Trang mới trong lịch sử Myanmar

(Baonghean) - Đất nước Myanmar vừa trải qua thời khắc lịch sử khi có vị Tổng thống dân sự đầu tiên sau hơn 50 năm: ông Htin Kyaw. Giành được 360 phiếu ủng hộ/652 phiếu của Quốc hội, chiến thắng của ông Htin Kyaw là không nằm ngoài dự đoán. Điều người dân chờ đợi hiện giờ là ông Htin Kyaw cùng Đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD) sẽ dẫn dắt Myanmar trên con đường dân chủ như thế nào sau chặng đường ban đầu khá thuận lợi. 
Sự lựa chọn hợp lòng dân
Ngay sau khi kết quả kiểm phiếu được công bố, ông Htin Kyaw đã tuyên bố “Đây là sự yêu thương của người dân. Đây là chiến thắng của nhân dân đất nước này.” Quả thật, trước thời điểm công bố kết quả, tại các quán cà phê, các quán ăn, công sở, rất nhiều người dân không rời màn hình, và họ đã òa khóc ngay khi biết được đất nước Myanmar sẽ có một vị Tổng thống dân sự. 
1
Tân tổng thống của Myanmar Htin Kyaw. Ảnh: Reuters
Những lời chúc mừng sau đó tràn ngập trên các mạng xã hội của Myanmar như “Chào mừng ngài Tổng thống”, hay “Chúng tôi yêu Tổng thống Htin Kyaw”. Người dân Myanmar hiểu rằng đây là một sự đổi thay lịch sử sau 54 năm đất nước nằm dưới sự điều hành của chính quyền quân sự, và họ hy vọng sự đổi thay ấy sẽ tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ cho chính cuộc sống của mình. 
Ông Htin Kyaw năm nay 69 tuổi, là một trợ lý thân cận và cũng là bạn thân lâu năm của bà Aung Sang Su Kyi - Chủ tịch Đảng Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ. Ông có bằng Thạc sỹ kinh tế của Trường Đại học Yangon năm 1962, từng có thời gian làm việc tại các Bộ Tài chính, Bộ Công nghiệp và Bộ Ngoại giao.
Ông cũng được cho là người nắm bắt nhiều kiến thức quản lý của phương Tây khi từng theo học Đại học Oxford. Gia đình ông Htin Kyaw cũng được người dân đánh giá cao khi bố vợ ông - U Lwin là một trong những thành viên sáng lập của NLD và giữ chức thư ký của đảng này. Vợ ông là bà Su Su Lwin hiện cũng là một nhà lập pháp của NLD ở Hạ viện.
2
Ông Htin Kyaw có mối quan hệ thân thiết với bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: AP
Người dân Myanmar hy vọng, với kiến thức vững vàng, kinh nghiệm làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nền tảng gia đình vững chắc, cộng với phong cách trầm tĩnh, mềm mỏng, ông Htin Kyaw có thể dẫn dắt một đất nước Myanmar dân chủ tiến nhanh về phía trước. 
Những vấn đề mà người dân Myanmar, đất nước Myanmar đặt ra cho ông rất cụ thể: mang lại hòa bình cho các khu vực còn xảy ra xung đột sắc tộc, hàn gắn quốc gia và cải thiện cuộc sống của người dân: “Chúng tôi không muốn nhìn thấy đất nước mình trở thành một trong những đất nước nghèo nhất thế giới. Chúng tôi muốn thay đổi tình cảnh hiện tại”. 
Những nhiệm vụ đầy gai góc
Với việc bầu ông Htin Kyaw làm Tổng thống, hệ thống chính trị mới của Myanmar đã cơ bản hoàn thiện với Đảng NLD nắm quyền điều hành chính phủ, các vị trí Tổng thống, Phó Tổng thống, Bộ trưởng đã hoàn tất. Tổng thống U Thein Sein sẽ mãn nhiệm ngày 31/3 tới, và tân Tổng thống Htin Kyaw sẽ nắm quyền điều hành đất nước từ ngày 1/4.
Với hệ thống chính trị này, ông Htin Kyaw cam kết sẽ xây dựng một bộ máy công quyền thực sự phục vụ lợi ích của nhân dân, đưa Myanmar thoát khỏi vị trí một trong những quốc gia nghèo nhất của châu Á. Bên cạnh đó, ông Htin Kyaw sẽ phải đối mặt với những vấn đề mà chính quyền của ông Thein Sein để lại: Giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, thu phục các nhóm ly khai ở biên giới. 
3
Người dân Myanmar hồi hộp chờ đợi kết quả kiểm phiếu. Ảnh: AP
Những công việc đang chờ đợi ông Htin Kyaw thực sự gai góc, nhất là khi chính quyền dân sự mới ở Myanmar vẫn chưa thoát khỏi sự ảnh hưởng của giới quân sự. Thậm chí, nhiều nhà phân tích còn cho rằng việc ông Htin Kyaw giải quyết mối quan hệ với các lực lượng quân đội sẽ là nhân tố quyết định tương lai của Myanmar.
Lực lượng này vẫn nắm 1/4 số ghế (tương đương 166 ghế, thêm 41 ghế do Đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển được quân đội hậu thuẫn nắm giữ) tại quốc hội trong khi Tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar - ông Min Aung Hlaing - có quyền chỉ định và kiểm soát trực tiếp các bộ trưởng Bộ Nội vụ, Quốc phòng và An ninh biên giới.
Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp và tập đoàn quốc phòng có quan hệ gần gũi với chính quyền ông Thein Sein vẫn có tầm ảnh hưởng lớn đối với nền kinh tế Myanmar. Bởi vậy, mỗi quyết định, chính sách của chính quyền mới dự kiến sẽ phải trải qua sự đấu tranh gay gắt ngay từ bên trong nghị trường. 
Bên cạnh các vấn đề đối nội, việc lựa chọn đường đi cho Myanmar trong mối quan hệ đan xen giữa các cường quốc cũng là một bài toán không đơn giản cho ông Htin Kyaw. Ai cũng hiểu những quyết định của ông Htin Kyaw chịu ảnh hưởng rất lớn của bà Suu Kyi, và bà Suu Kyi đã nhiều lần thể hiện quan điểm về việc duy trì sự cân bằng giữa Mỹ và Nhật Bản với Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi mà sự cạnh tranh ảnh hưởng giữa các quốc gia này trong khu vực ngày một lớn dần - cả về kinh tế, chính trị và quân sự, để duy trì được sự cân bằng này đòi hỏi một đường lối đối ngoại hết sức khôn khéo.
Có thể nói, quá trình cải cách và chuyển giao quyền lực thông qua bầu cử ở Myanmar đã diễn ra khá suôn sẻ. Người dân Myanmar mong đợi sự suôn sẻ đó sẽ được duy trì trong chặng đường dài phía trước, giúp Myanmar ổn định chính trị, từ đó tập trung phát triển kinh tế, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển trong khu vực. 
Thúy Ngọc

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó. 

Israel chuẩn bị cho kịch bản ở các khu vực khác ngoài Gaza

Israel chuẩn bị cho kịch bản ở các khu vực khác ngoài Gaza

(Baonghean.vn) - Israel đang tiếp tục cuộc chiến ở Gaza nhưng cũng đang chuẩn bị cho kịch bản ở các khu vực khác, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết ngày 11/4, trong bối cảnh lo ngại rằng Iran đang chuẩn bị tấn công Israel để đáp trả việc sát hại các chỉ huy cấp cao của Iran.