Do đâu Mỹ-Nga chưa đạt được thỏa thuận về Syria?

(Baonghean.vn) - Hôm 5/9, Nga và Mỹ tiếp tục thất bại trong nỗ lực thu hẹp khoảng cách để đi đến một lệnh ngừng bắn tại Syria. Trong cuộc gặp mặt sau đó giữa Tổng thống Mỹ Barrack Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Nga khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán nhằm đạt được lệnh ngừng bắn cho Syria.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) trong một cuộc họp báo về Syria tại Geneva (Thụy Sĩ), tháng 8/2016. Ảnh: Reuters.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) trong một cuộc họp báo về Syria tại Geneva (Thụy Sĩ), tháng 8/2016. Ảnh: Reuters.

Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc đã kết thúc hôm 5/9 mà không đạt được thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn tại Syria. Tổng thống Mỹ Barrack Obama cho biết, trong ngày Chủ nhật (4/9), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov cũng đã gặp mặt song vẫn chưa thể vượt qua được bất đồng. Một quan chức Mỹ nói rằng vẫn “còn những bất đồng cần phải giải quyết” mà không chỉ ra cụ thể những bất đồng đó là gì cũng như khi nào thì cuộc gặp giữa Bộ trưởng Ngoại giao hai nước sẽ được nối lại.

Cuộc nội chiến diễn ra tại Syria từ năm 2011 đã làm 250.000 người thiệt mạng và buộc 11 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, gây nên làm sóng tị nạn ồ ạt vào Châu Âu và nguy cơ khủng bố lan rộng toàn thế giới. Trong những tháng gần đây, do các bên đẩy mạnh các cuộc tấn công khiến cho hàng trăm ngàn người dân bị mắc kẹt giữa các làn đạn trong các vùng chiến sự tại Syria như Aleppo và Ramadi. Bối cảnh này đặt ra nhu cầu cấp thiết về một lệnh ngừng bắn để tạo điều kiện cho các bên đưa hàng cứu trợ, giúp đỡ người dân Syria thoát khỏi tình cảnh khốn khổ.

Trong vài tuần qua, Mỹ và Nga có nhiều nỗ lực nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn giữa chính phủ và các lực lượng nổi dậy tại Syria. Trong suốt thời gian qua, các nhà trung gian Nga và Mỹ đã nỗ lực vạch ra bản đồ các khu vực mà các lực lượng đang chiếm giữ để giúp các bên kiểm soát việc thực thi khi đạt được một lệnh ngừng bắn. Tuy nhiên ngay từ trong quá trình này, nhiều khó khăn xuất hiện nhưng chưa được giải quyết. Cùng với những khác biệt lớn trong quan điểm giữa các bên về vấn đề Syria trong nhiều năm qua khiến cho dư luận nghi ngờ về việc các bên sớm đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov vào hôm qua là cuộc gặp thứ 3 giữa hai ông kể từ tháng 7 vừa qua. Việc hai người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ và Nga liên tục gặp nhau cho thấy nỗ lực cũng như mong muốn của các bên trong việc đạt được một thỏa thuận ngừng bắn thực sự.

Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ thì có thể thấy rằng, phía Mỹ dường như nhiệt tình trong câu chuyện này hơn là Nga. Mặc dù ông John Kerry tuyên bố “không có gì phải vội vàng” song vì vấn đề Syria mà trong năm nay, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã phải đến Nga 2 lần và có nhiều cuộc gặp với người đồng cấp Nga. Ông John Kerry cũng là nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Mỹ đến Nga kể từ khi quan hệ hai nước căng thẳng do vấn đề Crimea. Mỹ có nhiều lý do để không thể tiếp tục chần chừ trong câu chuyện này.

