Bầu cử Mỹ: 10 tình tiết không thể bỏ lỡ

(Baonghean.vn) - Hôm nay là ngày trọng đại đối với nước Mỹ.

Cuộc bầu cử 2016 được chờ đợi bấy lâu rốt cuộc đang diễn ra, và có thể sẽ là cuộc bầu cử mang tính lịch sử vì nhiều nguyên nhân. Nước Mỹ có thể có nữ Tổng thống đầu tiên; đảng Cộng hòa có thể “lấy lại” Nhà Trắng sau 2 nhiệm kỳ dưới sự kiểm soát của đảng Dân chủ; lượng cử tri đi bỏ phiếu có thể đạt ngưỡng kỷ lục và cả 2 bữa tiệc đêm bầu cử của 2 ứng viên hàng đầu đều sẽ diễn ra tại New York.

Sau đây là 10 tình tiết đáng chú ý nhất khi kết quả của cuộc bầu cử đang sắp sửa tới gần:

Hillary Clinton và Donald Trump. Ảnh: ABCNews.
Hillary Clinton và Donald Trump. Ảnh: ABCNews.

1. Ai sẽ giành chiến thắng cuộc đua ồn ào?

Hillary Clinton và Donald Trump đã cạnh tranh gay gắt trong nhiều tháng kể từ khi trở thành ứng viên đại diện cho đảng của mình ra tranh cử vào mùa Hè năm nay, dù cuộc đua tranh chức tổng thống đã diễn ra trong hơn 1 năm qua.

Màn tranh đấu giữa Clinton và Trump được nhiều người đánh giá là 1 trong những cuộc đua tiêu cực và hỗn loạn nhất gần đây.

Dù Clinton dẫn trước 2 con số vào thời điểm tháng trước, khoảng cách dần co lại và ông Trump đã bám đuổi sít sao, thậm chí có đôi lúc nhỉnh hơn đối thủ trong 1 tuần trước ngày bầu cử.

2. Chiến thắng cách biệt ra sao?

Do bản chất gây tranh cãi của cuộc đua tổng thống năm nay, người ủng hộ bên nào cũng muốn ứng viên của mình giành đủ khoảng cách để tuyên bố chiến thắng, lên nắm quyền trong 4 năm tới.  

3. Liệu có gian lận phiếu bầu không?

Trump đã nhiều lần quả quyết rằng quá trình bầu cử “có dàn xếp” và hối thúc những người ủng hộ giám sát hoạt động tại các điểm bỏ phiếu, đảm bảo rằng không thể diễn ra khả năng gian lận.

Một số tòa án liên bang đã ra lệnh cho cả 2 chiến dịch tranh cử, khẳng định họ không thể yêu cầu người ủng hộ có bất cứ động thái nào như vậy trong ngày bầu cử, nhưng điều đó cũng không ngăn ông Trump châm lửa nghi ngờ về tính xác thực của kết quả bầu cử.

4. Kẻ thắng lẫn người thua sẽ chấp nhận số phận?

Về những tình tiết này, Trump cho rằng có thể ông không chấp nhận các kết quả bỏ phiếu ban đầu nếu chúng không như những gì ông kỳ vọng.

Trong cuộc tranh luận thứ 3, khi được hỏi liệu ông có chấp nhận kết quả không, Trump nói ông “sẽ xem xét tùy tình hình”. Tại một cuộc vận động tranh cử ở Ohio ngày hôm sau, ông đã khẳng định “Tôi sẽ hoàn toàn chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử tổng thống vĩ đại và mang tính lịch sử này, nếu tôi giành chiến thắng”.

Trái lại, Clinton tuyên bố bà sẽ chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử.

5. Các ứng cử viên từ các đảng khác thì sao?

Các cuộc thăm dò trên toàn nước Mỹ những ngày cận kề bầu cử cho thấy ứng viên đảng Tự do Gary Johnson và ứng viên đảng Xanh Jill Stein nhận được tỷ lệ ủng hộ rất thấp. Dù có thể họ không ảnh hưởng nhiều tới kết quả bầu cử, nhưng vẫn còn 1 khả năng theo đó các ứng viên khác ngoài bà Clinton và ông Trump sẽ làm nên lịch sử.

Evan McMullin, một nhân vật bảo thủ, độc lập và chống Trump, chỉ xuất hiện trên phiếu bầu ở 11 bang, song nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ tại Utah. Đây được xem là cứ địa của đảng Cộng hòa, nhưng lại tỏ ra miễn cưỡng không muốn ủng hộ Trump. Nếu McMullin giành chiến thắng tại bang này, ông sẽ trở thành ứng viên đầu tiên từ đảng thứ 3 giành được phiếu đại cử tri tại bang này từ năm 1964.

