Nhìn lại khẩu chiến Clinton-Trump: Không ai chịu ai!

(Baonghean.vn) - 2 ứng viên Tổng thống Mỹ thuộc đảng Dân chủ và Cộng hòa Hillary Clinton và Donald Trump đã có cuộc tranh luận kịch tính đầu tiên vào sáng 27/9 (giờ Việt Nam). 3 chủ đề của cuộc tranh luận là “Hướng đi của nước Mỹ”, “Làm sao đạt được sự thịnh vượng” và “Làm sao để bảo vệ nước Mỹ”.

Bà Clinton được đánh giá là đã làm lu mờ ông Trump trong đêm tranh luận. Ảnh: Reuters
Bà Clinton được đánh giá là đã làm lu mờ ông Trump trong đêm tranh luận. Ảnh: Reuters

Nhà báo Lester Holt của đài NBC là người giữ vai trò điều phối chương trình. Ông cũng là người đưa ra câu hỏi và cứ mỗi câu hỏi hai ứng viên có 2 phút trả lời mà không bị đối thủ cắt ngang.

Mở màn, hai ứng cử viên bước lên sân khấu tại Đại học Hofstra, New York với cái bắt tay chào hỏi. Cả hai đã dành những nụ cười xã giao cho đối phương. Ngay sau đó, Clinton được chỉ định là người trả lời câu hỏi đầu tiên sau khi xác định thứ tự bằng cách tung đồng xu.

Clinton mỉa mai Trump có lợi thế gia đình

Câu hỏi đầu tiên được nhà báo Lester Holt đưa ra cho hai ứng viên là: “Tại sao bạn lại là lựa chọn tốt hơn có thể tạo ra nhiều việc làm và mang lại nhiều thu nhập hơn cho người lao động?”.

Bà Clinton ngay từ đầu cuộc tranh luận mở màn với nụ cười tươi và nói: “Hôm nay là ngày sinh nhật của cháu gái thứ hai của tôi, và tôi đang nghĩ rất nhiều về tương lai của nền kinh tế”. Tiếp ngay sau đó là sự bình tĩnh và bản lĩnh của cựu ngoại trưởng Mỹ khi nói về hàng loạt vấn đề. Bà Clinton đã tập trung vào các vấn đề như bình đẳng giới, chương trình Paid Family Leave (nghỉ phép gia đình có trả lương), doanh nghiệp nhỏ và đặc biệt là vấn đề việc làm. Bà đặt câu hỏi: “Liệu ai có thể gánh vác nhiệm vụ to lớn nhưng cũng rất tuyệt vời của một Tổng thống, ai sẽ là người biến kế hoạch thành hành động?”

Bà cũng ngay lập tức đề cập đến việc tỷ phú Trump có lợi thế gia đình, khi đã được nhận hàng chục triệu USD từ cha để khởi nghiệp, còn bản thân bà thì xuất phát là một công dân Mỹ thuộc tầng lớp trung lưu. Bà Clinton mỉa mai rằng: “Ông Trump đã có 40 triệu USD từ cha mình, và ông ấy thực sự tin là nếu bạn càng giúp đỡ những người giàu thì bạn càng có lợi”. Đáp lại, ông Trump đính chính: “Cha tôi đã cho tôi vay một khoản nhỏ vào năm 1975 và tôi đã dùng nó để gây dựng nên một công ty. Hiện tại, nó đã có giá trị lên đến hàng tỷ USD”.

Với 2 phút trình bày, ứng viên Trump cũng đưa ra câu trả lời bao trùm nhiều vấn đề. Như ông đưa ra câu trả lời kinh điển về việc Trung Quốc và Mexico đã “ăn cắp” việc làm của người Mỹ như thế nào. Còn bà Clinton nói rằng: “Tôi mới là người mang lại việc làm cho mọi người”.

Một khoảnh khắc đáng chú ý là giữa cuộc tranh luận, ông Trump đã cố tình gọi bà Clinton là Ngoại trưởng: “Ngoại trưởng Clinton, liệu có được không nhỉ? Tốt thôi, tôi muốn bà được vui vẻ!”. Nhưng đáp lại, bà Clinton nói rằng: “Ồ, Donald tranh tài cùng ngoại trưởng Clinton. Điều đó càng làm ông nhỏ bé hơn thôi!”. Bà cũng nhắc mọi người nhớ lại vốn kinh nghiệm chính trường của ông Trump và để cho người xem hãy tự nhận xét.

