Du học sinh Việt ở vùng động đất Nhật hứng nước mưa nấu cơm

Thiếu nước, khan hiếm thực phẩm, một nam du học sinh Việt phải tận dụng nước mưa để nấu cơm, sau các trận động đất mạnh gần thành phố Kumamoto, miền nam Nhật Bản. 

Gạch đá đổ vỡ gần nơi ở của Đỗ Văn Giáp. Ảnh: NVCC

Gạch đá đổ vỡ gần nơi ở của Đỗ Văn Giáp. Ảnh: NVCC

1h25 sáng 16/4, Đỗ Thảo Linh, 27 tuổi, đang theo học thạc sĩ tại Đại học Kumatomo, đang ngủ bỗng choàng tỉnh giấc vì rung lắc. Rung lắc mạnh đến mức đồ đạc trên giá bay xuống đất, giường dịch chuyển khỏi vị trí ban đầu tầm 20 cm, cô cho biết. Ngôi nhà Linh ở nằm ở phía tây thành phố Kumatomo, thuộc tỉnh Kumatomo trên đảo Kyushu, miền nam Nhật Bản.

Không bị động như trong động đất mạnh 6,4 độ Richter xảy ra trước đó 28 giờ, lần này Linh đã tính trước biện pháp chuẩn bị phòng tình huống xấu. Cô nằm ngủ ngay cạnh bàn kotatsu, một loại bàn thấp ủ ấm kiểu Nhật, đề phòng động đất xảy ra thì núp ngay xuống, đồng thời chuẩn bị sẵn ít đồ cần thiết để mang đi.

Tuy nhiên, Linh cho rằng nhiều người Nhật và Việt cũng chủ quan, không ngờ lần này "nó nhanh và mạnh như vậy". Nhiều người bạn Việt mà Linh biết thậm chí không kịp đi giày dép, chạy ra ngoài. "Rung tới nỗi nếu bạn đứng lên sẽ bị ngã", cô nói với VnExpress. Tâm chấn trận động đất thứ hai nằm ở ngay trung tâm thành phố, mạnh tới 7,1 độ Richter, hơn cả lần đầu, và nông hơn.

Linh chui luôn xuống gầm bàn nhưng đúng lúc đó thì mất điện. Cô lấy điện thoại di động để bật đèn, cầm túi, áo khoác, đi dép trong nhà để dò đường ra. Xuống dưới nhà, cô bước qua đống bát đĩa vỡ, ngắt cầu dao và gặp mọi người cũng đang chạy xuống. 

Nhiều cơn dư chấn mạnh liên tục xảy ra ngay sau đó và họ quyết định đi sơ tán tại một trường cấp hai gần nhà, cách đó 10 phút đi bộ. "Mọi người đều im lặng, chỉ có tiếng trực thăng, xe cứu hoả, cảnh sát và tiếng ô tô chạy", Linh kể.

Cô cho biết mọi người đều đi theo nhóm hai người trở lên, biết cần đi đâu, làm gì nên cũng khá bình tĩnh, vừa đi vừa tìm cách liên lạc với người quen, hỏi han tình hình và thông báo sẽ đi đâu.

Giới chức cho biết ít nhất 42 người chết và gần 1.100 người bị thương trong hai trận động đất rung chuyển khu vực gần thành phố Kumamoto, cách nhau chỉ 28 giờ hồi tuần trước.

9 người chết trong trận động đất đầu tiên mạnh 6,4 độ Richter, trong khi 33 người chết trong trận thứ hai mạnh 7,1 độ Richter. 10 người vẫn mất tích. Các nhà địa chất học hiện tin rằng trận đầu tiên mới là tiền chấn dẫn đến các trận động đất hôm 17/4.

Hứng nước mưa nấu cơm

Giáp tích nước nấu cơm. Ảnh: NVCC

Giáp tích nước nấu cơm. Ảnh: NVCC

Nếu như Linh ở khu phía tây thành phố, không bắt buộc phải di tản, thì Đỗ Văn Giáp, 25 tuổi, quê ở Thái Bình, sống ngay giữa trung tâm thành phố, mỗi tối lại tới một trường tiểu học để ngủ qua đêm. Nơi này được xây dựng kiên cố để chống động đất. 

"Chỗ tôi ở có khoảng 2.000 người, cả người Nhật và người Việt. Hầu như mọi người đều phải nằm sát nhau và giữ khoảng cách đi lại nên mới được nhiều người như vậy", Giáp nói. 

