Sự thật về hành trình tiến gần Triều Tiên của cụm tàu sân bay Mỹ

Trong lúc Trump đe dọa sử dụng vũ lực chống lại Triều Tiên, cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ lại đang di chuyển theo hướng ngược lại.

su-that-ve-hanh-trinh-tien-gan-trieu-tien-cua-cum-tau-san-bay-my

Tàu sân bay USS Carl Vinson di chuyển qua Indonesia hôm 15/4. Ảnh: US Navy

Cách đây một tuần, khi tình báo Mỹ cho biết có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đã sẵn sàng cho cuộc thử hạt nhân lần thứ 6, Nhà Trắng tuyên bố một cụm tàu sân bay chiến đấu của nước này đã được lệnh chuyển hướng tới biển Nhật Bản thay vì đến Australia như kế hoạch.

Các quan chức Nhà Trắng cho rằng việc ra lệnh cho cụm tàu sân bay chiến đấu USS Carl Vinson tới gần Triều Tiên sẽ phát đi thông điệp răn đe rất mạnh đến Bình Nhưỡng, giúp Tổng thống Donald Trump có thêm lựa chọn trong việc đối phó với hành vi khiêu khích của Triều Tiên. "Chúng tôi đang điều một hạm đội rất mạnh", ông Trump tuyên bố với Fox News vào chiều 11/4.

Vấn đề là trong thời điểm đó, tàu sân bay USS Carl Vinson cùng biên đội ba tàu hộ tống đang di chuyển theo hướng ngược lại để tham gia vào một đợt diễn tập chung với hải quân Australia trên Ấn Độ Dương, cách bán đảo Triều Tiên hơn 5.600 km về phía tây nam, theo NYTimes.

Nhưng lúc này, hàng loạt tờ báo trên khắp toàn cầu đều dẫn lại lời ông Trump và người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer về một cụm tàu sân bay chiến đấu đang "áp sát" Triều Tiên. Những bản tin dồn dập khiến dư luận có cảm giác lực lượng chiến hạm hùng hậu này đang ở ngay cửa ngõ Triều Tiên, làm dấy lên nỗi lo sợ rằng ông Trump đang tính tới phương án đánh đòn phủ đầu nhắm vào lãnh đạo Bình Nhưỡng và các cơ sở hạt nhân của nước này.

Cụm tàu sân bay chiến đấu này cũng được coi như một bằng chứng cho thấy phong cách giải quyết vấn đề thiên về vũ lực của ông Trump, bởi ông vừa ra lệnh không kích Syria bằng tên lửa hành trình chỉ vài ngày trước đó. Cả thế giới dường như nín thở chờ đợi nguy cơ nổ ra xung đột vũ trang ở Đông Á, khi Mỹ dường như đang dồn lực lượng hình thành thế trận bao vây Triều Tiên. Mọi người chỉ thở phào khi Bình Nhưỡng quyết định không tiến hành thử hạt nhân vào "Ngày Mặt trời" 15/4.

Tuy nhiên, đến ngày 17/4, hải quân Mỹ bất ngờ đăng tải trên website của mình hình ảnh tàu Carl Vinson đang di chuyển qua eo biển Sunda, nằm giữa đảo Java và Sumatra của Indonesia, cách Triều Tiên hàng nghìn km. Bức ảnh này được chụp hôm 15/4, chỉ 4 hôm sau khi thư ký báo chí Nhà Trắng Spicer mô tả nhiệm vụ "răn đe Triều Tiên" của cụm tàu sân bay chiến đấu trên biển Nhật Bản.

Trang Defense News phát hiện bức ảnh này và đăng tải thông tin, khiến dư luận sửng sốt khi phát hiện ra rằng cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ vẫn còn cách quá xa so với địa điểm mà nó có thể thực sự đe dọa được Triều Tiên. Thông tin này cũng cho thấy tuyên bố mà Nhà Trắng đưa ra thực sự rất khác so với những gì diễn ra trên thực tế.

su-that-ve-hanh-trinh-tien-gan-trieu-tien-cua-cum-tau-san-bay-my-1

Tàu Carl Vinson di chuyển qua Indonesia hôm 15/4, ngày Triều Tiên tổ chức lễ duyệt binh quy mô lớn. Đồ họa: NYTimes

Trước yêu cầu xác minh thông tin của báo chí, các quan chức Nhà Trắng hôm qua giải thích rằng họ chỉ dựa vào những báo cáo được Bộ Quốc phòng cung cấp. Họ cũng tìm cách biện minh cho sự khác biệt giữa tuyên bố của mình với hoạt động thực sự của tàu Carl Vinson, cho rằng đây là hậu quả của một chuỗi sai sót của phía quân đội, yêu cầu các phóng viên tìm gặp đại diện Lầu Năm Góc.

