Chiến sự tại Syria: Cuộc đua quyết liệt

(Baonghean) - Báo mạng Express của Anh ngày 4/10/2015 đăng tải thông tin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đang chuẩn bị cho kế hoạch đưa khoảng 150.000 binh sỹ bộ binh đến Syria tham chiến. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh cũng đang tích cực chuẩn bị cho cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào thành phố Raqqa, nơi được coi là thành trì của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. Cuộc chiến chống IS ở Syria đang bước vào những giai đoạn mới và cuộc đua tranh giữa Nga với Mỹ và đồng minh tại mặt trận này cũng quyết liệt hơn.

Tăng cường các động thái quân sự
Theo nguồn tin từ trang tin Express của Anh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh triệu tập thêm gần 150.000 quân và nhận định rằng số quân này chuẩn bị được đưa tới Syria để xóa sổ IS. Tuy nhiên, các nguồn tin từ phía Nga chưa đưa ra bất cứ động thái nào chứng tỏ nhận định của tờ Express là đúng.
Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Putin, ông Dmitry Peskov nói trên báo Sputnik News nhấn mạnh rằng, nhà lãnh đạo Nga ký sắc lệnh không liên quan gì tới xung đột tại Syria và đây chỉ là một văn kiện bình thường Tổng thống vẫn ký 2 lần trong năm. 
Hình ảnh kèm thông tin nói ông Putin chuẩn bị đưa thêm quân đến Syria của báo mạng Express.co.uk
Hình ảnh kèm thông tin nói ông Putin chuẩn bị đưa thêm quân đến Syria của báo mạng Express.co.uk
Tuy nhiên, ở một diễn biến khác, một bức ảnh xuất hiện ngày 1/10 cho thấy những thiết bị quân sự hạng nặng ngụy trang tác chiến trong sa mạc của Nga được gửi từ Cảng Novorossiysk tới Syria. Hình ảnh được cho là Nga có thể can dự vào các chiến dịch trên bộ tại Syria.
Ngoài ra, đồng minh nhiệt thành của ông Putin là Tổng thống nước Cộng hòa Chechnya của Liên bang Nga, ông Ramzan Kadyrov đã kêu gọi Tổng thống Nga triển khai đội quân Hồi giáo khét tiếng tới Syria để đánh bại IS. 
Hãng tin Sputnik của Nga còn dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia, tức Hạ viện Nga, ông Vladimir Komoyedov hôm 5/10 cho biết, Nga đang tính đến phương án đưa thêm tàu chiến thuộc hạm đội Biển Đen đến Syria để hỗ trợ cho chiến dịch không kích nhắm vào lực lượng khủng bố IS. Ngoài việc vận chuyển vũ khí, tàu chiến Nga còn làm nhiệm vụ phong tỏa dọc bờ biển Syria.
Các nguồn tin phương Tây nhận định, dấu hiệu Nga tiếp tục can thiệp quân sự sâu hơn vào Syria đang ngày càng tăng và ông Putin đang có kế hoạch mở rộng chiến dịch tại Syria nhằm ủng hộ Tổng thống Assad.
Trong khi đó, tờ New York Times của Mỹ ngày 4/10 dẫn nguồn tin từ các quan chức quân sự và chính quyền Mỹ cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có 2 động thái quan trọng để phê chuẩn kế hoạch mở mặt trận này trong thời gian tới. Lần đầu tiên trong lịch sử, ông Obama đã ra lệnh cho Lầu Năm Góc trực tiếp cung cấp đạn dược và có thể là vũ khí cho các lực lượng đối lập ở Syria.
Tổng thống Obama còn đồng ý với đề xuất tăng cường chiến dịch không kích vào phiến quân IS từ một căn cứ không quân ở Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù các chi tiết quan trọng chưa được công bố. Đáng chú ý, trong chiến dịch sắp được thực hiện, Mỹ sẽ bổ sung cho dân quân người Kurd một yếu tố mới, đó là các chiến binh người Arab. Mỹ sẽ hậu thuẫn cho các chiến binh người Kurd và Arab, giúp họ áp sát sào huyệt Raqqa của IS, cô lập Raqqa, cắt đứt mọi tuyến đường đi lại và hậu cần ở phía Đông Bắc và Tây Bắc thành phố. Các quan chức Mỹ cho biết, dự kiến, lực lượng người Arab tham gia chiến dịch sẽ có tên gọi là Liên minh Arab Syria, với thành phần gồm 10-15 nhóm vũ trang có tổng quân số 3.000 - 5.000 người. Dân quân người Kurd sẽ có lực lượng lớn hơn, với quân số vào khoảng 25.000 người.