Nhà Giáp sống nằm gần Lâu đài Kumamoto hàng trăm năm tuổi bị phá huỷ nặng nề do động đất. Cách anh vài nhà, Giáp chụp được tấm ảnh gạch đá đổ vỡ do động đất.

Nam sinh ngành máy tính của trường Nhật ngữ Coto vừa học vừa làm thêm tại một nhà hàng, đã ở thành phố này được hai năm, nhưng đây là lần đầu tiên anh chứng kiến các trận động đất mạnh đến vậy. 

Dù một số đã về nhà, khoảng 110.000 người sơ tán ở 100 trung tâm, và chính phủ Nhật đang làm việc để phân phát thực phẩm, chăn cho người dân. Tuy nhiên, khoảng 250.000 căn hộ vẫn mất nước, 100.000 mất gas và 39.000 mất điện ở Kumamoto. 

Giáp cho biết nơi anh ở không mất điện, nhưng mất nước và số nước được phát hay mua chỉ dùng để uống.

"Không thể tưởng tượng được. Ba ngày nay tôi chưa tắm. Hôm qua tôi còn phải tận dụng ít nước mưa nấu cơm", Giáp nói. Anh cho biết kinh nghiệm rút ra là lúc nào cũng phải đề phòng, tích chai nước cũ, đổ nước mới và tích trữ ít đồ ăn khô.  

Các ngăn đồ trống trơn tại một cửa hàng tiện lợi ở tỉnh Kumamoto. Ảnh: Kyodo

Các ngăn đồ trống trơn tại một cửa hàng tiện lợi ở tỉnh Kumamoto. Ảnh: Kyodo

Theo Telegraph, tình trạng khan hiếm lương thực cũng được ghi nhận khắp khu vực. "Ở bên này bình thường vốn rất tiện, bạn muốn ăn gì thì tới cửa hàng cơm hộp (bento) hoặc cửa hàng 24h, siêu thị mua đồ nấu sẵn, mua cơm hộp. Nhưng động đất xong thì mọi người đều mua đồ ăn nên hết sạch. Cửa hàng, siêu thị đóng cửa hoặc có mở cũng chỉ mua được một ít đồ ăn khô như mỳ tôm, bánh mỳ, cơm nắm", Linh nói. 

Bạn của Giáp định lên máy bay tới Tokyo thăm người yêu nhưng không thành do sân bay Kumamoto đóng cửa. Tàu siêu tốc cũng ngừng hoạt động. Lực lượng quân sự Mỹ hôm qua bắt đầu tham gia chiến dịch cứu trợ cùng Nhật tại vùng chịu ảnh hưởng của động đất.

Linh và Giáp là hai trong số hơn 1.600 người Việt đang sinh sống, làm việc và học tập ở tỉnh Kumamoto. Giới chức Việt Nam cho biết người Việt tập trung chủ yếu tại các thành phố Yatsushiro, Kumamoto, Tamanashi, thị trấn Nagabuchi ở tỉnh này. 

"Cuộc sống của du học sinh bình thường là sáng đi học, chiều tối đi làm thêm. Giờ thì cả đi học và đi làm thêm đều hủy, mà có mọi người cũng không dám đi", cô cho biết thêm. Cả trường của Linh và Giáp đều cho sinh viên nghỉ học. Hai người, trong lúc trả lời phỏng vấn, đều báo họ cảm nhận thấy thêm dư chấn mới. Họ cho biết tình hình hiện "chưa biết thế nào".

Đường dây nóng tới Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, Tổng Lãnh sự quán tại Fukuoka đã khẩn trương tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân đối với các công dân Việt Nam đang gặp khó khăn. Ngày 17/4, Tổng Lãnh sự quán đã cử cán bộ mang theo đồ ăn, nước uống đến vùng bị nạn tại Kumamoto để trực tiếp nắm tình hình, động viên cộng đồng người Việt. 

Trong trường hợp công dân Việt Nam cần hỗ trợ, giúp đỡ khẩn cấp hoặc cung cấp thông tin về những trường hợp khác đang gặp khó khăn, đề nghị liên lạc ngay với các đường dây nóng (+81) 80 3590 9136, (+81) 80 3984 6668 và (+81) 80 3904 0198 để Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka kịp thời nắm bắt tình hình và triển khai các biện pháp bảo hộ công dân.

Theo VNE

tin mới

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.