố là đập tan chế độ Taliban ở Afghanistan và loại bỏ chính quyền Saddam Hussein ở Iraq, xây dựng chính quyền dân chủ theo mẫu hình Mỹ và phương Tây ở 2 quốc gia này, phục vụ lợi ích của Mỹ. Căn cứ vào đó, có thể nói rằng thành công của cuộc chiến chống khủng bố là Mỹ đã loại bỏ được chính quyền Taliban và Saddam Hussein, tiêu diệt được trùm khủng bố Osama bin Laden, cơ bản đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân. Nhưng xét cho cùng, cuộc chiến hoàn toàn chưa đạt mục tiêu đặt ra, thậm chí tình hình ở Afghanistan và Iraq sau 14 năm còn tệ hại hơn nhiều lần. Theo nhiều nguồn tin, Mỹ đã chi vào cuộc chiến tới 2.000 tỷ USD, 10.000 binh sỹ NATO thiệt mạng, hàng trăm nghìn binh sỹ thương tật,... Mỹ đã sa lầy vào Afghanistan và Iraq, trong điều kiện Trung Quốc và Nga khôi phục, trở thành nhân tố thách thức, tạo cục diện mới gây bất lợi cho Mỹ. Nhìn trên nhiều khía cạnh, vai trò siêu cường suy giảm, cán cân quyền lực và cấu trúc sức mạnh toàn cầu bất lợi cho Mỹ là thất bại lớn nhất của họ.
P.V: Dư luận cho rằng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng là sản phẩm từ cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan và Iraq. Ý kiến của Thiếu tướng về vấn đề này như thế nào? Có sự khác biệt gì giữa IS và al-Qaeda?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Trước khi chính quyền Saddam Hussein bị lật đổ, ở Iraq không có al-Qaeda. Sau khi Mỹ loại bỏ ông Hussein, al-Qaeda tổ chức một nhánh tại Iraq vào năm 2005 nhằm mục đích khủng bố lợi ích của Mỹ. Nhánh này phát triển mạnh, đảo lộn tình hình Iraq, trở thành lực lượng lớn, từ năm 2011 hoạt động độc lập và năm 2013 tách khỏi tổ chức mẹ thành tổ chức độc lập lấy tên là IS. Dư luận cho rằng IS là sản phẩm của cuộc chiến của Mỹ là hoàn toàn đúng. Lịch sử không thể giả định, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng nếu Mỹ không tiến hành các cuộc chiến phi nghĩa thì chắc chắn không có IS.
Đến giờ phút này, sự khác biệt giữa IS và al-Qaeda thể hiện ở 3 điểm. Thứ nhất, về mục tiêu, al Qaeda là tổ chức khủng bố quốc tế, hoạt động khủng bố mang tính trả thù, không đánh chiếm lãnh thổ, không có mục đích thành lập nhà nước. Ngược lại, IS muốn thành lập nhà nước Hồi giáo dòng Sunni bao chiếm vùng Trung Đông và Bắc Phi. Thứ hai, IS có mức độ tàn bạo gấp nhiều lần al-Qaeda. Thứ ba, IS có sức mạnh trên nhiều phương diện (quân sự, kinh tế,...), hơn hẳn al-Qaeda. Tôi cho rằng IS là mối đe dọa toàn cầu, mạnh hơn, nguy hiểm hơn, khó tiêu diệt hơn so với al- Qaeda.
