Cuộc gặp có thể định hình thế giới Trump - Putin

Cuộc gặp Trump - Putin sắp tới có ý nghĩa quan trọng bởi nó sẽ phần nào cho thấy mục tiêu chiến lược mà hai nhà lãnh đạo theo đuổi.

cuoc-gap-co-the-dinh-hinh-the-gioi-trump-putin

Ông Trump phải đối diện áp lực nêu vấn đề Nga can thiệp bầu cử Mỹ tại cuộc gặp với ông Putin sắp diễn ra. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin tuần này sẽ gặp nhau bên lề hội nghị các nền kinh tế lớn G20 ở thành phố Hamburg, Đức, trong hai ngày 7, 8/7. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Mỹ kể từ khi ông Trump nhậm chức và là cuộc gặp "có thể định hình thế giới", theo CNN.

Đối với Trump, người đang gặp rắc rối với cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử Mỹ và cáo buộc Moskva thông đồng với ban tranh cử của ông, Nga là chủ đề cực kỳ nhạy cảm. Việc Trump ngồi lại với Putin, cho dù chỉ cần bắt tay, cũng đủ sức tạo nên "bãi mìn" trong quan hệ công chúng, như lời cây bút Jill Dougherty từ CNN nhận xét.

Cả hai nhà lãnh đạo đều nổi tiếng với việc sử dụng quyền uy để lấn át đối phương khi xuất hiện trước công chúng, hướng đến mục tiêu xây dựng hình ảnh mạnh mẽ, đồng thời nhận thức rõ tầm quan trọng của ngôn ngữ cơ thể nhằm truyền tải thông điệp chính trị.

Chuyên gia nhận định ông Trump chắc chắn phải chịu áp lực nêu vấn đề liên quan đến cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016 trong cuộc gặp sắp tới với ông Putin, dù Moskva một mực phủ nhận. Tổng thống Mỹ cần tránh mọi tương tác cho thấy ông bằng cách nào đó bị ảnh hưởng bởi người đồng cấp Nga.

Nếu không kể tới những lùm xùm quanh nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ, cuộc gặp Trump - Putin vẫn gây chú ý bởi nó là chìa khóa cho tương lai châu Âu và Trung Đông, giới phân tích đánh giá. Câu hỏi về những lệnh trừng phạt Washington áp đặt lên Moskva, vận mệnh Syria sau khi Nhà nước Hồi giáo (IS) bị tiêu diệt, làm cách nào để ngăn những lực lượng Nga - Mỹ đụng độ ở Syria hay cam kết của Mỹ đối với các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhiều khả năng sẽ được đưa ra thảo luận.

Ý nghĩa chiến lược

Tổng thống Mỹ Trump dường như là người có nhiều bất lợi hơn ở cuộc gặp. Tại quê nhà, ông đang đối diện hàng loạt khó khăn trong việc điều hành, liên tục bị phản đối trước các đề xuất chính sách.

Tổng thống Nga Putin trái lại đã tạo dựng vị thế vững vàng trên trường quốc tế, từng bước tái khẳng định ảnh hưởng của Nga tại châu Âu và Trung Đông, đồng thời khai thác triệt để những rạn nứt trong mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Theo cây bút Stephen Collinson từ CNN, bất kỳ cuộc chạm mặt nào giữa Trump và Putin cũng đều thu hút quan tâm song lần này, nó gây tò mò hơn cả bởi mục tiêu chiến lược quan trọng của cuộc gặp khi diễn ra đúng vào lúc mối quan hệ Nga - Mỹ đang rơi vào tình trạng nguy hiểm nhất kể từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Cả hai nhà lãnh đạo cùng có trọng trách ngăn chặn một "quỹ đạo đáng báo động" trong mối quan hệ song phương khi đôi bên đang ngày càng xa rời nhau trên hàng loạt mặt trận, hậu thuẫn hai phe đối lập trên chiến trường Syria, bất đồng về sự mở rộng của NATO, đồng thời thường xuyên có những cuộc điều động quân đội, tàu thuyền, máy bay nguy hiểm ở châu Âu và Baltic, dễ dẫn tới những tính toán sai lầm khiến căng thẳng leo thang.

"Động lực trong mối quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới hiện không mấy khả quan và đã đến lúc kêu gọi ngừng ngay những gì có thể gây leo thang hoặc suy thoái", ông Matthew Rojansky, giám đốc Viện Kennan tại Trung tâm Woodrow Wilson, nhận xét.

Nhạy cảm

cuoc-gap-co-the-dinh-hinh-the-gioi-trump-putin-1

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Reuters

Đối với rất nhiều nhà quan sát Mỹ, câu hỏi lớn đặt ra lúc này là liệu ông Trump có dùng cuộc gặp để nêu mối hoài nghi về việc Nga can thiệp bầu cử Mỹ hay không.

Nếu không thể làm được điều này, Tổng thống Mỹ sẽ phải hứng chỉ trích từ những người phản đối ông ở trong nước vì không thể hoàn thành trách nhiệm bảo vệ sự toàn vẹn của nền dân chủ Mỹ, theo CNN.

Nhưng hồi tuần trước, cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster và cố vấn kinh tế hàng đầu cho ông Trump Gary Cohn đã làm rõ rằng "không có chương trình nghị sự cụ thể nào. Tổng thống sẽ làm điều ông ấy muốn".

Việc Nhà Trắng từ chối cung cấp thông tin chi tiết về cuộc gặp cũng phản ánh mức độ nhạy cảm chính trị của nó.

"Chúng ta không biết đây là một cuộc gặp dài hay ngắn. Những chi tiết kiểu như vậy không được nêu ra bởi chúng có thể cho biết họ sẽ thảo luận những gì và thảo luận như thế nào", ông Thomas Bosser, cố vấn an ninh nội địa Nhà Trắng, hôm 2/7 nói trong cuộc phỏng vấn với kênh ABC.

Thậm chí bây giờ người ta còn chưa rõ liệu ông Trump và ông Putin có cùng xuất hiện trước ống kính máy quay hay không.

Cam kết của Mỹ với NATO

Ông Trump đã làm phật lòng các nhà lãnh đạo châu Âu khi không tái khẳng định Điều 5, nguyên tắc phòng vệ chung của NATO, trong bài phát biểu ở Brussels, Bỉ, hồi tháng 5. Dù ông sau đó sửa sai tại một cuộc họp báo ở Nhà Trắng, những mối hoài nghi vẫn không thể biến mất hoàn toàn.

Nhưng theo giới phân tích, nếu đưa được ra một tuyên bố ủng hộ NATO mạnh mẽ tại cuộc gặp với người đồng cấp Nga, ông Trump có thể truyền đi thông điệp rõ ràng rằng nước Mỹ của Trump không hề chịu ảnh hưởng từ Nga và Mỹ sẵn sàng cùng NATO đấu tranh vì mục tiêu chung, qua đó trấn an các đồng minh.

"Đấy là lý do vì sao cuộc thảo luận về NATO vô cùng quan trọng", cựu trợ lý Bộ Ngoại giao Mỹ Jamie Rubin, nhận xét.

Theo VNE

tin mới

Tổng thống Zelensky cho rằng Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga

Ukraine có thể bắt đầu đàm phán với Nga?

(Baonghean.vn) -Theo RIA Novosti, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 22/4 cho biết: "Chúng tôi sẽ chuẩn bị một tài liệu để giải quyết mọi vấn đề trong tầm nhìn của chúng tôi. Và chúng tôi sẽ tìm thời điểm thích hợp để chuyển nó cho đối phương và cùng thảo luận ở Thuỵ Sỹ".

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.