Nỗ lực 'quyến rũ' Trump của các lãnh đạo thế giới

Một số lãnh đạo thế giới thực hiện chính sách "tấn công quyến rũ", bỏ ra nhiều nỗ lực để lấy lòng Trump.

Cái bắt tay 29 giây giữa Trump và Macron. Video: CNN.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Mỹ Donald Trump - một nhà lãnh đạo trẻ, toàn cầu hoá của Pháp và một tổng thống 71 tuổi có quan điểm "nước Mỹ trước tiên" đã thể hiện tình bạn vào ngày quốc khánh Pháp trên Champs-Élysées. 

Macron rõ ràng đã có những tính toán khi thể hiện tình hữu nghị nồng nhiệt với Trump, mặc dù nhà lãnh đạo Mỹ không được yên mến tại châu Âu và khiến chính phủ Pháp phiền lòng vì rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Lãnh đạo Pháp muốn đảm bảo Mỹ không hoàn toàn tách biệt với phần còn lại của phương Tây, theo cây bút Stephen Collinsion của CNN.

Một số lãnh đạo thế giới coi "tấn công quyến rũ" là cách tốt nhất để tiếp cận Trump. Không phải chỉ trích hay thuyết giảng Trump, mà là tâng bốc và biểu lộ lòng kính trọng.

Bữa tối trên tháp Eiffel của vợ chồng Trump - Macron. Video: AP.

Vì vậy, Pháp đã chiêu đãi Trump ẩm thực thượng hạng trong một nhà hàng được mệnh danh là "đầy ắp những giấc mơ và ma thuật" tại tháp Eiffel. Họ đưa ông đi thăm quan lăng mộ Napoléon và mời Trump đến dự cuộc duyệt binh nhân ngày Quốc khánh Pháp.

Khi kết thúc chuyến đi, Trump cho thấy ông rất trân trọng sự hiếu khách. Trump đăng lên Twitter bức ảnh ông và Macron đứng cạnh nhau trò chuyện khi đang xem duyệt binh.

no-luc-quyen-ru-trump-cua-cac-lanh-dao-the-gioi

Trump đăng ảnh chụp với Macron lên mạng xã hội. Ảnh: Twitter.

Trump và Macron hoàn toàn có thể đã phát triển một tình bạn thật sự chứ không chỉ là màn thể hiện hào nhoáng bên ngoài. Tuy nhiên, trong các chuyến đi nước ngoài gần đây của Trump, các nước đối tác cũng có ​​những dấu hiệu tích cực lấy lòng tương tự.

Tại Arab Saudi, Tổng thống Mỹ thấy hình ảnh của mình được treo trên tường khách sạn, ông được đón tiếp long trọng, được mời tham gia điệu nhảy với kiếm truyền thống. Ông về nước với một chiếc dây chuyền vàng là huy chương danh dự cao quý nhất của vương quốc.

"Ngôn từ không diễn tả được hết sự hiếu khách tuyệt vời mà các bạn dành cho chúng tôi", Trump nói với Vua Salman.

Trump tham gia điệu nhảy truyền thống với kiếm ở Arab Saudi. Video: Reuters.

Tại Ba Lan , một đám đông thân thiện đã cổ vũ nhiệt tình cho bài phát biểu về chính sách đối ngoại của Trump - sự tương phản với suy nghĩ cho rằng châu Âu căm ghét tân tổng thống Mỹ.

"Đó là một quốc gia hùng vĩ, một nơi ngoạn mục có những phong cảnh đẹp nhất", Trump nói về Ba Lan.

Nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên chú ý tới việc lấy lòng Tổng thống Mỹ có thể là Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Ngay cả trước khi Trump nhậm chức, ông Abe đã đến thăm tháp Trump và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp.

Rõ ràng, hầu hết quốc gia đều cố gắng tiếp đón trọng thị khi chiếc Air Force One hạ cánh tại nước họ, bất kể tổng thống là ai. Nhưng Macron, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và hoàng gia Arab Saudi đã nỗ lực rất nhiều để lấy lòng Trump. Không khó để hiểu lý do họ làm vậy.

Người Arab Saudi từng bực dọc trong những năm qua vì mối quan hệ không tốt đẹp với chính quyền Obama và họ không hài lòng về thỏa thuận hạt nhân Iran (quốc tế nới lỏng trừng phạt với Iran để đổi lấy việc Iran kiềm chế chương trình hạt nhân). Giờ họ có một người bạn mới trong Phòng Bầu dục.

Chính phủ cánh hữu của Tổng thống Ba Lan Duda chia sẻ một số quan điểm dân túy của chính quyền Trump và nghi ngờ về tình trạng quan liêu ở Liên minh châu Âu. Họ cũng cố gắng khiến Trump hiểu sự cần thiết phải đề phòng Nga.

Tuy nhiên, một số chuyên gia lo ngại rằng Trump quá dễ bị tác động bởi các nước khác.

"Arab Saudi làm lóa mắt những nhà đàm phán thiếu kinh nghiệm của Trump bằng sự tiếp đón long trọng, thỏa thuận mua vũ khí và khoản tài trợ cho quỹ vì phụ nữ của Ngân hàng Thế giới mà Ivanka Trump đang thúc đẩy", Fareed Zakaria của CNN viết.

Tóm lại, Arab Saudi đã gây ảnh hưởng được với Trump. Mỹ hiện ủng hộ chính sách Trung Đông của Arab Saudi.

Sự nhiệt tình của ông Abe cũng có vẻ đem về hiệu quả. Phái đoàn Nhật Bản đã rất ngạc nhiên khi trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ hồi tháng hai tại Washington, ông Trump không nhắc đến việc yêu cầu Tokyo trả thêm tiền cho quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản - điều ông từng gợi ý trong chiến dịch tranh cử.

Macron có thể đang chơi một trò chơi dài hơi, nâng cao vị thế của mình và của đất nước bằng cách xây dựng tình hữu nghị với Tổng thống Mỹ.

"Điều chưa rõ là sau tất cả sự tâng bốc này, Mỹ sẽ nhận được thứ gì", Collinsion viết.

Theo VNE

tin mới

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.