Nga - Mỹ lại đối đầu vì Syria

(Baonghean.vn)- Tuần qua, việc Nga bất ngờ có nhiều động thái tăng cường sự hiện diện tại điểm nóng Trung Đông Syria đã khiến Mỹ và NATO “đứng ngồi không yên”. Các cuộc khẩu chiến cũng đã tái hiện giữa các nhà lãnh đạo Nga - Mỹ. Tại sao Nga lại có bước đi bất ngờ như vậy tại Syria vào thời điểm này? Và nó có đồng nghĩa với lo sợ của phương Tây rằng, Nga sẽ can thiệp quân sự vào Syria?

Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Obama
Tổng thống Nga Putin và người đồng cấp Mỹ Obama

Khẩu chiến lại nóng

Sau gần 5 năm có phần yên ắng trong các cuộc liên lạc, đối thoại về tình hình Syria, chỉ trong vòng một tuần qua, các nhà Ngoại trưởng Mỹ và Nga đã phải thực hiện nhiều lần điện đàm liên quan đến thông tin Nga bất ngờ tăng cường hiện diện quân sự ở Syria. Như trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 5/9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho hay, Washington quan ngại trước những thông tin chưa xác nhận từ truyền thông Mỹ cho rằng Nga tăng cường hiện diện quân sự tại Syria. Tuy nhiên đến hôm 7/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đưa ra bình luận rằng: “Phía Nga chưa bao giờ che giấu sự thật rằng Moscow đang gửi những thiết bị quân sự cho chính phủ Syria để giúp họ chống khủng bố”.

Sau đó hôm 10/9 trong một buổi trả lời phỏng vấn hãng tin TASS, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã khẳng định lại điều này và nhấn mạnh, “Nga đang gửi các trang thiết bị quân sự và hỗ trợ nhân đạo bằng máy bay tới Syria theo đúng như hợp đồng đã ký giữa Nga và Syria. Tùy thuộc vào loại hàng hóa mà máy bay vận chuyển, Nga sẽ yêu cầu sự cho phép của các bên liên quan theo đúng quy định của luật pháp quốc tế”. Trong tuyên bố của mình, ông Lavrov cũng bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng, việc Nga hỗ trợ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad chỉ làm gia tăng bạo lực đồng thời cho rằng, đây là sự dung túng cho việc sử dụng các nhóm khủng bố để chống lại một chế độ không vừa ý phương Tây.

Về phía Mỹ, sự cứng rắn đã thể hiện rõ trong tuyên bố của Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 11/9 khi cho rằng, quyết định của Nga về việc gửi cố vấn và thiết bị quân sự đến Syria sẽ mở rộng một chiến lược “thất bại” và có thể phá hoại nỗ lực tái lập hòa bình ở Syria. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cũng cảnh báo Nga không gia tăng can thiệp quân sự tại Syria, trong khi Tổng thư ký NATO Stoltenberg cho rằng, động thái của Nga sẽ không góp phần giải quyết cuộc xung đột ở Syria. Không chỉ dừng lại ở các lời cảnh báo, để đối phó, Mỹ tuần qua còn gây sức ép để những nước gần Syria như Bulgaria và Hy Lạp đóng cửa không phận đối với các chuyến bay Nga.

Nga muốn gì khi tăng cường hậu thuẫn Syria?

Không chỉ nóng bỏng các cuộc khẩu chiến, phát ngôn cảnh cáo lẫn nhau giữa Nga và Mỹ, báo chí phương Tây và Ả-rập tuần qua đăng tải rất chi tiết những động thái cụ thể của Nga trong việc tăng cường sự hiện diện quân sự tại Syria. Thậm chí các nguồn tin từ Lebanon và Israel còn khẳng định, quân đội Nga đã thực sự tham chiến bằng không quân và lực lượng nhỏ bộ binh. Như trang tin quân sự Debkafile của Israel cho hay, tàu ngầm hạt nhân lớn nhất thế giới Dmitri Donskoy đã khởi hành từ Biển Bắc hôm 4/9, được hai tàu chống ngầm hộ tống đang hướng tới Địa Trung Hải và có thể tới bờ biển Syria sau 10 ngày nữa.

Tàu ngầm này mang theo 20 tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava với khoảng 200 đầu đạn hạt nhân. Thông tin này được đưa ra sau lời tuyên bố “để ngỏ khả năng can thiệp quân sự vào Syria” của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trước đó, báo Mỹ cũng rộ lên thông tin Nga đã dựng các căn nhà cho hàng trăm người và các trạm không lưu di động. Phía Mỹ cho rằng, các nhà tạm này nhằm mục đích để Nga đưa khoảng 1.000 cố vấn quân sự hoặc binh lính tới căn cứ không quân ở Syria.

Trước những thông tin này, phía Nga đã đưa ra tuyên bố để giải tỏa mọi thắc mắc rằng, việc Nga giúp chính quyền Syria chẳng có gì là lạ. Đồng thời, phản ứng trước những thông tin về khả năng tham gia của Nga vào chiến dịch quân sự chống IS tại Syria, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Nga đang xem xét mọi khả năng. Câu hỏi đặt ra lúc này, là liệu ông Putin đang tính toán gì khi công khai thông tin hỗ trợ cho Syria vào thời điểm này và các bước đi gần đây có đồng nghĩa, Nga đang tính toán một kịch bản xấu tại Syria hay không?

