Chủ nhân mới 'chiếc ghế' khó ngồi nhất châu Âu

(Baonghean) - “Chiếc ghế” khó ngồi nhất trên vũ đài chính trị nước Anh hiện nay có lẽ là cương vị Đại sứ tại Liên minh châu Âu, trong bối cảnh người đứng đầu Chính phủ xứ sương mù đã cam kết kích hoạt đàm phán với Brussels vào cuối tháng 3 tới.

Khó khăn lại nhân lên gấp bội với Tim Barrow, người vừa được trao trọng trách này chỉ vài ngày trước.

Chân dung tân Đại sứ Anh tại EU Tim Barrow.
Chân dung tân Đại sứ Anh tại EU Tim Barrow.

Dạn dày và cứng rắn

Giới nghị sỹ Quốc hội Anh vừa có những ngày đi từ hết bất ngờ này đến ngạc nhiên khác. Dư luận chưa kịp lắng xuống những xôn xao bàn tán về lá đơn từ chức gây tranh cãi của cựu Đại sứ Anh tại EU Ivan Rogers, thì lại được dịp sôi lên trước quyết định chóng vánh của Thủ tướng Theresa May bổ nhiệm cái tên Tim Barrow vào vị trí bị bỏ ngỏ.

Trang tin IBT phán đoán động thái từ chức của ông Rogers chẳng chút nghi ngờ là một “đòn hiểm” đánh vào bà Theresa May, bởi thời gian từ nay đến lúc kích hoạt Điều 50 - cơ chế để chia tách Anh khỏi EU - và bắt đầu các cuộc đàm phán với Brussels chẳng còn lại bao nhiêu.

Nhưng nếu cho rằng, bà May sẽ “trở tay không kịp” thì lại là sự đánh giá thấp “bà đầm thép” đang lên của xứ mù sương, bằng chứng là nữ Thủ tướng phe Bảo thủ đã nhanh chóng bổ nhiệm một nhà ngoại giao chuyên nghiệp khác - ông Tim Barrow.

Lựa chọn một nhân vật từng giữ chức giám đốc chính trị trong cơ quan ngoại giao của London tại Brussels, đồng thời phát đi thông điệp không thể xem nhẹ của bà May gửi tới những tiếng nói chỉ trích trong và ngoài nước, rằng: “Vắng mợ thì chợ vẫn đông”, Rogers không phải là người không thể thay thế!

Và như để lý giải hợp tình, hợp lý cho lựa chọn của mình, trong tuyên bố được phát đi, số 10, phố Downing khẳng định: “Là một nhà đàm phán dày dạn và cứng rắn, với vô số kinh nghiệm trong việc bảo đảm các mục tiêu của Vương quốc Anh tại Brussels, ông Tim Barrow sẽ vận dụng năng lượng và sức sáng tạo đặc trưng của bản thân vào công việc - cùng với các quan chức cấp cao và các bộ trưởng khác để đem lại thành công cho Brexit”.

Nhà ngoại giao kỳ cựu 52 tuổi vừa được bổ nhiệm vào vị trí “nằm gai nếm mật” bậc nhất hiện nay trên chính trường Anh cũng nhận được sự hoan nghênh từ người phụ trách vấn đề Brexit của đảng đối lập Keir Starmer. Ông nói: “Việc không để tồn tại khoảng trống trong một vị trí quan trọng như vậy là điều hiển nhiên, và vị đại diện thường trực mới phải là người có lý lịch nổi bật trong ngành ngoại giao”.

Ông Barrow trên cương vị Đại sứ Anh tại Moskva năm 2011 trong cuộc gặp với ông Dmitry Medvedev tại Điện Kremlin. Ảnh AP.
Ông Barrow trên cương vị Đại sứ Anh tại Moskva năm 2011 trong cuộc gặp với ông Dmitry Medvedev tại Điện Kremlin. Ảnh AP.

Chuyên gia về nước Nga và EU

Nếu nhìn vào bề dày sự nghiệp của Barrow, kết hợp với bối cảnh nước Anh đương đại có lẽ sẽ phần nào hiểu được nguyên do ông trở thành lựa chọn hợp lý để đương đầu với những cơn sóng gió đang manh nha.

Theo đuổi công việc ngoại giao tròn 30 năm, từ lúc tốt nghiệp Đại học danh giá Oxford và bắt đầu làm việc ở Bộ Ngoại giao Anh năm 1986, ông đã kinh qua khá nhiều vị trí quan trọng, tích lũy không ít kinh nghiệm và gây dựng nhiều mối quan hệ tốt đẹp trong và ngoài nước Anh.

