Cái giá của hòa bình

(Baonghean) - Hy vọng hòa bình vốn là 'của hiếm' ở Colombia suốt hàng thập kỷ, lại vừa nhận một “gáo nước lạnh”. Cử tri Colombia trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 2/10 đã bác bỏ thỏa thuận hòa bình vừa được ký kết giữa Chính phủ và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC).

Người ủng hộ thỏa thuận hòa bình khóc khi nghe tin kết quả trưng cầu ý dân. Ảnh: Business Insider.
Người ủng hộ thỏa thuận hòa bình khóc khi nghe tin kết quả trưng cầu ý dân. Ảnh: Business Insider.

“Chưa có kế hoạch B”

Thỏa thuận hòa bình mà Chính phủ của Tổng thống Juan Manuel Santos ký kết với Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) mới tồn tại chưa tròn 2 tháng đã không còn hiệu lực. Theo kết quả kiểm phiếu chính thức, có tới 50,23% cử tri quốc gia Nam Mỹ này bác bỏ thỏa thuận hòa bình mới, đồng nghĩa số người ủng hộ chỉ đạt 49,76%.

Kết quả này dĩ nhiên là một cú sốc với tất cả các bên tham gia thỏa thuận, cũng như với chính người dân Colombia. 4 năm kiên trì đàm phán với nỗ lực và thiện chí của Chính phủ và FARC cùng sự hỗ trợ của các bên trung gian hòa giải đã “đổ sông đổ bể”. Còn cuộc xung đột vũ trang bùng phát từ năm 1964, cướp đi sinh mạng của 260.000 người, khiến 45.000 người mất tích và khoảng 6,9 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn vẫn chưa thể chấm dứt.

Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Santos có lẽ đã bẽ bàng khi phải thừa nhận sự thật rằng đa số cử tri Colombia bác bỏ công sức của ông. Tuy nhiên, ông tuyên bố sẽ không từ bỏ và tiếp tục tìm kiếm hòa bình cho tới "ngày cuối cùng của nhiệm kỳ".

Về phần mình, lực lượng FARC cũng cam kết tiếp tục các cuộc hòa đàm với Chính phủ, bất chấp thất bại vừa qua của cuộc trưng cầu ý dân ngày 2/10. Thủ lĩnh Timoleón Jiménez tái khẳng định thiện chí hòa bình và giải giáp vũ khí của các tay súng FARC. Ông nhấn mạnh FARC mong muốn hòa bình và sẽ chỉ đối thoại để đạt được mục đích này. Theo ông Jiménez, FARC sẽ phân tích "một cách bình tĩnh" từng chi tiết kết quả trưng cầu. Với kết quả này, FARC hiểu rằng còn rất nhiều thách thức để tổ chức này trở thành một chính đảng và bày tỏ tin tưởng nền hòa bình sẽ chiến thắng.

Kết quả cuộc trưng cầu ý dân không chỉ đơn giản là việc nói không với thỏa thuận hòa bình được trông đợi. Mọi nỗ lực và thiện chí của Chính phủ, FARC và các bên trung gian hòa giải gần 4 năm qua để chấm dứt chiến tranh ở Colombia đã trở nên vô nghĩa với kết quả hoàn toàn nằm ngoài dự kiến. Và khi mà sự kỳ vọng quá lớn, chính phủ của Tổng thống Santos cũng không có phương án dự phòng. Khả năng cao là thỏa thuận trên sẽ bị hủy bỏ.

Phiến quân FARC trong một buổi lễ diễn ra tháng trước tại đồng bằng Yari, miền Nam Colombia. Ảnh: ABCNews.
Phiến quân FARC trong một buổi lễ diễn ra tháng trước tại đồng bằng Yari, miền Nam Colombia. Ảnh: ABCNews.

Lá phiếu đòi công lý

Dù rất đáng thất vọng nhưng kết quả trưng cầu ý dân phản ánh chính xác nguyện vọng của đa số người dân Colombia. Thông điệp là: Hòa bình là điều được chờ đợi, thế nhưng sẽ không có sự thanh thản “miễn phí” cho những người đã gây ra tội ác và bất ổn trong hơn 5 thập kỷ qua, ở đây là những thành viên của FARC.