P.V: Chiến lược chống IS của Tổng thống Obama có gì khác với chiến lược chống al-Qaeda của Tổng thống Bush? Sau 1 năm liên minh do Mỹ đứng đầu tiến hành hàng nghìn cuộc không kích, tại sao IS không suy yếu mà dường như còn mạnh lên, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Từ năm 2014, Tổng thống Obama đưa ra chiến lược chống khủng bố, có nhiều điểm khác xa chiến lược của Tổng thống Bush năm 2001. Về phương thức tác chiến, ông Obama quan niệm phải huy động lực lượng quốc tế, còn ông Bush chọn phương thức đơn phương tác chiến. Ông Obama rất thận trọng, không dùng bộ binh trực tiếp tham chiến, chủ yếu không kích còn ông Bush điều động cả lục quân và thủy quân lục chiến. Nói cách khác, Obama ra tuyên cáo chống IS bằng phương thức chiến tranh gián tiếp, thông qua không kích và lực lượng tại chỗ, khác hẳn phương thức cách đây 14 năm của Bush.
Đúng là sau 1 năm tiến hành khoảng 6500 vụ không kích, IS không hề suy yếu, thậm chí có vẻ càng ngày càng mạnh lên. Điều đó có thể lý giải bằng 4 nguyên do. Thứ nhất, bộ máy tổ chức cấp cao của IS là một bộ máy mạnh. Thứ hai, đội quân của IS thiện chiến, với 130.000 tên thánh chiến được tổ chức chặt chẽ và đào tạo bài bản. Thứ ba, IS sở hữu nguồn kinh phí dồi dào từ 3 nguồn chủ yếu: khai thác và bán lậu dầu giá thấp; các thương gia, tập đoàn kinh tế của người Hồi giáo Sunni ở Trung Đông, Bắc Phi bí mật chuyển tiền hỗ trợ IS; hoạt động bắt cóc và đòi tiền chuộc,... Cuối cùng, IS có hậu phương là bộ phận không nhỏ trong số 800 triệu người Sunni, xem IS là lực lượng duy nhất để chống lại người Shiite ở Iran.
P.V: Khi phát động cuộc chiến chống IS, Mỹ đã tuyên bố tiêu diệt IS bất cứ nơi đâu chúng tồn tại. Đến nay, xem ra mục đích mà ông Obama đặt ra càng lúc càng xa vời. Thiếu tướng có lý giải gì về vấn đề này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Vấn đề nằm ở chỗ mọi cuộc chiến tranh đều kết thúc bằng lực lượng bộ binh và lục quân. Song, bài học của Tổng thống Bush khi đem quân đến Afghanistan và Iraq khiến ông Obama quyết định kiên quyết không đưa lục quân đến tham chiến tại chiến trường. Bằng con đường không kích không bao giờ tiêu diệt được IS. Còn nhờ vào quân đội Iraq, sau 8 năm cầm quyền của ông al-Maliki, đội quân nước này bạc nhược, tan rã, dù Mỹ đã đưa người vào “cầm tay chỉ việc”. Các nước khác ở vùng Vịnh cũng chỉ mới tiến hành không kích, và dù họ có đưa bộ binh vào cũng khó lòng giải quyết được cuộc chiến này. Mục tiêu tiêu diệt IS xa vời bởi lẽ bản thân phương thức hiện nay không thể đẩy cuộc chiến đi đến cùng, Mỹ đứng ở ngã ba, tiến thoái lưỡng nan, bài học thất bại đã hiển hiện.
P.V: Vừa qua Nga thừa nhận cung cấp vũ khí và cử chuyên gia quân sự sang Syria, phương Tây cho rằng Nga đã bắt đầu can thiệp vào Syria. Tại sao Nga có hành động trên vào lúc này? Trước hành động của Nga, Mỹ và phương Tây có phản ứng gì, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cho rằng nhận định trên của phương Tây là còn sớm nhưng những việc làm của Nga xuất phát từ động cơ lợi ích của chính nước này. Hiện nay, mối quan hệ Nga-Syria “dưới đồng minh, trên bạn bè”. Syria có vị trí địa chính trị và địa chiến lược quan trọng, nằm ở ngã 3 châu Âu-Á-Phi, Nga có căn cứ quân sự tại bờ biển Syria. Quan trọng hơn, cuộc xung đột Syria, đặc biệt là IS có quan hệ trực tiếp đến tình hình Chechnya – Cộng hòa tự trị của Nga. Nhiều tướng lĩnh chủ chốt của IS là người Chechnya. Nga lo rằng nếu chính quyền al-Assad sụp đổ, khi IS nắm quyền ở Syria thì chắc chắn Chechnya sẽ nổi loạn, và sẽ là thảm kịch với Moskva. Đó là lý do thời gian qua bằng mọi cách Nga phải bảo vệ chính quyền al-Assad – chính quyền hợp pháp của Syria.
