Nước Mỹ: Sự thay đổi vẫn đang phía trước

(Baonghean) - 8 năm, 2 nhiệm kỳ lãnh đạo nước Mỹ, những thành tựu lịch sử và những lời hứa vẫn còn dang dở đã được Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama gói gọn trong bài diễn văn từ biệt tại thành phố Chicago.

Cảm xúc vẫn vẹn nguyên như khi ông tuyên bố nhậm chức lần đầu vào một buổi sáng tháng 1/2009 nhưng âm hưởng tiếc nuối phảng phất đâu đó khi mà tương lai với nước Mỹ sẽ rất khác. 

Con người của lịch sử 

Tại nơi ông từng có bài diễn văn tuyên bố chiến thắng trong lần tranh cử Tổng thống thứ hai vào năm 2012, Tổng thống Barack Obama lại đứng trước công chúng Mỹ nhưng với một tâm thế khác.

Bài diễn văn kéo dài gần một giờ của ông cũng mang tới một thông điệp khác. Đó không chỉ là phần điểm lại những gì mà vị Tổng thống thứ 44 của nước Mỹ đã làm được suốt 8 năm qua mà còn gửi gắm thông điệp rằng, nước Mỹ vẫn cần phải đoàn kết, bất chấp những mâu thuẫn không thể hàn gắn phơi bày suốt mùa bầu cử năm 2016. 

Chính sách cải cách bảo hiểm y tế (Obamacare) là dấu ấn đối nội lớn nhất nhưng cũng chịu nhiều chỉ trích nhất của ông Obama.Ảnh: VOAnews
Chính sách cải cách bảo hiểm y tế (Obamacare) là dấu ấn đối nội lớn nhất nhưng cũng chịu nhiều chỉ trích nhất của ông Obama. Ảnh: VOAnews

Một điều khá chắc chắn khi nước Mỹ đã có nhiều bước tiến tích cực dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Obama, nhiều vấn đề đối nội và đối ngoại đều xác lập được cột mốc mới. Nó đúng với khẩu hiệu đã giúp ông giành chiến thắng “Thay đổi là điều chúng ta cần”.

Nước Mỹ sau 8 năm đã thoát khỏi suy thoái, kinh tế phát triển ổn định với tốc độ 2%/năm. Thị trường bất động sản bắt đầu phục hồi, thâm hụt ngân sách liên bang được cải thiện. Các ngành công nghiệp chủ chốt như chế tạo ô tô được phục hồi và nước Mỹ đang trải qua giai đoạn tăng trưởng việc làm dài nhất trong lịch sử.

Tâm huyết của ông 8 năm qua được dành cho nhiệm vụ thay đổi chính sách an sinh xã hội đã thành hình với chương trình chăm sóc sức khỏe giá rẻ (Obamacare). Hơn 20 triệu người dân Mỹ được cấp bảo hiểm y tế.

Nhưng cũng vì nó mà nước Mỹ và nền chính trị “xứ cờ hoa” đã bị chia rẽ hơn bao giờ hết. Đây là lý do để Đảng Cộng hòa nhắm vào phê phán ông và chỉ trích những thành tựu mà chính quyền Obama tạo ra trong 8 năm qua.

Phân biệt chủng tộc và kỳ thị người nhập cư gia tăng cũng là một điểm đen trong xã hội Mỹ suốt 2 nhiệm kỳ qua. Nó làm dấy lên những câu hỏi về chính sách nhập cư và liệu nước Mỹ sẽ quay lưng lại với nền tảng của chính mình hay không.

Nhưng chừng đó sự chỉ trích vẫn không thể che lấp được những dấu ấn đối ngoại được coi là lịch sử mà Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama tạo ra. Thỏa thuận hạt nhân với Iran hay việc bình thường hóa quan hệ với Cuba chắc chắn là di sản lớn nhất mà nước Mỹ sẽ cần phải cảm ơn ông Obama. Sự can dự và hiểu biết nhiều hơn tại châu Á - Thái Bình Dương của nước Mỹ cũng đã được khẳng định. Và chắc chắn đó là lựa chọn đúng bởi nước Mỹ đang và sẽ có nhiều lợi ích nằm tại khu vực này. 