Đua tranh quyết liệt
Quyết định can thiệp vào Syria bằng một chiến dịch quân sự quy mô tương đối lớn đang cho thấy sự quyết tâm của người Nga trong việc bảo vệ đồng minh là Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar Al Assad. Trên mặt trận ngoại giao, hành động của Nga là đáp lại lời kêu gọi từ chính quyền Al Assad. Nga còn nhận được sự ủng hộ của Iran, Ai Cập, thậm chí cả Iraq khi can thiệp quân sự vào Syria để chống IS. Với sự tham gia của Iran, Syria, Hezbollah, trên thực tế Nga đang dẫn đầu một liên minh chống IS mới. Trên mặt trận quân sự, các cuộc không kích của Nga đang tỏ ra hiệu quả khi liên tục làm tan nát các cơ sở huấn luyện cũng như các kho vũ khí của IS. 
Trong bối cảnh Nga gia tăng các hoạt động quân sự tại Syria, Mỹ và đồng minh cũng không “kém cạnh” khi quyết tăng thêm sức mạnh cho lực lượng chống IS của mình. Mỹ không muốn để Liên minh quốc tế của mình rơi vào thế yếu so với người Nga. Lo ngại trước việc Nga có thể tiến đánh và kiểm soát Thành phố Raqqa và tất cả những mỏ dầu, khí đốt xung quanh Thành phố Palmyra, Mỹ đã tích cực hậu thuẫn cho lực lượng bộ binh Arab áp sát Raqqa trước liên minh của người Nga nhằm chiếm ưu thế trước.
Mỹ và phương Tây đang thực sự “giật mình” trước quyết tâm của Nga trong cuộc can thiệp quân sự vào Syria lần này. Những cuộc không kích dữ dội trong vài ngày qua của máy bay Nga vào IS đang cho thấy hiệu quả hơn cả tháng trời không kích của Mỹ và đồng minh. Do đó, Mỹ và đồng minh hiểu rằng, trước sau gì Nga sẽ mở rộng các hoạt động quân sự ra toàn lãnh thổ Syria. Điều này không những khiến Mỹ và đồng minh trở nên “lu mờ” tại mặt trận chống IS ở Syria mà còn có nguy cơ đe dọa sự tồn vong của các lực lượng đối lập Syria do Mỹ và phương Tây hậu thuẫn. 
Có ý kiến cho rằng, những động thái mới này của cả 2 phía Nga và Mỹ có thể sẽ dẫn tới một "cuộc đua tới điểm nóng Raqqa" đầy nguy hiểm. Nếu như Nga quyết định đưa bộ binh đến Syria, cuộc chiến chống IS có thể sẽ rẽ sang một bước ngoặt mới, IS được cho là sẽ sớm lụn bại khi phải đối mặt với đội quân thiện chiến của Nga.
Trên thực tế, các tay súng IS thành thạo về tấn công khủng bố còn kỹ năng chiến đấu chuyên nghiệp thì không được đánh giá cao. Sở dĩ IS hoành hành đến ngày nay là bởi phiến quân này chưa phải đối mặt với bộ binh thiện chiến nào. Và Mỹ hoàn toàn có thể lo lắng cho kịch bản, khi IS bị “quét” sạch khỏi Raqqa cũng như toàn bộ lãnh thổ Syria, Nga sẽ hậu thuẫn cho chính quyền Tổng thống Syria Al Assad củng cố thế lực.
Và do đó, bao công sức và tiền của hậu thuẫn cho lực lượng đối lập Syria có nguy cơ đổ bể. Do đó, một mặt Mỹ đang tăng cường hỗ trợ các tay súng đối lập với Chính quyền Assad, quân đội Arab để tiến đánh IS mạnh bạo hơn, một mặt Mỹ cũng khẳng định kế hoạch mới chống IS của Mỹ sẽ không có sự phối hợp với Nga. Còn các nước trong Liên minh Arab, những đồng minh của Mỹ cũng thẳng thừng tuyên bố bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc mới đây rằng, sẽ không có sự hợp tác với Nga. 
Rõ ràng, những diễn biến này cho thấy, tuy Nga và Mỹ có sự thỏa thuận rằng sẽ phối hợp với nhau nhằm tránh để xảy ra đụng độ, song việc “đường ai nấy đi” trong chiến lược tấn công IS sẽ tạo ra một cuộc đua tranh quyết liệt mới. Các nhà phân tích đánh giá, nếu như Nga thực sự triển khai bộ binh đến Syria thì động thái này sẽ làm sâu sắc thêm quan hệ vốn đã tồi tệ giữa Nga với phương Tây. Do đó, dư luận quốc tế lo ngại nguy cơ về một cuộc đối đầu quy mô lớn hơn, khốc liệt hơn tại Trung Đông có thể xảy ra trong tương lai.
Nguyễn Cao Biền

tin mới

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.