Anh đạt được thỏa thuận với EU: Niềm vui ngắn chẳng tày gang

(Baonghean) - Sau cuộc họp đầy căng thẳng diễn ra cuối tuần qua, Anh đã đạt được thỏa thuận với EU khi được lãnh đạo 27 nước thành viên trong khối này giành cho “quy chế đặc biệt”. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang khi thực tế cho thấy, nước Anh lại phải đối mặt với nhiều thách thức bởi nhiều chia rẽ ngay trong nội bộ Xứ sở sương mù. Dư luận cho rằng, bài toán này còn khó khăn gấp bội so với bài toán ông David Cameron vừa trải qua.

1
Thị trưởng London Boris Johnson giải thích trên Tạp chí Telegraph về việc lý do ông ủng hộ việc Anh rời khỏi EU. Ảnh: Telegraph.uk
Không để phí một khoảng thời gian nào, ngay khi trở về Anh sau “chiến thắng” trước EU, Thủ tướng Anh David Cameron đã ngay lập tức tiến hành cuộc họp với các Bộ trưởng hàng đầu của nước này nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của nội các về thỏa thuận vừa đạt được.
Bằng những lời lẽ hết sức thuyết phục, Thủ tướng Anh đã bắt đầu chiến dịch vận động để giữ Anh ở lại EU bằng việc khẳng định rằng, nước Anh sẽ an toàn hơn, mạnh mẽ hơn khi vẫn còn ở trong Liên minh châu Âu được cải cách.
Ông cho rằng, “rời Liên minh châu Âu sẽ đe dọa đến an ninh và kinh tế của nước Anh. Những người muốn rời châu Âu không thể nói với các bạn liệu những doanh nghiệp Anh có khả năng tiếp cận với thị trường thương mại tự do của châu Âu hay không và liệu thị trường việc làm có bị ảnh hưởng cũng như những hậu quả kéo theo của nó như thế nào. Họ đang đưa ra một đề xuất mạo hiểm và mang nhiều rủi ro trong thời điểm đầy biến động như hiện nay”.  
Mặc dù ông Cameron ra sức cảnh báo về việc Anh rời khỏi EU chẳng khác nào là một “bước nhảy vào bóng tối” hay “nguy cơ rơi vào giai đoạn bất ổn”… nhưng những lời nói này dường như chưa tạo được sức nặng với số không ít những người đang phản đối việc Anh tiếp tục ở lại.
Bất chấp những lý lẽ đầy thuyết phục, nhiều quan chức trong chính phủ Anh đã ngay lập tức đưa ra quan điểm của mình. Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove - một trong những đồng minh thân cận của Thủ tướng Anh và 5 thành viên nội các khác đã lên tiếng phản đối thỏa thuận và cho biết sẽ tiến hành chiến dịch vận động người dân ủng hộ rời khỏi EU. 
2
Từ trái sang, John Whittingdale, Theresa Villiers, Michael Gove, Chris Grayling, Iain Duncan Smith and Priti Patel đều ủng hộ việc Anh rời khỏi EU. Ảnh: BBC
Không chỉ Bộ trưởng Tư pháp mà Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Bắc Ailen Theresa Villiers  trong một sự kiện kêu gọi cử tri bỏ phiếu rời khỏi EU cũng thẳng thắn cho rằng, dù hoan nghênh những nỗ lực của Thủ tướng và sự thay đổi quy chế đối với nước Anh là tích cực nhưng cần có sự thay đổi sâu rộng hơn nữa. Vẫn còn những mối lo ngại về mối quan hệ giữa Anh với EU trong nhiều năm qua và cách tốt nhất đó là rời khỏi EU.
Chưa hết, thêm một động thái được báo chí đánh giá là “đòn giáng mạnh” vào ông Cameron là Thị trưởng London của Anh, ông Boris Johnson cũng đã tuyên bố ủng hộ lời kêu gọi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23/6 tới.
