Nga khẳng định thế chủ động trong cuộc chiến với IS

(Baonghean) - Iraq vừa thông báo các quan chức quân sự Iraq, Nga, Iran, Syria đã thỏa thuận hợp tác an ninh và tình báo để đối phó với mối đe dọa từ nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Trong khi dư luận vẫn còn đang đồn đoán về khả năng hoặc Mỹ đồng ý mở rộng liên minh chống IS với sự tham gia của Nga, Iran, Nga đã cho thấy sự quyết đoán và chủ động của mình. Không những vậy, việc thông tin này được đưa ra ngay trước cuộc gặp của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong ngày hôm nay (28/9) cho thấy ông Putin thực sự là một đối thủ “khó chơi”. 

Nước cờ “phủ đầu”...
Trong những ngày qua, dư luận rộ lên thông tin về việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra sáng kiến xây dựng liên minh mở rộng để tấn công IS, trong đó có Nga, Iran, Syria, và nếu Mỹ bác bỏ đề nghị này, Nga sẵn sàng đơn phương tuyên chiến với IS mà không cần đứng dưới ngọn cờ của Mỹ. Tất nhiên ai cũng hiểu, xét mối quan hệ Nga - Mỹ vô cùng phức tạp hiện nay, Tổng thống Obama sẽ phải cân nhắc cực kỳ kỹ lưỡng về sáng kiến này. Nhất là khi dự định đưa Syria cùng tham gia nỗ lực chung của quốc tế chống IS hoàn toàn trái ngược với mong muốn của Mỹ. Khi Ngoại trưởng Nga và Mỹ liên tiếp có những cuộc điện đàm về tình hình Syria trong thời gian gần đây, khi ông Putin và ông Obama sẽ có cuộc gặp song phương bên lề cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, người ta nghĩ rằng, những nội dung về hợp tác chống IS sẽ được hai nhà lãnh đạo bàn thảo chi tiết trong cuộc gặp này, kể cả việc Nga sẽ tham gia chống IS dưới hình thức nào? Nhận định này càng được tin tưởng khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter mới đây khẳng định Mỹ và Nga có thể tìm ra cách thức hợp tác trong cuộc khủng hoảng tại Syria. 
Tổng thống Putin sẽ bảo vệ chính quyền của ông Assad.
Tổng thống Putin sẽ bảo vệ chính quyền của ông Assad.
Thế nhưng, một lần nữa ông Putin đã cho thấy mình là một nhân vật cực kỳ khó dự đoán - giống hệt như khi ông đưa quyết định thần tốc và bất ngờ về việc sáp nhập Crimea. Chỉ hai ngày trước khi cuộc gặp diễn ra - không biết vô tình hay cố ý, Iraq đưa ra thông báo về việc các quan chức quân sự nước này đã thỏa thuận hợp tác an ninh và tình báo với Nga, Iran và Syria để đối phó với mối đe dọa IS. Thông báo của Bộ chỉ huy chiến dịch hỗn hợp thuộc quân đội Iraq cho biết thỏa thuận về việc hợp tác này đã được các nước thông qua “với sự quan ngại ngày càng tăng của Moskva về sự hiện diện của hàng nghìn đối tượng khủng bố đến từ Nga đang tiến hành các hoạt động tội phạm cùng với IS”. Theo Hãng thống tấn Interfax của Nga, Trung tâm hợp tác Baghdad về vấn đề an ninh sẽ do các quan chức của 4 nước luân phiên lãnh đạo, bắt đầu từ quan chức của Iraq. Ngoài ra, các nước nước này cũng sẽ thành lập một uỷ ban tại Baghdad để vạch ra các chiến dịch quân sự, chỉ huy các đơn vị vũ trang cùng tham gia chiến đấu chống IS.
Tất nhiên, việc hợp tác giữa Iraq, Syria, Nga và Iran không phải là việc công bố một liên minh mới chống IS như cách mà Mỹ đã làm trước đây, nhưng bước đi này là một thông điệp rất rõ ràng của Nga: dù Mỹ tính toán gì đi chăng nữa, Nga mới là người quyết định về những bước đi của mình ở Syria! 
...và những tính toán chiến lược
