Khủng bố ở Châu Âu - bao giờ có hồi kết?

(Baonghean) - Những cuộc tấn công khủng bố gần đây tại Pháp, Bỉ cho thấy một châu Âu đang bất an, gây lo ngại, hoang mang cho người dân vốn có cuộc sống thanh bình trong nhiều thập niên qua. Và gần đây, nhiều quốc gia của “lục địa già” này liên tục bị đe dọa tấn công. Cuộc trò chuyện của PV Báo Nghệ An với PGS-TS Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học - Bộ Công an sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn câu chuyện tại sao châu Âu đang là “miếng mồi ngon”của bọn khủng bố.

P.V: Thưa Thiếu tướng, kể từ sau vụ khủng bố 11/9/2001 đến nay, nước Mỹ cơ bản là an toàn, ngược lại châu Âu lại hứng chịu nhiều vụ khủng bố đẫm máu. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Sau 15 năm, kể từ vụ khủng bố ngày 11/9/2001, nước Mỹ chỉ có 3 cuộc khủng bố nhỏ. Cộng đồng quốc tế cho rằng nước Mỹ đã thành công trong việc phòng chống khủng bố sau thảm kịch ấy. Nhưng ngược lại, châu Âu lại liên tục hứng chịu những vụ khủng bố đẫm máu. Ngày 11/3/2004, tại thủ đô Madrid đã xảy ra vụ khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử Tây Ban Nha. Al-Qaeda cho phát nổ 10 quả bom ở ga tàu hỏa Atocha làm chết 192 người, hơn 2.000 người bị thương. Một năm sau, ngày 7/7/2005, 4 tên khủng bố cảm tử Al-Qeada đã thực hiện loạt vụ nổ ở Thủ đô London, Anh làm 56 người chết, 700 người bị thương.
Các con tin được sơ tán khỏi nhà hát Bataclan đêm ngày 13/11/2015. Ảnh: Reuters
Các con tin được sơ tán khỏi nhà hát Bataclan đêm ngày 13/11/2015. Ảnh: Reuters
Đặc biệt đến năm 2015, và đầu năm 2016, châu Âu liên tục hứng chịu 3 vụ khủng bố đẫm máu. Tòa soạn Tạp chí châm biếm Charlie Hebdo đã bị tấn công ngày 7/1/2015, hậu quả là 12 người chết và 11 người bị thương. Tiếp đó, ngày 13/11/2015, nước Pháp đã trải qua 1 đêm kinh hoàng với 7 vụ khủng bố liên hoàn do tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) tự xưng tiến hành làm rung chuyển Paris với 128 người thiệt mạng. Và mới đây nhất, ngày 22/3, tại ga tàu điện ngầm và sân bay ở thủ đô Brussels, Bỉ, IS đã đánh bom liên hoàn khiến hơn 200 người chết. IS lựa chọn Brussels - trung tâm châu Âu với ý đồ xem đây là đòn giáng trả vào châu Âu và nhằm hạ thấp uy tín của NATO nói riêng, châu Âu nói chung.
P.V: Vậy, tại sao IS và al-Qaeda lại hướng hoạt động vào châu Âu, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đây là vấn đề mà các học giả và quan chức phải nghiên cứu, nhưng theo tôi, việc IS lựa chọn châu Âu, thứ nhất là bởi về mặt địa lý, châu Âu gần với các điểm nóng của Bắc Phi và Trung Đông gồm Libya, Syria, Afganistan. Thứ 2 là ngoài những thuận lợi thì Schengen - hiệp ước đi lại tự do một số nước châu Âu được ký kết đã tạo nên những lỗ hổng an ninh của châu Âu. Thứ 3 là, tại 28 nước châu Âu hiện nay có khoảng 50 triệu người Hồi giáo nhập cư sinh sống, chiếm 10% cư dân của "lục địa già" này.
Cảnh sát Pháp tuần tra nhà ga tàu điện ngầm. Ảnh: AFP
Cảnh sát Pháp tuần tra nhà ga tàu điện ngầm. Ảnh: AFP
Đặc biệt, cuộc sống những người Hồi giáo nhập cư vào châu Âu phải chịu nhiều khó khăn về đời sống kinh tế với tỷ lệ thất nghiệp, vô gia cư và người nghèo cao nhất. Và rõ ràng, suy nghĩ luôn cảm thấy bị bạc đãi, xa lạ ngay trên mảnh đất mình sinh sống là yếu tố thuận lợi cho al-Queda và IS cài cắm, ẩn náu và tuyển mộ nguồn thánh chiến Hồi giáo. Nguyên nhân thứ 4 chính là hệ thống phòng thủ phòng chống khủng bố của châu Âu không được như Mỹ. Mỹ là một hợp chủng quốc hoàn chỉnh, có chiến lược thống nhất về phòng chống khủng bố từ chính quyền trung ương đến các bang, ngược lại châu Âu hết sức rời rạc. Mỗi quốc gia theo đuổi một chính sách phòng chống khủng bố riêng, rất ít hợp tác với nhau. 
P.V: Người ta nói châu Âu đang phải đối phó cùng lúc 3 cuộc khủng hoảng. Đề nghị Thiếu tướng cho biết rõ hơn về 3 cuộc khủng hoảng này?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đúng là châu Âu đang đồng thời đứng trước 3 cuộc khủng hoảng, trong đó khủng hoảng trầm trọng nhất, là khủng hoảng kinh tế Eurozone đã kéo dài 8 năm nay. Thật ra đến bây giờ Eurozone vẫn chưa hết khủng hoảng, với Hy Lạp vẫn là con nợ lớn, Italy chưa ổn định, song song là sự bất ổn của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Cuộc khủng hoảng này còn kéo dài và đe dọa sự an toàn của châu Âu. Cuộc khủng hoảng thứ 2 là cuộc khủng hoảng người di cư với hàng triệu người tràn vào châu Âu trong vòng 1 năm rưỡi nay. Châu Âu đang gồng mình, dành 80% thời gian họp ở các cấp với nhau để bàn về di cư. 