Lý do đầu tiên đó là mục tiêu giành lại thế chủ động trong vấn đề Syria. Khi tuyên bố không kích Lực lượng nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria có lẽ Mỹ toan tính rằng, việc đi trước một bước trong nỗ lực chống IS sẽ là mũi tên trúng nhiều đích, vừa giúp nước này quy tụ sự ủng hộ tại Trung Đông vừa thông qua chiến dịch này, Mỹ sẽ đạt được mục tiêu loại bỏ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Song cho đến lúc này, Mỹ vẫn chưa đạt được mục tiêu nào. Không những thế, kể từ khi Nga được sự đồng ý của chính quyền Syria mở một mặt trận riêng chống IS tại Syria thì hình ảnh của Mỹ lại trở nên yếu đuối, bị động. Trong khi Mỹ lúng túng trong kế hoạch triệt phá IS thì ngay sau khi mở các chiến dịch đầu tiên, Nga liên tục thông báo các thắng lợi với việc tiêu diệt và bẻ gẫy gọng kìm của IS tại nhiều nơi. Sự tham chiến trực tiếp của Nga vào cuộc chiến chống IS cũng đã lôi kéo được sự tham gia rất quan trọng của của Iran và cả Thổ Nhĩ Kỳ, hai quốc gia láng giềng của Syri và có nhiều ảnh hưởng tại khu vực. Vì lẽ đó, nếu không chủ động, thúc đẩy các bên đi đến thống nhất về một nội dung nào liên quan đến vấn đề Syria thì Mỹ sẽ chỉ là người khởi xướng song chiến thắng cuối cùng lại về tay Nga.

Ô tô bị cháy sau một cuộc không kích gần Hama, Syria. Ảnh: Anodoly Agency/Getty Images.
Ô tô bị cháy sau một cuộc không kích gần Hama, Syria. Ảnh: Anodoly Agency/Getty Images.

Lý do thứ hai đó là “tư duy nhiệm kỳ”. Thời gian cầm quyền của Tổng thống Obama không còn nhiều vì thế, nếu góp phần giải quyết được vấn đề Syria sẽ tạo ra dấu ấn đáng nhớ đối với chính quyền của Tổng thống Obama. Dấu ấn này không chỉ quan trọng đối với chính quyền sắp mãn nhiệm mà còn có ý nghĩa lớn đối với ứng cử viên của đảng Dân chủ Hillary Clinton trong cuộc chay đua vào Nhà Trắng. Trong bối cảnh cuộc chay đua vào Nhà Trắng đang bước vào giai đoạn nước rút, thỏa thuận ngừng bắn (nếu có) tại Syria sẽ là minh chứng cho thấy đường lối đối ngoại đúng đắn của nhà lãnh đạo thuộc Đảng Dân chủ, qua đó góp phần củng cố và thu phục sự ủng hộ của cử tri Mỹ đối với bà Hillary Clinton.

Trong cuộc gặp sau khi Ngoại trưởng Mỹ và Nga không thu hẹp được bất đồng trong vấn đề Syria, Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin đã nhất trí rằng hai nước sẽ tiếp tục thảo luận nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn cho Syria. Mặc dù Nga và Mỹ không chính thức tuyên bố song dư luận cho biết, cho đến lúc này, cả hai bên mới chỉ đạt được sự thống nhất rằng trẻ em và phụ nữ cũng như những người dân vô tội ở Syria cần phải được cung cấp thức ăn, chăm sóc y tế.

Còn khó khăn lớn nhất khiến các bên chưa thể xích lại gần nhau đó là việc xác định lực lượng nào là khủng bố để Nga và Mỹ cùng phối hợp tấn công. Hiện tại ở Syria không chỉ có lực lượng của chính quyền và IS hoạt động mà còn có rất nhiều lực lượng khác. Sự phức tạp ở chỗ những lực lượng này có các nhóm hậu thuẫn và mục tiêu khác nhau, gây nên các cuộc tấn công chéo, càng làm cho tình hình Syria thêm hỗn loạn. Mỹ cáo buộc Nga tấn công các mục tiêu không phải là IS mà là lực lượng do Mỹ bảo trợ để vảo vệ chính quyền của Tổng thống al-Assad. Vì vậy Mỹ hy vọng rằng, thỏa thuận ngừng bắn sẽ vừa làm giảm thiệt hại cho lực lượng mà Mỹ hậu thuẫn, vừa giúp hai bên hợp tác với nhau chặt chẽ, hiệu quả hơn vì một mục tiêu chung là chống lại IS.

Trong khi đó, Nga lại muốn Mỹ bẻ gãy mối liên hệ của nước này với Mặt trận Nusra có liên kết với Al Qaida mà Nga cho rằng đang làm tình hình tại Syria thêm rối ren. Trong bối cảnh các bên vẫn đang có những mục tiêu và quân bài khác nhau thì sẽ không tránh khỏi việc xao nhãng khỏi mục tiêu chống IS, vì lẽ đó, việc tìm được tiếng nói chung lại càng trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là khi tồn tại chưa giải quyết được thì cả Nga và Mỹ đều không từ bỏ nỗ lực đàm phán, vì thế tia hy vọng về một lệnh ngừng bắn vẫn tiếp tục le lói.

Việt Nga 

tin mới

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.