Trump bối rối về nhà ở, Cliton lúng túng với TPP

Tiếp tục cuộc tranh luận, bà Clinton đã công kích ông Trump vì những tuyên bố trước đây nói rằng, ông ủng hộ sự sụp đổ của thị trường nhà ở: “Donald là một trong những người bắt nguồn cho cuộc khủng hoảng nhà ở hiện nay”. Ông Trump đối đáp lại: “Thị trường, kinh doanh là phải như vậy”. Bà Clinton chưa dừng lại và thông tin rằng, đã có 9 triệu việc làm bị mất, 5 triệu người mất nhà ở và 13 nghìn tỷ USD đã bị mất trắng trong cuộc khủng hoảng này. Bà cũng nhấn mạnh: “Tôi vẫn đang cố gắng nghiên cứu xem đâu là những việc chúng ta cần phải làm”.

Hai ứng viên sau đó chuyển sang tranh cãi về các Hiệp định thương mại. Bắt đầu từ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được ký bởi cựu tổng thống Bill Clinton, chồng bà Hillary. Ông Trump cáo buộc: “Chồng bà đã ký Hiệp định NAFTA và đó là thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất. Và bây giờ bà lại muốn ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP. Rồi nó cũng sẽ tồi tệ như NAFTA mà thôi”…

Tiếp vấn đề Hiệp định TPP, ông Trump đã cao giọng và không ít lần ngắt lời bà Clinton về vấn đề này. Ông Trump nhắc lại rằng bà Clinton từng coi TPP là tiêu chuẩn vàng. Đáp lại, bà Clinton nói rằng: “Donald, tôi biết ông đang sống với thực tế của riêng mình”. Bà cũng cố gắng giải thích về sự thay đổi quan điểm của mình về TPP rằng, bà từng ủng hộ TPP khi nó còn là ý tưởng; nhưng đến khi hiệp định hoàn thành bà cảm thấy không còn phù hợp nên đã phản đối.

Ông Trump không chịu thua và tiếp tục công kích: “Nhưng bà không có kế hoạch cụ thể” và nhấn mạnh, liệu cử tri có bầu cho một kiểu chính trị gia nói nhiều, làm ít, sẽ không bao giờ có chuyện đó”.

Số lần hai ứng viên bị ngắt lời trong cuộc tranh luận. Đồ họa: Vox/VNE.
Số lần hai ứng viên bị ngắt lời trong cuộc tranh luận. Đồ họa: Vox/VNE.

Trump che giấu thuế - Clinton không thể diệt IS?

Cuộc tranh luận trở nên kịch tính khi nhiều thời điểm không ai nghe ai và tranh nhau phát biểu. “Làm thế nào bạn bảo vệ được vị trí của mình trong việc cắt giảm thuế cho người giàu?” là câu hỏi tiếp theo được đặt ra.

Về phần mình, bà Clinton cho rằng, ông Trump có gì đó đang che giấu và cho rằng, ông Trump đang không phải trả thuế cho lợi nhuận của các chương trình và dự án của mình. Bên cạnh đó, bà cũng chỉ trích, “dường như tỷ phú Trump không giàu như ông ấy nói”

Đáp lại, ông Trump cho rằng: “Đã đến lúc nước Mỹ cần một người lãnh đạo hiểu biết về vấn đề tiền bạc. Về vấn đề kê khai thuế, ông Trump khẳng định sẽ công khai các giấy tờ thuế sau khi bà Clinton công bố các nội dung trong email cá nhân. Tuy nhiên bà Clinton nói rằng: “Đây chỉ là sự nhầm lẫn. Tôi chịu trách nhiệm về điều đó”.

 “Làm thế nào để ngăn chặn khủng bố?” là nội dung được hai ứng viên tập trung tranh luận. Tỷ phú Trump đặt câu hỏi liệu bà Clinton có chiến đấu được với lực lượng khủng bố nào không, đặc biệt lại là IS. Ông Trump cũng không quên cáo buộc chính Tổng thống Obama và bà Cliton đã tạo điều kiện phát triển cho IS.