Trước khi thoả thuận hợp tác này được công khai, đã có tin tức về việc lực lượng của Tổng thống Syria Bashar Al Assad bắt đầu sử dụng vũ khí của Nga, đặc biệt là máy bay không người lái chống lại IS. Phía Nga cũng không giấu giếm sự hiện diện quân sự tại Syria và cho rằng Nga cung cấp vũ khí cho Syria theo hợp đồng đã ký kết, cử quân nhân với vai trò cố vấn là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, theo dự đoán của giới tình báo Mỹ, không chỉ hỗ trợ Syria về mặt khí tài, Nga sẽ sớm ra lệnh tiến hành các cuộc không kích để yểm trợ quân đội Syria, ngăn chặn đà tiến của IS và các nhóm nổi dậy khác. Việc hợp tác với Irag, Syria, Iran chống IS mà chưa qua thảo luận với Mỹ cho thấy, Nga kiên quyết bảo vệ chính phủ của Tổng thống Assad - dù là trước sự tấn công của IS hay của bất cứ một thế lực nào khác. 
Gần 4 năm vừa qua, việc Tổng thống Assad chống đỡ và tồn tại được như bây giờ là vượt ngoài dự đoán của dư luận quốc tế - nhất là của các thế lực phương Tây dưới sự dẫn dắt của Mỹ. Tuy nhiên, từ trước đến nay, Nga chưa bao giờ xuất hiện một cách công khai để thể hiện sự “chống lưng” cho Tổng thống Syria Bashar al Assad. Nhưng vào lúc quân đội của Syria chỉ còn giữ được 30% lãnh thổ, vào lúc mà cộng đồng quốc tế nhìn nhận việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria là một vấn đề cấp bách - một phần xuất phát từ cuộc khủng hoảng di cư vô cùng nghiêm trọng ở châu Âu hiện nay, Nga nhận thấy cần thiết phải có một cách tiếp cận cứng rắn. Trong đó, chống IS là một trong ba cách mà Nga can thiệp vào Syria, bên cạnh việc viện trợ vũ khí và biến quân cảng Tartus thành căn cứ hải quân, sân bay Latakia thành căn cứ không quân. Bằng cách này, Nga không chỉ bảo vệ chính quyền Damacus trước sự uy hiếp của IS, mà còn trước sự nguy hiểm từ các hoạt động không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu. 
Bà Maria Zakharova, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga từng tuyên bố rằng, điều mà Nga ủng hộ không phải là cá nhân ông Bashar al-Assad mà là tính nhà nước của Syria. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhấn mạnh: “Chỉ cần củng cố chính phủ hợp pháp đương nhiệm, khuyến khích họ đối thoại với thành phần lành mạnh trong phe đối lập và tiến hành cải cách là có thể xây dựng được một liên minh mạnh mẽ trong cuộc chiến chống Tổ chức khủng bố IS”. Vì vậy, với động thái “không nói nhiều” khi hợp tác với Iraq, Syria và Iran - là những đồng minh thân cận của Nga tại Trung Đông, ông Putin cho thấy Nga có vai trò chiến lược tại khu vực và sẵn sàng sử dụng vũ lực quân sự để bảo vệ vai trò của mình. 
Theo thông báo của Nhà Trắng, trong cuộc hội đàm hôm nay với Tổng thống Putin, Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn Nga giải thích rõ về sáng kiến thành lập liên minh đa quốc gia chống Nhà nước Hồi giáo ở Syria. Theo quan điểm của Mỹ, “việc Nga nói tăng cường sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria sẽ ngăn chặn được Nhà nước Hồi giáo là lập luận không thể đứng vững”. Nhưng có lẽ lý luận suông đã không còn cần thiết nữa, bởi hành động của Nga mới thực sự là thông điệp hùng hồn nhất: dù điều gì xảy ra ở Syria, Nga cũng sẽ can dự vào công việc ở đất nước này. Và một lần nữa, Nga đã chứng tỏ là một “đấu thủ nặng ký” trên trường quốc tế mà Mỹ không thể gạt bỏ trong bất kỳ toan tính chính trị nào, ít nhất là tại Syria. 
Thúy Ngọc

tin mới

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.