Trước thông tin này, Mỹ hết sức lúng túng, đầu tiên họ gây sức ép lên các quốc gia xung quanh như Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ, các nước vùng Vịnh,... không cho Nga bay qua không phận của mình để tới Syria. Phát ngôn viên Nhà Trắng John Earnest Mỹ tuyên bố Mỹ quan ngại về thông tin cho rằng Nga có thể tiếp tục đưa quân cũng như máy bay tới Syria. Phía Mỹ khẳng định sự hỗ trợ về nhân lực và vật lực của Nga đối với Syria là hành động phản tác dụng và gây mất ổn định cho cộng đồng quốc tế. Tôi cho rằng đến lúc này chính quyền Mỹ chưa hiểu động cơ của Nga là gì, giờ là lúc Mỹ và phương Tây đang nghiên cứu và dự báo ý đồ thực sự của Nga.
P.V: Từ thực tế như vậy, thiếu tướng có thể dự báo gì về cuộc xung đột Syria sắp tới?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Cuộc xung đột ở Syria là điểm nóng ở Trung Đông, phức tạp hơn cuộc xung đột giữa Israel-Palestine. Mỹ và phương Tây nói rằng sẽ hỗ trợ cho lực lượng ôn hòa ở Syria chống Assad. Nhưng Syria không có lực lượng ôn hòa, lực lượng mạnh nhất hiện nay đương đầu và chống chính quyền Assad là IS, bên cạnh 14 lực lượng ô hợp, mâu thuẫn vừa cắn xé nhau, vừa chống chính quyền al-Assad, vừa chống IS. Ở đây Mỹ gặp nghịch lý, vừa chống IS, vừa không loại trừ khả năng sử dụng IS để lật đổ ông Assad.  Mỹ nằm trong thế kẹp khi tuyên bố cần huy động toàn bộ thế giới để chống IS, nhưng không cho chính quyền Assad chống IS. Mỹ đã tự mâu thuẫn ngay trong phát ngôn và hành động của họ. 
Tôi cho rằng cuộc xung đột Syria sớm muộn cũng phải kết thúc trước khi ông Obama hết nhiệm kỳ, muộn nhất là trong năm 2016. Nếu giải quyết được chuyện này, nếu Mỹ chấp nhận thỏa hiệp nào đó, ông Obama sẽ kết thúc nhiệm kỳ với những thành quả ngoại giao không thể bác bỏ, bên cạnh thỏa thuận hạt nhân Iran,và bình thường hóa quan hệ với Cuba.
Nếu Syria rơi vào tay IS sẽ bùng phát cuộc xung đột gấp nhiều lần, toàn bộ Trung Đông và Bắc Phi sẽ rơi vào vòng xoáy bạo lực không thể kiểm soát. Sớm muộn gì sẽ có một giải pháp thỏa hiệp giữa Mỹ và Nga, nhưng tôi cho rằng trong mọi giải pháp về Syria phải có điểm mấu chốt là chính quyền al-Assad. Khả năng cuộc xung đột ở Syria còn kéo dài nhưng sẽ không bùng phát thành cuộc chiến khu vực cuốn theo toàn bộ Trung Đông, Mỹ và Nga sớm muộn cũng phải hợp tác với nhau như trong vấn đề hạt nhân Iran.
P.V: Cảm ơn Thiếu tướng!
Thu Giang (Thực hiện)

tin mới

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.