'Sân khấu' sau chót của Tổng thống Pháp tại lục địa đen

(Baonghean) - Tổng thống Pháp François Hollande đã kiên quyết ấn định địa điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh châu Phi - Pháp lần thứ 27 vào cuối tuần này tại Bamako, thủ đô của Mali.

Dường như đây là cú mạo hiểm đáng gờm của ông trong chuyến đi cuối tới lục địa đen trên cương vị chủ nhân Điện Élysée. 

Tổng thống Pháp François Hollande thăm quân đội tại Cộng hòa Trung Phi hồi tháng 2/2014. Ảnh: Reuters.
Tổng thống Pháp François Hollande thăm quân đội tại Cộng hòa Trung Phi hồi tháng 2/2014. Ảnh: Reuters.

Lựa chọn có ý đồ

So với 4 năm trước, thời điểm cuộc nổi dậy của các phần tử thánh chiến/ly khai nổ ra ở miền Bắc, giờ đây ai cũng phải thừa nhận Mali đã yên bình và an ổn hơn nhiều. Dù vậy, vẫn chưa thể chủ quan mà đánh giá đây là điểm đến hoàn toàn an ninh.

Khi địa danh này được chọn là nơi tụ hội của khoảng 60 đoàn quan chức, bao gồm 20 nguyên thủ quốc gia và các doanh nhân hàng đầu, không ít người rùng mình nghĩ đến những hiểm nguy bởi chẳng đâu xa, chỉ 1 năm về trước, 20 nạn nhân đã bỏ mạng khi những kẻ thánh chiến tấn công khách sạn Radisson Blu nổi tiếng.

Theo giới truyền thông, Liên đoàn doanh nghiệp Pháp Medef đã tỏ ra chẳng mấy mặn mà với việc lựa chọn Bamako làm nơi diễn ra hội nghị năm nay. Thậm chí, Medef đã tích cực vận động hành lang hòng mong dời hội nghị thượng đỉnh tới Abidjan - trung tâm thương mại của láng giềng Bờ Biển Ngà, vốn được đánh giá là an toàn và hưng thịnh hơn.

Tuy nhiên, với ông Hollande, tổ chức hội nghị thượng đỉnh tại Bamako có tầm quan trọng đặc biệt, là phông nền để nâng đỡ cho di sản của ông. Ở quê nhà Pháp, các cuộc thăm dò dư luận đã cho kết quả không mấy lạc quan, tỷ lệ ủng hộ dành cho vị chính khách này giảm sút đáng kể, và tháng trước ông đã buộc phải tuyên bố sẽ không tranh cử nhiệm kỳ kế tiếp trong cuộc bầu cử tháng 4 tới.

Bởi vậy, Hội nghị Bamako không chỉ là “màn biểu diễn” cuối cùng của ông tại châu Phi, mà còn là cơ hội tuyệt vời để phô bày thành công chính sách đối ngoại lớn nhất của Hollande - tức Chiến dịch Serval (Mèo rừng châu Phi).

Tháng 1/2013, Hollande đã lệnh cho quân đội Pháp can thiệp, chặn đứng và cuối cùng là đẩy lùi làn sóng nổi loạn của phe thánh chiến/ly khai từ phía Bắc Mali. Sự lựa chọn địa điểm cũng chính là thông điệp được chuyển tải. Abdoullah Coulibaly, người đứng đầu ban tổ chức hội nghị nói với Tạp chí Jeune Afrique rằng, chỉ có tổ chức cuộc gặp các nhà lãnh đạo tại Mali mới nói lên được nơi này đã trở lại bình thường như xưa.

François Hollande tại lễ nhậm chức của Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita tại Bamako hồi tháng 9/2013. Ảnh: Reuters.
François Hollande tại lễ nhậm chức của Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita tại Bamako hồi tháng 9/2013. Ảnh: Reuters.

Di sản không tì vết?

Trước tiên, hội nghị thượng đỉnh sẽ là dịp để nhìn lại hồ sơ chính sách châu Phi của nước Pháp dưới thời Hollande - vốn được đánh giá khá tích cực. Hollande đã có những bước đi để thoát khỏi chính sách “Francafrique” thời hậu thuộc địa khét tiếng của Paris hòng can dự vì lợi ích riêng thông qua quân sự hoặc những khía cạnh khác tại lục địa đen.

Người tiền nhiệm phe trung hữu Nicolas Sarkozy của ông Hollande đã phát động các cuộc tấn công quân sự tại cả Lybia lẫn Bờ Biển Ngà mà không bị cộng đồng quốc tế trừng phạt. Tuy nhiên, Hollande lại tỏ ra cẩn trọng giữ lấy sự tán thành và ủng hộ của cả Liên Hợp quốc và Liên minh châu Phi (AU) đối với các hành vi can thiệp quân sự của Pháp tại Mali và sau đó tại Cộng hòa Trung Phi.

Ở Mali, động thái can thiệp quân sự đã phá vỡ thế kiểm soát của phe thánh chiến ở phương Bắc và đưa phe nổi dậy đòi ly khai ngồi vào bàn đàm phán với Chính phủ. Các cuộc bầu cử đã được tổ chức êm đẹp, dù vậy tình trạng bất ổn vẫn diễn ra, và các lực lượng an ninh của Mali với sự giúp đỡ của Pháp đã phải phát động một chiến dịch lớn để nỗ lực bảo đảm an ninh cho hội nghị lần này.

Tại Cộng hòa Trung Phi, chiến dịch quân sự Sangaris của Pháp cũng giúp giảm bớt bất ổn, song hòa bình có kéo dài được hay không vẫn còn rất mơ hồ. 