Một mặt ca ngợi Thủ tướng Cameron đã làm được một điều tuyệt vời khi đạt được thỏa thuận với các nhà lãnh đạo EU nhưng ông cũng không ngần ngại cho rằng, “không ai có thể nói rằng đó là sự cải cách cơ bản đối với liên minh này” và việc đưa ra tuyên bố ủng hộ nước Anh rời khỏi EU là một quyết định khó khăn nhưng ông muốn một thỏa thuận tốt hơn cho đất nước này.
Sở dĩ, sự thẳng thắn của Thị trưởng London được xem là hành động đáng lo ngại bởi không ai lạ gì Boris Johnson vốn là một chính trị gia bảo thủ có tiếng nói đáng kể đối với cử tri và là một nhà hùng biện xuất sắc. Chính vì vậy, những người kêu gọi rời bỏ EU luôn mong muốn có được sự ủng hộ của nhân vật này. 
Việc luôn tồn tại ý kiến trái chiều về vấn đề đi hay ở trong nội bộ nước Anh là điều dễ hiểu. Những người vận động Anh rời khỏi EU vẫn cho rằng thỏa thuận Anh đạt được với EU “chỉ có những thay đổi rất nhỏ” và những nội dung đàm phán được hầu như chẳng liên quan gì tới những vấn đề mà phần lớn người dân Anh đang gặp phải như vấn đề nhập cư, thuế…
Nhiều người đã tỏ ra lo ngại rằng số lượng người nhập cư gia tăng sẽ khiến thuế tăng lên, cũng như giành lấy việc làm của họ và có thể sẽ nhận lương thấp hơn mức mà một công dân Anh yêu cầu. Hay nói cách khác như ông Nigel Farage, Thủ lĩnh Đảng Độc lập thì nước Anh vẫn cần rời EU, “tự điều hành đất nước và chấm dứt mỗi ngày phải đóng góp 55 triệu bảng cho EU.” Ngoài ra, theo giới phân tích, lòng tự tôn dân tộc cũng là một nguyên nhân. Người dân cũng tỏ ra ngại ngần khi phải từ bỏ chủ quyền quốc gia của mình để hòa nhập với EU. 
Có thể thấy, những gì đang diễn ra đã phần nào lý giải những nghi ngại của người Anh. Sự phát triển chậm chạp của EU trong những năm gần đây cùng những rào cản về chính sách, các vấn đề toàn cầu như di cư, nhập cư, căn bệnh trầm kha về kinh tế... là những vấn đề khiến nước Anh lưỡng lự nên hay không rời bỏ EU. 
Như vậy, có thể nói, dù mất rất nhiều công sức mới mang lại được “quy chế đặc biệt” cho nước Anh, song dường như đây mới là điều kiện đủ. Kịch tính mới chỉ bắt đầu với ông Cameron bởi tiếp sau đây ông sẽ phải tiếp tục đối mặt với không chỉ với các thành viên có tư tưởng hoài nghi về châu Âu trong nội bộ đảng Bảo thủ và sức ép của một bộ phận đòi hỏi rời khỏi EU và chính những người dân nước này. Làm thế nào chứng minh cho phe muốn Anh rời bỏ EU rằng “nước Anh sẽ an toàn hơn, mạnh hơn, tốt đẹp hơn khi ở lại EU” sẽ là một “bài toán khó” giành cho ông Cameron.
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình "France 5" về việc liệu EU có kế hoạch gì nếu cử tri Anh ủng hộ quyết định rời khỏi ngôi nhà chung châu Âu, ngày 22/2, ông Pierre Moscovici - Ủy viên phụ trách tài chính Liên minh châu Âu cho biết: “Không có phương án B giúp đối phó với kịch bản bất hạnh này. Chúng tôi chỉ có một phương án là Vương quốc Anh vẫn nằm trong một liên minh thống nhất”. Ông Moscovici cũng cho biết thêm rằng Uỷ ban châu Âu sẽ không tham gia chiến dịch vận động của cuộc trưng cầu ý dân tại Anh, đồng thời khẳng định bất kỳ sự liên quan nào có thể dẫn đến phản tác dụng. "Theo tôi, rất không nên tham gia chiến dịch tranh cử và cố gắng áp đặt một sự lựa chọn lên một đất nước có dân chủ”, ông Moscovici nói.
T.Hiền - P.Thảo

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.