Theo giới phân tích, xét về mục đích lớn nhất, Nga không hề muốn chiến tranh xảy ra tại Syria, bất kể vì lý do gì. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 11/9 còn kêu gọi các cường quốc khác trên thế giới vũ trang cho quân đội Syria và cho rằng, đây là cách hữu hiệu nhất để chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đang hoành hành tại quốc gia Trung Đông này. Thậm chí, Ngoại trưởng Lavrov còn nhấn mạnh đến sự phối hợp giữa Nga và Mỹ để tránh “những vụ việc không lường trước được” ở Syria.

Giải thích cho điều này, các nhà quan sát cho rằng, Nga đang muốn bảo toàn lợi ích của mình tại Syria vốn được gây dựng từ đầu thập niên 1970. Theo đó, Nga có một căn cứ hải quân tại thành phố Tartus, cũng là căn cứ duy nhất tại khu vực Địa Trung Hải được thiết lập từ năm 1971. Tuy nhiên, lợi ích chiến lược này đang bị đe dọa mạnh mẽ khi thời gian gần đây, thực địa Syria đã diễn biến theo chiều hướng bất lợi cho chính quyền Damascus của Tổng thống Assad.

Bên cạnh đó, việc Nga tuyên bố hỗ trợ chính quyền Syria cũng chính là giúp giữ thế cân bằng với lực lượng đối lập. Không chỉ vậy, việc chính quyền Moscow bày tỏ khả năng gia nhập liên minh chống IS còn là nhằm cải thiện quan hệ của Nga với Mỹ và châu Âu, hướng tới dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây, bình thường hóa quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Ngoài ra, Tổng thống Putin được cho là đang tìm cách để làm phương Tây chấp nhận nhiều hơn vai trò của Nga trong khủng hoảng Ukraine, trong khi tăng cường ảnh hưởng và đối trọng với Mỹ ở Trung Đông.

Syria đứng trước kịch bản nào?

Rõ ràng vào thời điểm này, khủng bố IS cũng như một giải pháp cho hòa bình Syria đang là mối bận tâm chung của cả Nga và Mỹ. Thế nhưng, dù có đối tượng chung nhưng cách thức thực hiện và mục tiêu chiến lược giữa hai cường quốc này từ lâu và cho đến nay vẫn không đồng nhất. Trong đó, mấu chốt của vấn đề là việc Tổng thống Syria al Assad phải ra đi, vẫn là một khúc mắc chưa thể giải quyết. Trong khi Nga và Iran ủng hộ Syria thành lập một chính phủ chia sẻ quyền lực với sự tham gia của các bên đối lập đồng thời Tổng thống Assad được tiếp tục nắm quyền thì Mỹ, các nước châu Âu và Saudi Arabia lại muốn ông Assad ra đi.

Vì nguyên nhân này mà trong mấy năm qua, các nỗ lực ngoại giao quốc tế tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Syria đã được triển khai nhiều lần, song đều không mang lại kết quả như mong đợi. Trong phát biểu của mình tại Vladivostok, Tổng thống Nga Putin đã kêu gọi các bên đặc biệt là phương Tây và các đồng minh trong khu vực Trung Đông chấp nhận hợp tác với Tổng thống Assad để giải quyết dứt điểm cuộc nội chiến đẫm máu ở Syria và cùng nhau chống lại kẻ thù chung là IS. Theo nhà lãnh đạo Nga, nếu Mỹ đáp ứng lời kêu gọi này thì cơ hội thành công cho cuộc chiến chống IS sẽ cao hơn, đồng thời góp phần giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng nhập cư từ Trung Đông - Bắc Phi tràn sang châu Âu hiện nay. Nhưng rõ ràng, kịch bản này rất khó xảy ra bởi lợi ích chiến lược của Mỹ tại Syria khó lòng thay đổi; trong khi chính quyền Tổng thống Obama cũng chịu rất nhiều sức ép của các đồng minh Trung Đông trong việc “buộc” Tổng thống Syria Bashar Al Assad phải ra đi.

Về phía Nga, dù không hề muốn xung đột và chiến tranh lại quốc gia nhiều lợi ích là Syria, nhưng việc lực lượng IS đang ngày càng bành trướng trong khi Mỹ và phương Tây vừa không kích IS vừa muốn nhằm vào Tổng thống Assad; thì việc chuẩn bị cho một kịch bản xấu là điều không thừa với Moscow. Chỉ có điều, một khi Nga - Mỹ hay các nước lớn khác không thể điều tiết được thái độ và giảm bớt lợi ích quốc gia, thì một Syria với cuộc nội chiến khiến hơn 250.000 người chết và hàng triệu người phải bỏ quê hương đi tỵ nạn, sẽ còn chưa dừng lại. Theo các nhà chính trị, nhiều năm qua, vì lợi ích quốc gia mà chính quyền nhiều nước đã bỏ quên vấn đề an ninh con người. Cuộc khủng hoảng nhập cư châu Âu hiện nay chính là hệ quả rõ nhất cho điều này. Vì thế, có lẽ sẽ không còn nhiều thời gian để các nước do dự trong việc điều chỉnh chiến lược Syria nói riêng và Trung Đông nói chung. Nếu không, mọi việc sẽ là quá muộn!

Khang Duy

tin mới

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

(Baonghean.vn) - Hôm nay dự luật viện trợ cho Ukraine được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ, trước khi tổng thống ký thành luật. Liệu gói này có giúp Ukraine thay đổi tình thế hay không, khi nó đến Kiev “chậm trễ”?. Còn với Nga, việc này chỉ làm giàu cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ.

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.