Làn sóng di cư vào Châu Âu gây bất an cho nhiều an ninh cho
Làn sóng di cư vào Châu Âu gây bất an cho nhiều an ninh cho "lục địa già". Ảnh: Internet
Khủng hoảng thứ 3 là hiệp ước Schengen tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không cần hộ chiếu, visa. Tuy nhiên, khi hiệp định này được áp dụng vào cộng đồng quốc gia châu Âu - nơi mà các quốc gia có trình độ phát triển khác nhau chính sách đối nội, đối ngoại khác nhau, đặc biệt chính sách sử dụng đồng tiền trong ngân hàng tài chính khác nhau nên đã xuất hiện nhiều điểm bất lợi.
Cùng với nó, nước Anh đang có nguy cơ ra khỏi cộng đồng EU làm cho liên minh châu Âu tan rã. Ba cuộc khủng hoảng này có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và chính khủng hoảng kinh tế tác động khủng hoảng di cư, khủng hoảng di cư làm trầm trọng thêm hiệp ước Schengen.
P.V: Người ta cho rằng Tổng thống Obama vừa có chuyến thăm và hội đàm với các cường quốc châu Âu từ ngày 22 đến 25/4 là nhằm mục đích giúp châu Âu giải quyết 3 khủng hoảng. Thiếu tướng có bình luận gì về ý kiến này?
Tổng thống Mỹ phát biểu tại hội chợ công nghiệp Hanover, Đức, ngày 25/04/2016.
Tổng thống Mỹ phát biểu tại hội chợ công nghiệp Hanover, Đức, ngày 25/04/2016.
Thiếu tướng Lê Văn Cương: 2016 là năm chính quyền Tổng thống Barack Obama bận rộn bởi phải dành phần lớn thời gian cho cuộc bầu cử tổng thống. Chỉ còn chưa đầy 1 năm tại vị, nhưng Tổng thống Obama phải dành ra 4 ngày đi châu Âu và làm việc với 5 nước phát triển nhất.
Ý kiến Barack Obama đi gỡ rối cho châu Âu là có lý bởi châu Âu - đồng minh của Mỹ giờ phút này đang rơi vào khủng hoảng trầm trọng và một khi đồng minh suy yếu sẽ ảnh hưởng đến chính sách và chiến lược của Mỹ ở châu Đại Tây Dương và thế giới nói chung. Muốn hay không muốn chuyến đi của Obama lần này chính là xốc lại tinh thần của châu Âu.
Bởi nếu châu Âu tiếp tục suy yếu thì tất yếu ảnh hưởng chính sách của Mỹ đối với Nga. Mục đích sâu xa của chuyến đi là góp phần nối lại mối liên kết chặt chẽ trong liên minh châu Âu, mà thực chất là củng cố mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Mỹ và châu Âu đang nằm trong liên minh quân sự NATO và một mục tiêu nữa là Mỹ phấn đấu hình thành một đối tác kinh tế thương mại xuyên Đại Tây Dương. Ở châu Á đã có TPP và với châu Đại Tây Dương, Mỹ đang quyết tâm bàn cùng Đức, Anh, Pháp có một hiệp định tương tự như vậy nên mục đích của chuyến đi có cả 3 gồm an ninh, chính trị và kinh tế.
P.V: Vậy, theo Thiếu tướng, trước những đe dọa hiện nay, châu Âu phải làm gì để đối phó với khủng bố hiệu quả hơn?
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Khủng hoảng người di cư với hoạt động của al-Qaeda và IS có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Lịch sử không thể giả định nhưng nếu như ông Gaddafi không bị lật đổ ở Lybia, không có cuộc chiến ở Syria thì chắc chắn không có dòng người di cư đổ sang châu Âu, hoặc có sẽ rất ít. Căn nguyên sâu xa của dòng người di cư và khủng bố nằm ở châu Phi và Trung Đông, bởi vậy để ngăn chặn khủng bố và khủng hoảng người di cư, tôi nghĩ châu Âu phải làm 4 việc. 
An ninh được tăng cường sau vụ tấn công ở Bussels. (Ảnh: Reuters)
An ninh được tăng cường sau vụ tấn công ở Bussels. (Ảnh: Reuters)
Thứ nhất, họ phải hợp tác với nhau và tham gia có trách nhiệm để dập tắt các cuộc xung đột như cuộc chiến Syria, đặc biệt là Libya. 
Thứ hai, họ phải cùng nhau giải quyết vấn đề an sinh xã hội cho 50 triệu người Hồi giáo trong nước bằng các chính sách thỏa đáng để giảm người nghèo, giảm thất nghiệp. Và điều quan trọng để họ không cảm thấy bị bạc đãi, bị ném ra rìa xã hội và được hòa nhập vào cộng đồng bản địa. Có làm được điều này, châu Âu mới hy vọng cắt đứt nguồn gốc của khủng bố. 
Thứ ba, là phải hợp tác tạo dựng một chiến lược chống khủng bố thống nhất. 
Và vấn đề cuối cùng đó là phải điều chỉnh chính sách nhập cư. Nếu châu Âu không giải quyết triệt để 4 vấn đề này thì khủng bố ở châu Âu chưa thể dừng lại.
P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trò chuyện.
 An Nhân
(Thực hiện)

tin mới

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.