Nước Mỹ sẽ còn thay đổi

Khó có từ ngữ nào diễn tả đúng bối cảnh chính trị Mỹ vào lúc này. Một chính quyền sắp mãn nhiệm đang chạy đua để bảo vệ và thông qua nhanh nhất các chính sách trước ngày bàn giao công việc. Họ cũng không chắc sẽ còn giữ được bao nhiêu chính sách mới sau ngày 20/1 tới.

Còn phía bên kia, chính quyền sắp nhậm chức nhăm nhe xóa bỏ rất nhiều chính sách từng được ban hành cho phù hợp với mục tiêu của mình. Hình ảnh nước Mỹ bị chia rẽ sâu sắc được mô tả chính xác vào lúc này.

Nước Mỹ được dự báo sẽ vẫn bị “chia đôi” dưới nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump. 	Ảnh: CNN.
Nước Mỹ được dự báo sẽ vẫn bị “chia đôi” dưới nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump. Ảnh: CNN.

8 năm cầm quyền của Tổng thống Obama là 8 năm nền chính trị Mỹ phơi bày những mâu thuẫn “không thể giải quyết” giữa hai chính đảng Dân chủ và Cộng hòa vốn kiểm soát nền chính trị Mỹ. Tình cảnh Tổng thống “Vịt què” khi ông Obama phải đối đầu với phe Cộng hòa chiếm đa số tại hai viện Quốc hội tạo ra tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”.

Trong khi chính quyền Dân chủ của Tổng thống Obama ưu tiên các chính sách có lợi cho tầng lớp trung lưu và người nghèo, thì phe Cộng hòa thiên về bảo vệ các tập đoàn và giới tài phiệt Mỹ. Thế đối đầu làm nhiều dự luật bị ách tắc tại Quốc hội, được thông qua với tỷ lệ sát sao hoặc thậm chí buộc ông Obama phải dùng tới quyền phủ quyết của Tổng thống.

Chính sách kiểm soát súng đạn hay các dự thảo ngân sách bị trì hoãn dẫn tới tình trạng Chính phủ tạm ngừng hoạt động không dưới một lần trong 2 nhiệm kỳ vừa qua là điển hình của điều đó. Trong khi đó, tình trạng phân biệt sắc tộc có chiều hướng gia tăng, đặc biệt trong các cơ quan bảo vệ pháp luật, gây bức xúc trong dư luận, nhất là cộng đồng da màu và thiểu số. 

Mâu thuẫn giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ cũng tác động trực tiếp đến việc triển khai một chính sách hiệu quả nhằm ngăn chặn tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq. Và nếu có lời chỉ trích nào nhằm vào di sản của Tổng thống Obama, phe Cộng hòa cũng có trách nhiệm trong đó. 

Nước Mỹ cũng đang đứng trước sự bất định lớn trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Những chính sách được coi là “khó đoán định” của một người có ít kinh nghiệm chính trị như tỷ phú Trump khiến người ta bi quan. Sự chia rẽ và hận thù nội bộ có thể khiến các chính sách trở nên bất khả thi.

Nước Mỹ sẽ bảo thủ hơn, thực dụng hơn và quay lưng với các giá trị từng tạo nên nền dân chủ Mỹ như các tuyên bố tranh cử. Hoặc có thể người Mỹ sẽ vẫn phải chấp nhận quy luật hội nhập của thế giới. Các đồng minh và đối tác của Mỹ giờ đây cũng đã nhìn nhận lại về vai trò Washington trong lợi ích của mình. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra. Điều đó sẽ thử thách nước Mỹ lần nữa. Và thay đổi vẫn đang ở phía trước, chờ đợi Tổng thống đắc cử Donald Trump hiện thực hóa khẩu hiệu của mình: “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Thanh Sơn

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.