Nhiều người Colombia đã và đang cảm thấy trong những năm qua, tổng thống Jose Manuel Santos đã nhượng bộ quá nhiều để có thể đưa FARC ngồi vào bàn đàm phán và tìm ra một thỏa thuận cuối cùng. Nó khiến người ta nghĩ rằng phiến quân một thời gây tội ác sẽ không phải chịu trách nhiệm cho những việc họ đã làm trong quá khứ. Trong khi, một nền hòa bình thực sự đòi hỏi chính quyền phải điều tra và tống giam các chiến binh của FARC.

5 thập kỷ giao tranh giữa chính quyền và lực lượng nổi dậy đã tạo ra những “vết sẹo” khủng khiếp trong lòng đất nước Colombia. Có rất nhiều người dân là nạn nhân của nạn bắt cóc và giết chóc của phiến quân. Trong khi đó, thỏa thuận hòa bình đạt được hồi tháng trước cho phép những chiến binh khét tiếng một thời được bắt đầu cuộc sống mới như những công dân bình thường, và lãnh đạo phe nổi dậy được giảm hình phạt vì những tội ác chiến tranh.

Thỏa thuận này, vì thế, bị coi là quá khoan dung. Roosevelt Pulgarin, 32 tuổi, một giáo viên dạy nhạc tại thủ đô Bogota không ngần ngại bày tỏ quan điểm về thỏa thuận hòa bình: “Chẳng có công lý gì trong bản Hiệp định này. Nếu những người nói “Không” giành chiến thắng, chúng tôi sẽ không có hòa bình. Nhưng ít nhất, chúng tôi sẽ không trao đất nước này cho phiến quân. Chúng tôi cần các cuộc đàm phán công bằng hơn”.

Quả thực, nếu nhìn vào các điều kiện trong thỏa thuận, những người là nạn nhân của chiến tranh sẽ không khỏi bức xúc. Lực lượng nổi dậy đồng ý từ bỏ ngay lập tức các trại huấn luyện tại 28 “khu vực tập trung” trên khắp cả nước. Trong 6 tháng tiếp theo, họ sẽ giao lại vũ khí cho các nhóm giải giáp của Liên hợp quốc.

Đổi lại, phiến quân được hưởng ân xá. Những người bị tình nghi liên quan tới tội ác chiến tranh được xét xử tại tòa án đặc biệt với hình phạt được giảm nhẹ. Nhiều người trong số này sẽ làm nghĩa vụ công ích, như gỡ bỏ bom mìn do chính FARC cài đặt trên khắp đất nước.

Ngoài ra, các thành viên của FARC, một tổ chức từng bị coi là khủng bố, còn đang hy vọng tái hòa nhập với xã hội Colombia như những nhà lãnh đạo chính trị với 10 ghế trong Quốc hội. Cựu tổng thống Colombia Alvaro Uribe thốt lên: “Thỏa thuận này quá nhẹ nhàng với phiến quân. Chúng cần phải bị điều tra như những kẻ giết người hay buôn lậu ma túy”.

Jason Marczack, chuyên gia về Mỹ - Latinh tại Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở ở Washington DC., Mỹ nhận xét: “Sự căm ghét nhằm vào FARC đã chiến thắng hy vọng về tương lai”. Đó là lời cảnh báo tiến trình hòa bình tại Colombia sẽ không phải là một con đường trải hoa hồng.

Những món nợ từ lịch sử sẽ còn đánh thức sự khác biệt và mâu thuẫn nội tại. Giải quyết nó chắc chắn sẽ hao tổn nhiều thời gian và công sức hơn 4 năm đàm phán cho bản Hiệp định hòa bình mới bị bác bỏ cuối tuần qua.

Phan Tùng

tin mới

Báo Mỹ: Ukraine không có vũ khí để chống 'bom thần kỳ' của Nga

Báo Mỹ: Ukraine không có vũ khí để chống 'bom thần kỳ' của Nga

(Baonghean.vn) - Theo Forbes, bom lượn KAB đã trở thành "vũ khí thần kỳ" thực sự của Nga. Trong khi đó, Lực lượng vũ trang Ukraine phàn nàn rằng, họ không có biện pháp nào đối phó. Có thể máy bay chiến đấu F-16 sẽ hỗ trợ Kiev, nhưng phải chờ đợi cho đến khi chúng xuất hiện đủ số lượng.

Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine trở thành cuộc chiến Nga - phương Tây

Chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine trở thành cuộc chiến Nga - phương Tây

(Baonghean.vn) - “Chúng ta đang ở trong tình trạng chiến tranh” - lời khẳng định này của thư ký báo chí Tổng thống Nga, Dmitry Peskov gần như được hiểu là một sự thay đổi cơ bản trong cách tiếp cận của Điện Kremlin, không phải chỉ đánh giá xung đột ở Ukraine, mà cả tình hình ở Nga nói chung.

Quân đội Pháp có thực sự hành quân đến Ukraine?

Quân đội Pháp có thực sự hành quân đến Ukraine?

(Baonghean.vn) - Trong bối cảnh xung đột hiện nay, nếu 2.000 binh lính Pháp được cử đến Ukraine, sẽ chỉ như “một giọt nước trong đại dương”. Hơn nữa, nếu thực sự phương Tây nỗ lực muốn xoay chuyển tình hình, thì họ liệu có tuyên bố công khai và tích cực về việc gửi quân tới Ukraine như vậy?

Tướng Cương: IS có thể là 'công cụ' gây ra vụ khủng bố đẫm máu ở Nga

Tướng Cương: IS có thể là 'công cụ' gây ra vụ khủng bố đẫm máu ở Nga

(Baonghean.vn) - Vụ khủng bố đẫm máu tại nhà hát Crocus City Hall vùng ngoại ô Moskva tối 22/3 trở thành tâm điểm của dư luận thế giới. Liên quan vụ việc, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương – nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an nêu quan điểm trong cuộc trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An.

Bản tin quốc tế: Tất cả nghi phạm thực hiện vụ khủng bố ở ngoại ô Moskva đều là người nước ngoài

Bản tin quốc tế: Tất cả nghi phạm thực hiện vụ khủng bố ở ngoại ô Moskva đều là người nước ngoài

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế hôm nay có những thông tin sau: Tất cả nghi phạm thực hiện vụ khủng bố ở Nga đều là người nước ngoài; Ukraine tập kích loạt tên lửa vào Crimea; Mỹ thông qua dự luật 1,2 nghìn tỷ USD ngăn chính phủ đóng cửa; Tổng Thư ký LHQ kêu gọi ngừng bắn tại Gaza.

Cựu cố vấn Lầu Năm Góc cho rằng tình báo phương Tây có thể liên quan đến vụ tấn công khủng bố ở Nga

Cựu cố vấn Lầu Năm Góc cho rằng tình báo phương Tây có thể liên quan đến vụ tấn công khủng bố ở Nga

(Baonghean.vn) - Cựu cố vấn Lầu Năm Góc, Đại tá đã nghỉ hưu Douglas McGregor cho rằng, các cơ quan tình báo phương Tây - CIA và MI6, có thể liên quan đến vụ tấn công khủng bố tại khu phức hợp Crocus ở ngoại ô Moskva, và những kẻ tấn công liên quan đến các phần tử chiến đấu ở phía Ukraine.

Mỹ và Nga thức tỉnh châu Âu về quốc phòng

Mỹ và Nga thức tỉnh châu Âu về quốc phòng

(Baonghean.vn) - Châu Âu như được thức tỉnh, sau một thời gian lơ là đầu tư phát triển quốc phòng, và bị phụ thuộc sâu sắc vào Mỹ. EU cố gắng chuẩn bị cho một tương lai, trong đó Tổng thống Putin, và rất có thể là ông Donald Trump sẽ đóng vai trò quan trọng. 

WHO kêu gọi Israel mở thêm cửa khẩu vào Gaza

WHO kêu gọi Israel mở thêm cửa khẩu vào Gaza

(Baonghean.vn) - Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, viện trợ đường bộ thông qua các cửa khẩu là biện pháp tốt nhất để có thể ngăn chặn nguy cơ xảy ra nạn đói tại Gaza.