Indonesia sẽ là thành viên mới của TPP?

(Baonghean.vn) - Tổng thống Joko Widodo nói rằng ông sẽ quyết định liệu nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á có tham gia hiệp định thương mại Thái Bình Dương do Mỹ đứng đầu hay không sau cuộc gặp với Tổng thống Obama tại Nhà Trắng vào hôm nay (26/10).

Indonesia sẽ sớm có quyết định về việc tham gia TPP, hiệp định hiện gồm 12 nước thành viên, sau cuộc gặp Joko-Obama. Ảnh: Internet.
Indonesia sẽ sớm có quyết định về việc tham gia TPP, hiệp định hiện gồm 12 nước thành viên, sau cuộc gặp Joko-Obama. Ảnh: Internet.

Trong cuộc phỏng vấn trước chuyến thăm Mỹ kéo dài 4 ngày vào tuần này, ông Joko cho biết chính phủ của mình đang nhanh chóng gỡ bỏ những quy định cồng kềnh về bảo hộ thương mại mà lâu nay các doanh nghiệp nước ngoài vẫn luôn phàn nàn.

Nhắc lại công việc xuất khẩu nội thất trước khi bắt đầu sự nghiệp chính trị trên cương vị thị trưởng thành phố ở miền Trung Java, ông nói: “Tôi là một doanh nhân. Tôi biết điều họ muốn, họ cần. Tôi muốn nói rằng Indonesia rộng cửa với đầu tư và các nhà đầu tư”.

Nếu Indonesia, thành viên G20 với nền kinh tế khoảng 1 nghìn tỷ USD, gia nhập hiệp định thương mại này, đó sẽ là lợi ích đối với Washington.

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được xem là bức tường cản lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Nếu không có Indonesia, hiệp định này cũng đã bao trùm 2/5 nền kinh tế thế giới, bao gồm Mỹ và 11 quốc gia khác ở vành đai Thái Bình Dương.

Bộ trưởng Thương mại Indonesia, Thomas Lembong, cho biết nước này có khả năng sẵn sàng tham gia trong vòng 2 năm tới. Ông bày tỏ thái độ lo lắng rằng nước này có thể tụt hậu so với các láng giềng đã gia nhập hiệp định TPP, trong đó có Australia, Brunei, Malaysia, Singapore và Việt Nam.

Hiệp định TPP phải được Quốc hội Indonesia thông qua. Nhưng các thành viên khác trong nội các của ông Joko, cũng như một số nhà làm luật đã tỏ ra thiếu lạc quan, khiến Tổng thống Indonesia phải đối mặt với một quyết định khó khăn.

Trong buổi phóng vấn hôm 22/10, ông Joko nói: “Sau khi thảo luận vấn đề này với Tổng thống Obama, tôi sẽ đưa ra quyết định. Hãy chờ xem”.

Trọng tâm chính của chuyến thăm là thương mại - ông Joko đang tìm cách thu hút hàng tỷ USD đầu tư nước ngoài - và ông cùng ông Obama dự kiến sẽ công bố một số thỏa thuận kinh doanh.

Tuy nhiên, vẫn tồn tại những quan ngại tại Washington về các rào cản lâu nay đối với việc kinh doanh tại Indonesia, tốc độ phê duyệt kinh doanh và cấp phép hoạt động còn chậm, nạn tham nhũng và hệ thống pháp lý khó dự đoán.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại một trường tiểu học của Jakarta hồi tuần trước. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo tại một trường tiểu học của Jakarta hồi tuần trước. Ảnh: Reuters.

Từ khi ông Joko lên nắm quyền 1 năm trước, chính phủ của ông đã tăng thêm các quy định, đòi hỏi người nước ngoài phải thành thạo tiếng Bahasa mới được cấp phép hoạt động, các công ty đa quốc gia phải tuyển dụng với tỷ lệ 1 người nước ngoài : 10 người Indonesia, các doanh nhân nước ngoài tới thăm phải được cấp phép đặc biệt để tổ chức các cuộc họp ở văn phòng công ty tại Indonesia. Quy định cuối cùng này đã buộc một số giám đốc điều hành phải họp tại các nhà hàng ở Jakarta, hoặc tại nước láng giềng Singapore.

