Nga - Ukraine: Tương lai mịt mờ?

(Baonghean) - Sau gần 2,5 năm từ khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga hồi đầu năm 2014, những ngày qua, quan hệ Nga - Ukraine lại nổi cơn sóng gió mới. Giới quan sát thậm chí còn nhận định, mức độ nghiêm trọng lần này có thể khiến quan hệ 2 nước đang đứng trước bờ vực chiến tranh. Đâu là nguồn cơn của những căng thẳng mới này? Liệu quan hệ Nga - Ukraine sẽ đi về đâu?

Cáo buộc lẫn nhau

Căng thẳng bắt đầu từ hôm 10/8 khi Cơ quan an ninh Liên bang Nga (FSB) công bố thông tin nước này đã ngăn một loạt vụ tấn công khủng bố ở Crimea. Nga cáo buộc vụ việc do tình báo quân sự Ukraine lên kế hoạch.

Đáp lại lời cáo buộc của Nga, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko chỉ thị quân đội gần Crimea và Donbass trong tình trạng báo động cao nhất. Ảnh: AFP.
Chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin đang xem xét khả năng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine. Ảnh: Sputnik.

Theo thông báo, 1 sỹ quan đã thiệt mạng đêm 6/8 trong vụ đụng độ với những kẻ gây rối. Đến ngày 8/8, 1 quân nhân khác cũng thiệt mạng khi tiến hành chặn 2 đợt tấn công của đơn vị đặc biệt mà Nga cũng cáo buộc là do Bộ Quốc phòng Ukraine cử sang xâm nhập Crimea. Cáo buộc của Nga cho rằng, mục đích của các vụ tấn công là nhằm khiến tình hình chính trị, xã hội tại Crimea bất ổn khi chuẩn bị diễn ra cuộc bầu cử địa phương và bầu cử liên bang tại Nga sắp tới.

Thông báo của phía Nga cũng cho biết, cơ quan chức năng nước này đã bắt giữ 1 sỹ quan tình báo quân sự Ukraine và 1 nhóm người dân bị nghi là điệp viên của Ukraine đang chuẩn bị lên kế hoạch tấn công khủng bố ở Crimea.

Tất nhiên ngay lập tức, phía Ukraine đã bác bỏ những cáo buộc của Nga. Hội đồng an ninh quốc gia và quốc phòng Ukraine khẳng định, cáo buộc của Nga là “bịa đặt và sai sự thật”.

Binh lính Nga ở một căn cứ quân sự gần biên giới Ukraine.
Binh lính Nga ở một căn cứ quân sự gần biên giới Ukraine.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Ukraine cho rằng, chẳng qua đó là cái cớ để Nga tái triển khai các hoạt động và đe dọa quân sự đối với Kiev. Không chỉ Ukraine, Bộ Ngoại giao Mỹ còn đặt dấu hỏi về các cáo buộc của Nga đối với Ukraine, đồng thời nhắc lại quan điểm của Washington về việc phản đối Nga sáp nhập bán đảo Crimea.

Chưa dừng lại, Tổng thống Ukraine Poroshenko hôm 11/8 đã đặt quân đội trong tình trạng báo động cao nhất, chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu dọc biên giới với Crimea và vùng Donbass. Tổng thống Poroshenko cũng tuyên bố tiến hành cuộc tập trận như dự kiến ở miền Nam nước này.

Trước những động thái của phía Ukraine, cùng ngày, Điện Kremlin cũng đã ra tuyên bố cho biết, Tổng thống Vladimir Putin đã tổ chức họp khẩn để thảo luận các biện pháp bổ sung nhằm bảo đảm an ninh cho người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu ở bán đảo Crimea.

Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, hạm đội Biển Đen của hải quân Nga hiện đóng ở Crimea cũng tiến hành tập trận tại khu vực này, nhằm sẵn sàng đối phó với các âm mưu phá hoại. Cuộc tập trận kéo dài 3 ngày huy động hơn 19 tàu chiến và các trực thăng, gồm các hoạt động chống khủng bố, rà phá thủy lôi, và tìm kiếm cứu nạn trên biển. Giải thích cho những động thái này, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Ukraine đang lựa chọn khủng bố thay vì hòa bình. 

Rạn nứt cũ - căng thẳng mới

Nhìn lại hơn 2 năm trước, mối quan hệ giữa Nga và Ukraine bắt đầu trở nên căng thẳng khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014. Việc người dân bán đảo Crimea - vùng lãnh thổ từng thuộc Ukraine lại bỏ phiếu lựa chọn sáp nhập vào Nga đã khiến chính quyền Kiev không thể ngồi yên. Kể từ sau ngòi nổ Crimea, quan hệ Nga - Ukraine cũng như quan hệ Nga - phương Tây đã trở nên “cơm không lành, canh chẳng ngọt” với hàng loạt lệnh trừng phạt giữa 2 bên. 