Trong giai đoạn 1990 - 1993, ông làm việc cho Đại sứ quán Anh tại Moskva, tận mắt chứng kiến sự tan rã của nhà nước Liên Xô và sự nổi lên của Boris Yeltsin - vị Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga. 

Từng giữ cương vị Đại sứ Anh tại Nga, Đại sứ Anh tại Ukraine và 2 nhiệm kỳ làm việc trong cơ quan đại diện của Anh tại EU, có lẽ ít chính khách nào tại London lại có sự am hiểu tường tận về Moskva và Brussels như ông.

Ông cũng đã được phong tước năm 2015, khen thưởng vì đã đi đầu trong việc “giải quyết mối quan hệ phức tạp và quan trọng giữa Vương quốc Anh với Nga trong giai đoạn chưa từng có tiền lệ”. “Không màng mệt mỏi, thúc đẩy lợi ích của nước Anh, bao gồm vấn đề nhân quyền, củng cố các quan hệ văn hóa và giáo dục giữa 2 nước, và hỗ trợ các lợi ích khoa học, thương mại và kinh tế của Anh tại Nga” là những mỹ từ Tim Barrow vinh dự được đón nhận. 

Giới phân tích cho rằng, đặt trong tình thế hiện nay, nhất là sau những căng thẳng trong quan hệ Nga - Ukraine, cáo buộc Nga can thiệp vào hệ thống thư điện tử của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ Mỹ trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm ngoái, nước Anh cần một nhà ngoại giao thấu hiểu Điện Kremlin tận “chân tơ kẽ tóc” như ông Tim Barrow.

Bên cạnh đó, sự hiểu biết sâu sắc về châu Âu cũng giúp Barrow giành được lợi thế trong tạo dựng quan hệ với các quốc gia Visegrad - 4 nước Trung Âu vốn được xem là đồng minh của Anh trong các đàm phán Brexit. 

Nhận xét về tân Đại sứ Anh tại EU, ông Douglas Alexander - cựu Bộ trưởng Lao động từng có thời gian làm việc chung với ông Barrow khi đàm phán Hiệp ước Lisbon hồi năm 2005 nói: “Ông ấy không chỉ là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp giàu kỹ năng, mà còn là một người thực sự có khả năng lắng nghe, thấu hiểu và truyền đạt chính xác điều mà các quốc gia châu Âu khác muốn bày tỏ. Xét cho cùng, đó là điều mà các bộ trưởng tại London mong muốn. Ông đích thị là người đủ khả năng giao hảo với giới chính khách mà không cần dùng đến mánh khóe chính trị”.

Còn với Ngoại trưởng đương nhiệm của Anh Boris Johnson, có vẻ ông không tiếc lời có cánh dành tặng đồng nghiệp khi nhận định: “Ông ấy là người sẽ giành được thỏa thuận tốt nhất cho Vương quốc Anh và dẫn dắt phái đoàn Anh tại EU bằng chính kỹ năng và thuật lãnh đạo ông đã thể hiện trong suốt sự nghiệp của mình”.

Mốc thời gian quan trọng của Brexit:

Tháng 1/2017: Tòa Tối cao Anh ra phán quyết quyết định bà May có hay không quyền kích hoạt Điều 50 bằng đặc quyền của Hoàng gia thay vì Đạo luật của Quốc hội.

31/3/2017: Hạn chót để bà May kích hoạt Điều 50 bằng việc thông báo cho Hội đồng châu Âu về ý định rời EU của Anh.

30/9/2018: Hạn chót trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier muốn chốt điều khoản để Anh rời EU. 

31/3/2019: Hạn chót bà May muốn hoàn tất đàm phán Brexit.

5/2019: Anh có thể chính thức rời EU, sau khi toàn bộ các thành viên còn lại của khối phê chuẩn Brexit.

Thu Giang

tin mới

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

Gói viện trợ cứu Kiev khỏi ‘nắng hạn’, hay phương Tây sa lầy vào khủng hoảng ở Ukraine?

(Baonghean.vn) - Hôm nay dự luật viện trợ cho Ukraine được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ, trước khi tổng thống ký thành luật. Liệu gói này có giúp Ukraine thay đổi tình thế hay không, khi nó đến Kiev “chậm trễ”?. Còn với Nga, việc này chỉ làm giàu cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ.

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.