Tỷ phú Trump đã đổ lỗi cho bà Clinton, cho rằng Lybia là một trong những thảm họa mà bà Clinton đã gây ra. Đáp lại, bà Clinton lại cáo buộc ông Trump hỗ trợ cho cuộc chiến ở Iraq và cho rằng, ông Trump đã hoàn toàn sai lầm khi liên tục chỉ trích người Hồi giáo, trong khi đây là giai doạn cần sự đoàn kết.

Clinton nói Trump khen Tổng thống Nga quá nhiều

Về quan hệ với các nước lớn, trong khi bà Clinton tranh luận rằng, ông Trump đã khen ngợi “quá đà” Tổng thống Nga Vladimir Putin, thì ông Trump ngắt lời: “Sai rồi”. Tuy nhiên về vấn đề giữ gìn an ninh và cụ thể về một cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu, ông Trump cho biết chắc chắn sẽ không tiến hành một kế hoạch như vậy đối với nước Nga.

Trong khi đó, bà Clinton khẳng định ông Trump chưa bao giờ nói rằng sẽ làm gì trong quan hệ với Iran: “Liệu ông ấy có đánh bom Iran hay không?”. Bà Clinton cho rằng ông Trump nên nói về kế hoạch này như đã làm với kế hoạch chống IS.

Trước đó, khi được người dẫn chương trình hỏi về các vụ xả súng vào người da màu, bà Clinton nói rằng đây là vấn đề khôi phục lòng tin giữa người dân và cảnh sát. Trong đó, cảnh sát phải được trang bị và sử dụng vũ lực những tất cả cần tuân thủ luật pháp. Bà cũng nhắc lại cam kết sẽ tước súng của những đối tượng cần thiết để hạn chế bạo lực súng đạn.

Về vấn đề nơi sinh của Tổng thống Obama khi nhà báo Holt đặt câu hỏi, tỷ phú Trump nói rằng, việc đòi công khai giấy khai sinh của Tổng thống là việc tốt mà thôi. Trong khi đó, bà Clinton cho rằng ông Trump đang lờ đi thái độ phân biệt chủng tộc của mình.

Bà Clinton chào những người ủng hộ, trong khi ông Trump bắt tay người dẫn chương trình Lester Holt sau cuộc tranh luận. Ảnh: Reuters
Bà Clinton chào những người ủng hộ, trong khi ông Trump bắt tay người dẫn chương trình Lester Holt sau cuộc tranh luận. Ảnh: Reuters

Trump: “Kinh nghiệm của Clinton quá tệ hại”

Về các vấn đề cá nhân, ông Trump tập trung ngay vào “khả năng chịu đựng” của bà Clinton ý nói vấn đề sức khỏe không ổn định của bà. Ông Trump cho rằng, bà Clinton có kinh nghiệm chính trường, nhưng đó là những kinh nghiệm tồi tệ của những năm tháng vừa qua. Ông đặt câu hỏi: “Bạn vẫn muốn tiếp tục chính sách này hay sao?”.

Đáp lại, bà Clinton nói rằng, bà đủ sức khỏe để thực hiện các chuyến công du liên tục khi còn là ngoại trưởng và cũng không quên nhắc lại và mỉa mai những bình luận khiếm nhã của ông Trump về phụ nữ. Ông Trump liên tục lắc đầu và đáp lại: “Tôi chưa bao giờ nói như vậy...” Ông cho biết đã có lúc ông cũng từng định nói những điều tồi tệ về bà Hillary nhưng rồi ông đã nghĩ lại. Ông đồng thời cáo buộc, đây là chiến thuật không đẹp từ Clinton khi cáo buộc ông như vậy.

Sau 90 phút, cuộc tranh luận kịch tính đầu tiên giữa hai ứng viên đã kết thúc. Bà Clinton và ông Trump bước xuống cùng với gia đình. Trong khi bà Clinton và chồng là cựu Tổng thống Bill xuống tận nơi bắt tay và chào hỏi người ủng hộ thì tỷ phú Trump và vợ đi thẳng qua khán đài và chỉ vẫy tay chào.

Hai cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình tiếp theo giữa hai ứng viên sẽ diễn ra vào các ngày 9/10 và 19/10 tới đây.

Khang Duy

(Theo CNN, Reuters)

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.