6. Bầu cử sớm tiết lộ điều gì?

Chiều tối 7/11 (giờ Mỹ), theo số liệu của hãng thông tấn AP, hơn 43 triệu người đã đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử này.

Con số nói trên không bao gồm những lá phiếu trong đêm 7/11, chiếm 93,5% so với số người đi bỏ phiếu sớm năm 2012.

Số cử tri đi bỏ phiếu sớm từ năm 2012 đã tăng lên ở các bang quan trọng như Florida, Georgia, Virginia, North Carolina và Nevada. Robby Mook, quản lý chiến dịch tranh cử của Clinton tỏ ra lạc quan trước số cử tri bỏ phiếu sớm tại một số bang chiến địa.

7. Nhóm nhân khẩu nào có ảnh hưởng?

Giới chuyên gia chính trị đang phân tích tại các bang bầu cử sớm và kiểm tra xu hướng đi bỏ phiếu về mặt nhân khẩu học để dự báo tình hình trong ngày bầu cử chính thức này. Chỉ vài bang bầu cử sớm công khai thông tin nhân khẩu của cử tri trước ngày bầu cử chính thức, vì vậy vấn đề này còn phải chờ đợi lâu mới có câu trả lời, dù ngay sau cuộc bầu cử sẽ biết được tổng số cử tri là bao nhiêu.

Số lượng cử tri bỏ phiếu sớm cũng chưa đủ để so sánh khác biệt trong lá phiếu của cử tri theo tiêu chí giới tính so với năm 2012, nhưng việc lần đầu tiên bầu cử Mỹ có ứng viên chính đảng là nữ, cộng với những phát ngôn gây sốc thời gian qua của Trump, nhiều khả năng đều sẽ tác động đến các cử tri nữ.

8. Ai kiểm soát Thượng viện?

Trong khi cuộc đua vào Nhà Trắng ôm trọn sự chú ý, vẫn còn 34 ghế trong Thượng viện cần được lấp kín chỗ, và thế đa số hiện nay có thể thay đổi.

Lúc này, đảng Cộng hòa đang chiếm đa số trong Thượng viện, nhưng họ đang phải bảo vệ 24 ghế cần bầu hoặc bầu lại, so với chỉ 10 ghế mà đảng Dân chủ đang phải bận tâm.

Nếu Clinton bước chân vào Nhà Trắng và mang theo thượng nghị sỹ Tim Kaine, đảng viên đảng Dân chủ chỉ cần hơn 4 ghế là giành được quyền kiểm soát Thượng viện. Hiện họ đã có nhiều con đường có thể dẫn tới con số trên.

9. Mọi ánh mắt đổ dồn về New York

Cuộc bầu cử 8/11 mang tính lịch sử vì nhiều lý do, trong đó có việc cả 2 ứng viên hàng đầu cho chiếc ghế tổng thống đều sẽ ăn mừng (hoặc chia buồn) tại cùng 1 thành phố.

Do Trump là người New York còn Clinton xem bang này là nhà kể từ khi rời Nhà Trắng và trở thành thượng nghị sỹ New York năm 2000, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi biết rằng họ đều muốn ở gần nhà vào đêm bầu cử.

Clinton định tổ chức tiệc tại Trung tâm Javits, trung tâm hội nghị gần sông Hudson. Trump lại đang chuẩn bị cho sự kiện của mình tại Khách sạn Hilton ở Manhattan, đồng nghĩa cả 2 chỉ cách nhau chừng 20 tòa nhà.

Sở cảnh sát New York đã tổ chức họp báo tuyên bố điều động hơn 5.000 sỹ quan làm nhiệm vụ trong ngày và đêm bầu cử, gấp đôi quân số tại bất cứ ngày bầu cử nào trước đó.

10. Vấn đề bỏ phiếu nào có thể thành luật?

Tại 7 bang, cử tri sẽ được yêu cầu bỏ phiếu về những sáng kiến chính sách cụ thể, và tại 1 số nơi các vấn đề có sự trùng hợp. 5 bang sẽ bỏ phiếu về việc hợp thức hóa cần sa, trong khi 4 bang cân nhắc về vấn đề kiểm soát súng, và 4 bang bỏ phiếu về việc tăng lương tối thiểu.

Chỉ có 1 bang là Colorado sẽ bỏ phiếu xem có cho phép trợ tử được hợp pháp hóa hay không.

Thu Giang

(Theo ABCNews)

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.