Nhà Trắng cho rằng chính Lầu Năm Góc mới là bên mắc nhiều sai sót trong sự cố này, từ việc thông báo không đúng thời điểm về hoạt động triển khai tàu sân bay của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, cho đến lời giải thích thiếu sót của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Tất cả những sai sót đó tạo nên câu chuyện không có thực rằng một hạm đội đang mở hết tốc lực hướng về vùng biển ngoài khơi Triều Tiên.

Mọi việc bắt đầu vào ngày 9/4, khi Hạm đội 3 thuộc Hải quân Mỹ ra thông cáo báo chí, cho biết Đô đốc Harry Harris, tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương, đã ra lệnh cho tàu sân bay Carl Vinson và biên đội hộ tống gồm hai khu trục hạm và một tuần dương hạm rời Singapore để lên đường tới Tây Thái Bình Dương. Theo thông lệ, Hải quân Mỹ không nêu rõ đích đến hay nhiệm vụ chính xác của đội tàu sân bay chiến đấu để đảm bảo tính bí mật quân sự.

Thông cáo báo chí này được đưa ra đúng thời điểm ông Trump vừa kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại khu nghỉ dưỡng ở Florida, với một thông điệp quan trọng là Mỹ đã hết kiên nhẫn với Triều Tiên và nếu Bắc Kinh không có hành động can thiệp để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, Washington sẽ tự mình "xử lý".

Bỗng nhiên động thái di chuyển của cụm tàu sân bay Carl Vinson trở thành minh chứng cho những tuyên bố của Trump. Ngay trong ngày hôm đó, tướng H.R. McMaster, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, tuyên bố rằng việc triển khai tàu sân bay này là một động thái "khôn ngoan", nhằm giúp tổng thống "có thêm nhiều lựa chọn" để loại bỏ mối đe dọa từ Triều Tiên.

Cụm tàu sân bay chiến đấu USS Carl Vinson di chuyển trên biển

Tuy nhiên, hải quân Mỹ đã không nói rõ rằng tàu Carl Vinson còn phải thực hiện một nhiệm vụ trước khi tiến lên phía bắc: một cuộc diễn tập chung đã được lên kế hoạch từ lâu với hải quân Australia trên vùng biển Ấn Độ Dương. Nhà Trắng dường như cũng không nắm rõ kế hoạch này, khiến nhiều người lầm tưởng rằng Carl Vinson đang "mở hết tốc lực" hướng thẳng tới Triều Tiên.

Trao đổi với NYTimes, nhiều quan chức Nhà Trắng đã thể hiện thái độ tức giận khi Lầu Năm Góc không kịp thời cải chính thông tin về lịch trình hoạt động của tàu Carl Vinson, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng đang gia tăng trong khu vực, cũng như việc các quan chức hàng đầu của chính quyền Trump đã đưa ra tuyên bố chính thức về hành trình của nó.

Tàu Carl Vinson cuối cùng cũng đang trên đường đến bán đảo Triều Tiên, dự kiến đến tuần sau mới tới đích. "Những lời lẽ đe dọa Triều Tiên được Trump và các quan chức Mỹ tung ra dựa trên thông tin thiếu chính xác không chỉ kém hiệu quả, mà còn gây hại tới Mỹ. Nhà Trắng cần phải giảm bớt giọng điệu của mình và tăng cường công tác kiểm chứng thông tin", một độc giả bình luận trên NYTimes, nhận được nhiều ý kiến hưởng ứng nhất.

su-that-ve-hanh-trinh-tien-gan-trieu-tien-cua-cum-tau-san-bay-my-2

Những đòn lên gân giữa Mỹ và Triều Tiên. Bấm vào để xem chi tiết. Đồ họa: Việt Chung

Theo VNE

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.