Hollande đã giữ đúng những lời hứa của mình tại Hội nghị thượng đỉnh châu Phi - Pháp diễn ra ở Paris năm 2013. Pháp đã hỗ trợ phát triển từ năm 2014 đến năm 2016 với tổng giá trị 11,5 tỷ euro, và có kế hoạch chi thêm hơn 4 tỷ euro mỗi năm trong 2 năm tới để hoàn thành khoản 20 tỷ euro như cam kết tại hội nghị Paris.

Từ năm 2020, con số 4 tỷ euro nói trên sẽ được tăng lên thành hơn 6 tỷ euro mỗi năm - và một nửa trong số này sẽ dành cho việc giảm thiểu sự nóng lên toàn cầu.

Tuy nhiên, vẫn không thể nói rằng di sản châu Phi của ông Hollande “đẹp không tì vết”. Các nhà phân tích nhìn thấy sự tồn tại của các thành tố chính sách châu Phi cũ trong lối cư xử đặc biệt của Hollande dành cho các đồng minh nhất định, chẳng hạn như Macky Sall của Senegal và Idriss Déby của Chad.

Stephanie Wolters, người đứng đầu Chương trình Nghiên cứu Hòa bình và An ninh tại Viện Nghiên cứu An ninh (ISS) khẳng định, ông Déby đã nhận được sự ủng hộ về mặt quân sự và chính trị từ nước Pháp, bất kể những hành động của ông này ở trong nước và khu vực - tức bao gồm cả sự can thiệp vào Trung Phi hồi năm 2013 từng được ví như “thảm họa”.

Theo bà Wolters, nếu nhìn rộng hơn, có thể lý giải đó là vì ông này đã cho phép người Pháp đặt một căn cứ quân sự lớn ở Chad và là người chống lại các phong trào cực đoan. Chad cũng tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình trong khu vực, đáng chú ý là tại Mali.

Hồi tháng 8/2014, Chiến dịch Serval đã chuyển thành Chiến dịch Barkhane, nhận sứ mệnh lớn hơn là chống chủ nghĩa khủng bố ở khu vực Sahel, liên minh với quân đội các nước Chad, Burkina Faso, Mali, Mauritania và Niger.

Giới phê bình lưu ý rằng, Barkhane không nhận được sự ủng hộ công khai của Liên Hợp quốc hay AU, và có người ngờ rằng một trong những mục đích chính của nó là thúc đẩy nền công nghiệp quốc phòng của Pháp thông qua việc giao “viện trợ” quân sự cho các quốc gia tham gia. Xét cho cùng, hiện nay, bất ổn vẫn tồn tại khắp nơi ở Sahel và Chiến dịch Barkhane có vẻ đã cung ứng được phần nào sự điều phối và động lực còn thiếu trong các quân đội của khu vực để đẩy lùi tình trạng đáng lo ngại trên.

Lường trước những bất đồng

Hội nghị thượng đỉnh tới đây sẽ không phải chỉ toàn những lời khen ngợi, tán dương. Cho dù không tính đến Barkhane, có khả năng vẫn sẽ có không ít bất đồng do bất ổn tiếp diễn ở Trung Phi, Lybia và Sahel. Với tình hình ở Lybia và Sahel, rồi nhiều chính phủ của châu Phi sẽ đổ lỗi cho cuộc tấn công quân sự do NATO đứng đầu, Pháp ủng hộ hòng lật đổ Muammar Gaddafi.

Tranh luận kịch liệt và mâu thuẫn cũng khó tránh khi đề cập đến cách giải quyết làn sóng người di cư từ châu Phi và những nơi khác đang từ bờ biển châu Phi đổ về châu Âu. Đó là điều đang đẩy nhanh sự phát triển của các đảng phái chính trị cực hữu, phản đối người di cư và theo chủ nghĩa dân tộc trên khắp châu Âu, cũng như “góp phần” tạo ra bầu không khí chính trị khiến Hollande tự nhận thấy rằng ông chẳng còn cơ hội trong cuộc bầu cử năm nay.

Về mặt khách quan, cá nhân Hollande vẫn sẽ nắm chắc khả năng bình an vô sự tránh khỏi chỉ trích tại hội nghị, khi ông nêu bật được những động thái can thiệp quân sự khá thành công của mình cũng như việc tăng thêm viện trợ.

Tuy nhiên, trên mặt trận kinh tế, giới doanh nhân Pháp lại không đánh giá cao hội nghị lần này. Một quan chức cấp cao của Medef nói với nhật báo Pháp Le Monde rằng các thành viên của Liên đoàn nghiêng về việc chọn địa điểm tổ chức là Bờ Biển Ngà hơn, phàn nàn “chọn Bamako chẳng qua là quyết định chính trị chứ không phải vì kinh tế”.

Tựu trung, hội nghị thượng đỉnh không chỉ là cơ hội để nhìn lại quan hệ Pháp - châu Phi kể từ sau hội nghị trước, mà còn là lúc vạch ra đường hướng cho thời gian tới. Tuy nhiên, khi Hollande đang dần lùi về hậu trường, phản ứng bảo thủ mạnh mẽ nổi lên, sẽ chẳng nói trước được nhiều điều. Chỉ có thể thấy rằng, dù ai nắm giữ chiếc ghế chủ nhân Điện Élysée, thì có vẻ như sự kế thừa, tiếp nối chính sách châu Phi của nước Pháp vẫn hiển hiện khá rõ.

Thu Giang

(Theo ISS)

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.