Hồi tháng 7, chính phủ của ông Joko đã tăng thuế đối với hơn 1.000 mặt hàng nhập khẩu, từ ô tô tới đai lưng judo.

Tuy nhiên, ông Joko khẳng định chính phủ của mình đã thay đổi và bắt đầu gỡ bỏ những chướng ngại gây phiền phức cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Tháng 8 vừa qua, khi nền kinh tế này tăng trưởng ở mức thấp nhất kể từ năm 2009, đồng rupiah cũng ở mức thấp nhất từ cuối thập niên 90, và tỷ lệ ủng hộ Tổng thống giảm, Joko đã sắp xếp lại nội các, thay thế các bộ trưởng kinh tế chủ chốt.

Kể từ đó, chính phủ của ông đã ban hành 5 gói gỡ bỏ quy định riêng biệt, bao gồm các quy định nhằm đơn giản hóa và cắt giảm quá trình cấp phép, công thức tính lương tối thiểu mới và cải cách thuế.

Ông Joko nói rằng ông cũng đã thu hồi các quy định yêu cầu lao động nước ngoài phải thành thạo tiếng Bahasa và các doanh nhân tới thăm phải có được giấy phép tổ chức các cuộc họp tại văn phòng.

Đó mới chỉ là khởi đầu. Ông nói: “Tối đa cứ mỗi 2 tuần chúng tôi sẽ có một gói kinh tế mới” để gỡ bỏ bớt quy định trong nền kinh tế.

Các doanh nghiệp nước ngoài đã hoan nghênh những động thái này, cho rằng họ sẽ hưởng lợi ích bình đẳng tại Indonesia, đồng thời kêu gọi gỡ bỏ nhiều quy định khác nữa.

Murray Hiebert, một chuyên gia về Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington, nói rằng quy mô của Indonesia là một điểm cộng đối với đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, “nếu so sánh với Việt Nam hoặc Singapore, Indonesia là nơi khó triển khai hoạt động kinh doanh”.

Dù vậy, ông Joko vẫn ấp ủ hy vọng đối với chuyến thăm này, đặc biệt là về đầu tư của Mỹ vào lĩnh vực thương mại điện tử của Indonesia, mà theo giới phân tích có thể đón nhận lượng đầu tư mới lên đến hàng chục tỷ USD trong 5 năm tới. Tổng thống Indonesia có kế hoạch bay tới San Francisco vào ngày 28/10 để thăm thung lũng Silicon, thăm trụ sở của Google, ăn tối cùng Tim Cook - giám đốc điều hành hãng Apple.

Tại Washington, ông Joko và ông Obama dự kiến sẽ ký các bản ghi nhớ về hợp tác hàng hải và quốc phòng, cũng như vấn đề năng lượng. Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận tăng cường hợp tác đối phó với chủ nghĩa cực đoan bạo lực, biến đổi khí hậu và tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.

Trước thái độ hung hăng của Trung Quốc thời gian gần đây, ông Joko khẳng định muốn Indonesia giữ vai trò trung lập nhằm thúc đẩy sớm ký kết bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.

Về vấn đề này, ông nói: “Đối thoại giữ vai trò hết sức quan trọng để giải quyết vấn đề này. Chúng ta cần phải bắt đầu chi tiết các nội dung” của bộ quy tắc, “từng yếu tố một, và thực thi chúng. Chúng ta đã mất 13 năm - quá nhiều thời gian”.

Thu Giang

(Theo New York Times)

tin mới

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

(Baonghean.vn) - Hôm nay dự luật viện trợ cho Ukraine được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ, trước khi tổng thống ký thành luật. Liệu gói này có giúp Ukraine thay đổi tình thế hay không, khi nó đến Kiev “chậm trễ”?. Còn với Nga, việc này chỉ làm giàu cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ.

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.