Không dừng lại, các cáo buộc qua lại giữa 2 bên về sự tham gia vào phe lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine và việc Ukraine đóng vai trò là bước đệm cho sự chuyển hướng về phía Đông Âu của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) càng khiến mối quan hệ này gia tăng căng thẳng.

Đáp lại lời cáo buộc của Nga, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko chỉ thị quân đội gần Crimea và Donbass trong tình trạng báo động cao nhất. Ảnh: AFP.
Đáp lại lời cáo buộc của Nga, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko chỉ thị quân đội gần Crimea và Donbass trong tình trạng báo động cao nhất. Ảnh: AFP.

Ukraine dần biến thành mặt trận giữa Nga và NATO khi cả 2 đều tiến hành các động thái quân sự, vận chuyển 2 vũ khí hạng nặng và trang thiết bị quân sự giáp biên giới lẫn nhau. Về mặt ngoại giao, mới đây nhất, đầu tháng 8, Ukraine đã từ chối ông Mikhail Babich - ứng cử viên Đại sứ mới của Nga tại Kiev nhưng không hề đưa ra lý do. 

Với nền tảng quan hệ không hề tốt đẹp, việc Tổng thống Ukraine Poroshenko hôm 11/8 ra lệnh cho lực lượng quân đội sẵn sàng chiến đấu đã khiến quả bom vốn đang âm ỉ phát nổ.

Bình luận về động thái này của ông Poroshenko, giới phân tích cho rằng, có thể đây cũng là động thái nhằm gửi thông điệp đến Tổng thống Nga và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sau chuyến thăm viếng lẫn nhau vừa qua. Bởi, ông Putin một mặt không khoan nhượng với Ukraine, nhưng mặt khác lại sẵn sàng đón nhận lời xin lỗi từ phía Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan về việc không quân nước này bắn rơi chiếc máy bay ném bom Su-24 của Nga ở biên giới Syria hồi tháng 11 năm ngoái.

Cũng cần nhắc lại, Thổ Nhĩ Kỳ là một phần trong liên minh Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia và Azerbaijan, vốn được lập ra để thách thức Nga. Sự “thiên vị có chủ ý” này của Nga càng khiến Ukraine thêm tức giận.

Một yếu tố khác khiến chính phủ Ukraine “bực bội” cũng cần nhắc tới, đó là việc Tổng thống Nga Putin đang dồn quyết tâm thực hiện dự án xây dựng cây cầu lịch sử qua eo biển Kerch để nối bán đảo Crimea với đất liền Nga.

Theo Ukraine, động thái này nhằm cắt đứt sự phụ thuộc của Crimea vào Ukraine. Dự kiến, mốc thông cầu là cuối năm 2019, khi hoàn thành sẽ là công trình vượt biển dài nhất Liên bang Nga.

Vụ tấn công vào Crimea mà Nga cáo buộc do Ukraine đứng đằng sau đã khơi mào những căng thẳng mới giữa 2 nước. Ảnh:AP.
Vụ tấn công vào Crimea mà Nga cáo buộc do Ukraine đứng đằng sau đã khơi mào những căng thẳng mới giữa 2 nước. Ảnh: AP

Trong khi đó, những cơ chế đối thoại chung có sự tham dự của cả Ukraine và Nga hiện vẫn đang lâm vào bế tắc. Như Nhóm tiếp xúc về Ukraine (gồm đại diện phe ly khai tại Ukraine, Nga cùng OSCE) hay Nhóm “Bộ tứ Normandy” gồm Ukraine, Đức, Pháp, Nga với nỗ lực đạt được một tiến trình chính trị cho cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine, đều chưa có tiến triển đáng kể nào.

Với những diễn biến như hiện nay, khả năng sớm hạ nhiệt quan hệ Nga - Ukraine là khó khả thi. Trong diễn biến mới nhất, phía Nga đang xem xét khả năng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ukraine. Đồng thời, Nga còn đang xem xét khả năng đóng cửa Đại sứ quán tại Kiev và triệu hồi tất cả các nhân viên ngoại giao về nước. Nếu như thế, hố sâu ngăn cách giữa Nga và Ukraine sẽ càng được nới rộng. Một số chuyên gia còn nhận định, tiếng súng có thể sẽ vang lên trong chỉ vài ngày tới đây. Tất nhiên nếu kịch bản xấu xảy ra, những hệ quả nguy hiểm của nó chắc chắn sẽ không thể lường hết được, trong quan hệ song phương và cả an ninh của toàn khu vực.

Phương Hoa

tin mới

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.