Brazil: Đình chỉ chức vụ Tổng thống có là lối thoát?

(Baonghean) - Đất nước Brazil đã có một vị tổng thống mới, nhưng theo cách mà không nhiều người mong muốn. Cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện Brazil ngày 12/5 đã thông qua kiến nghị luận tội, đồng nghĩa với việc tạm thời đình chỉ chức Tổng thống của bà Dilma Rousseff và toàn bộ nội các của Tổng thống Rousseff bị giải tán. Nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ đang ở ngưỡng cửa một cú sốc lớn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài hơn hai năm qua. 
Cuộc đảo chính không tiếng súng
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff vừa trải qua một trong những giờ khắc đen tối nhất trong sự nghiệp chính trị của mình (nguồn: AFP)
Tổng thống Brazil Dilma Rousseff vừa trải qua một trong những giờ khắc đen tối nhất trong sự nghiệp chính trị của mình. Ảnh: AFP
Nạn nhân của cuộc bỏ phiếu về kiến nghị luận tội - Tổng thống Dilma Rousseff  ngay lập tức đã lên tiếng gọi đây là một cuộc đảo chính không chỉ nhằm lật đổ bà mà còn đi ngược lại ý chí của cử tri Brazil.
Phát biểu trước đám đông người ủng hộ bên ngoài Dinh Tổng thống, bà Rousseff tuyên bố đây là một ngày buồn và là tấn bi kịch cho nền dân chủ non trẻ của Brazil. Bà tự gọi mình là nạn nhân của sự bất công lớn, ngoài ra chính phủ tới đây sẽ ra đời từ cuộc đảo chính và đây sẽ là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng chính trị. 
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn truyền hình, bà Rouseff tiếp tục tố cáo những gì đang diễn ra ở nước này là một cuộc đảo chính và khẳng định sẽ chiến đấu đến cùng bằng mọi thủ tục pháp lý cần thiết để chứng minh sự vô tội của mình.
Bà cũng kêu gọi những người ủng hộ đoàn kết và đấu tranh bằng các biện pháp hợp pháp. Bà cảnh báo những thành tựu xã hội mà nước Nam Mỹ đã đạt được trong suốt 13 năm cầm quyền của đảng Lao động (PT) như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ trẻ em, thanh thiếu niên và quyền được tiếp cận dịch vụ y tế và nhà ở của người dân đang bị đe dọa.
Phó Tổng thống Michel Temer nhận quyết định thay bà Rousseff đảm nhận vị trí Tổng thống lâm thời (nguồn Wall Street Journal)
Phó Tổng thống Michel Temer nhận quyết định thay bà Rousseff đảm nhận vị trí Tổng thống lâm thời. Ảnh: Wall Street Journal
Ngay trong ngày 12/5, Phó Tổng thống Brazil Michel Temer, người sẽ thay bà Rousseff đảm nhận vị trí Tổng thống lâm thời đã công bố thành phần nội các mới. Mục tiêu của Tổng thống lâm thời Temer là đưa nền kinh tế số một Mỹ Latinh thoát khỏi cuộc suy thoái được cho là trầm trọng nhất kể từ năm 1930 tới nay với các biện pháp nhằm cân đối các khoản ngân sách bị thâm hụt và vực dậy nền kinh tế để thúc đẩy tạo việc làm.
Những diễn biến vừa qua tại Brazil đang chất thêm sự hỗn loạn vào xã hội vốn đã ấp ủ quá nhiều bê bối. Đó là các cuộc điều tra về vụ bê bối tham nhũng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras nơi bà Rousseff từng làm Chủ tịch, khiến ít nhất 100 cá nhân bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng, trong đó có hàng chục lãnh đạo từ các tập đoàn xây dựng và kỹ thuật hàng đầu Brazil.
Nhưng những tai tiếng chính trị sẽ không thể khiến xã hội Brazil nổi sóng đến như vậy nếu như tình hình kinh tế ở quốc gia này không rơi vào hoàn cảnh bết bát. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2015 đã giảm tới 3,8%, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ năm 1990.
Tính riêng trong năm ngoái, tỷ lệ thất nghiệp ở Brazil đã tăng vọt, chỉ số niềm tin tiêu dùng sụt giảm mạnh, còn đồng nội tệ real thì mất giá tới 24% so với đồng USD. Kinh tế Brazil đi xuống đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho tầng lớp trung lưu tại nước này. Khoảng 3,7 triệu người dân Brazil lâm vào cảnh tái nghèo.   
Lối thoát nào cho Brazil?
Một người biểu tình chống chính phủ bên ngoài tòa nhà Quốc hội Brazil (nguồn Associated Press)
Biểu tình chống chính phủ bên ngoài tòa nhà Quốc hội Brazil (nguồn Associated Press)
Rõ ràng, đất nước Brazil đang ở vào đỉnh điểm của những sự hỗn loạn trên thượng tầng chính trị, trong khi sự suy thoái kinh tế dường như chưa có dấu hiệu dừng lại. Nhưng liệu những biến động chính trị hiện tại có giúp mang tới một chính quyền trong sạch và liêm chính trong mắt người dân hơn không? Hay chính phủ lâm thời có giúp đưa đất nước ra khỏi tình trạng hiện tại?
Câu hỏi  này xem ra cũng khó có lời đáp bởi bản thân Tổng thống lâm thời Temer cũng nằm trong số những chính khách bị nghi ngờ nhận hối lộ trong vụ bê bối Petrobras. Ngoài ra, có tới 352 nghị sỹ trong tổng số 594 thành viên Quốc hội bị cáo buộc sai phạm.
Cuộc đảo chính hiện tại, như vậy có thể sẽ chỉ là một cuộc cách mạng nửa vời mà thôi. Những tuyên bố sau khi bị đình chỉ chức vụ của bà Rousseff cho thấy bà sẽ không dễ từ bỏ vị trí mà mình từng nắm giữ bằng những “vũ khí” trong tay, ám chỉ việc phát động các cuộc biểu tình trên đường phố để gây áp lực với phán quyết cuối cùng của phiên tòa luận tội bà sau 180 ngày nữa. Khi đó, người ta lo ngại rằng Brazil sẽ rơi vào tình trạng đấu đá, tranh giành nội bộ trong khi những vấn đề kinh tế xã hội của đất nước sẽ không thể được giải quyết triệt để./.
Thanh Sơn

tin mới

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.