Thổ Nhĩ Kỳ không muốn 'về một nhà' với EU

(Baonghean) - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố nước này không còn cần gia nhập Liên minh châu Âu (EU). Đây không phải lần đầu tiên, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ khả năng nói lời từ biệt với EU song tuyên bố lần này được cho là mạnh mẽ và thẳng thắn nhất. Vậy điều gì khiến Thổ Nhĩ Kỳ không còn mặn mà với việc gia nhập EU? 

Tránh mất mặt

Trong bài phát biểu đầu tiên tại Quốc hội sau kỳ nghỉ hè, Tổng thống Erdogan nhắm ngay tới mối quan hệ EU. Ông Erdogan nêu rõ: “Chúng ta sẽ không phải là bên từ bỏ. Sự thật là chúng ta không còn cần tư cách thành viên EU nữa”.

Hai ý trong tuyên bố của Tổng thống Erdogan có thể được hiểu rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không còn mặn mà với việc gia nhập ngôi nhà chung EU như “một mục tiêu chiến lược nữa” và thứ hai là Thổ Nhĩ Kỳ chẳng dại gì nói lời “chia tay” trước. 

Có nhiều lý do để Tổng thống Erdogan đưa ra tuyên bố như vậy. Hơn ai hết, Thổ Nhĩ Kỳ đang ở thế “không còn lựa chọn nào khác” và buộc phải thừa nhận rằng, cánh cửa vào EU của họ đang hẹp dần, nhất là sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel đắc cử nhiệm kỳ thứ 4.

Bà Merkel là nhà lãnh đạo châu Âu có quan điểm cứng rắn và nghiêm khắc nhất với lá đơn của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong chiến dịch tranh cử mới đây, nữ Thủ tướng Đức không ngần ngại tuyên bố sẽ cố gắng chấm dứt vòng đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Trong bài phát biểu đầu tiên tại Quốc hội sau kỳ nghỉ mùa hè, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan  tuyên bố “không cần gia nhập EU”.Ảnh:  Reuters
Trong bài phát biểu đầu tiên tại Quốc hội sau kỳ nghỉ mùa hè, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố “không cần gia nhập EU”. Ảnh: Reuters

Không chỉ Đức, nhiều nước châu Âu cũng tỏ vẻ phản đối hoặc lưỡng lự. Lý do công khai nhất là do những căng thẳng gần đây liên quan chiến dịch trấn áp tại Thổ Nhĩ Kỳ sau vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 năm ngoái  và cuộc trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp tại nước này hồi tháng 4 vừa qua. Các nước châu Âu cho rằng đó là những hành động “thiếu dân chủ”, trái ngược với những quy tắc và quy định của EU.

Bản thân Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan từng cho rằng, những vấn đề nội bộ của Ankara chỉ là một nguyên nhân rất nhỏ để EU có cái cớ kéo dài cuộc đàm phán. Theo ông, tâm lý bài Hồi giáo mới là nguyên nhân chính khiến nhiều nước Liên minh châu Âu không hào hứng với việc kết nạp thêm một quốc gia có phần đông người Hồi giáo như Thổ Nhĩ Kỳ. 

Thay vì bị EU kiên quyết chối từ, những tuyên bố vừa qua của ông Erdogan phần nào thể hiện thế chủ động của Thổ Nhĩ Kỳ. 

Tìm được bạn mới

Ở khía cạnh khác, EU giờ cũng khác xa so với thời Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập Liên minh này năm 1987. Thời điểm đó, Thổ Nhĩ Kỳ hướng tới EU bởi Ankara muốn được hưởng những ưu đãi về kinh tế, thương mại, tài chính, đầu tư, cũng như cả những phúc lợi xã hội từ phía EU. Năm 2005, thời điểm bắt đầu cuộc đàm phán, EU vẫn là một thực thể mạnh cả về chính trị lẫn kinh tế.

Thế nhưng giờ đây khối này đang phải đối mặt với một loạt thách thức nội bộ sau khủng hoảng Khu vực đồng tiền chung euro, cuộc khủng hoảng di cư và vào tầm ngắm của các lực lượng khủng bố. Có vẻ như, trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu đang không còn những lợi thế thực sự khiến Ankara cần phải cố gắng làm vừa lòng.  

Thay vì “theo đuổi” EU, Ankara đã có một phương án khác, dễ dàng và hiệu quả hơn. Nếu muốn tìm kiếm một thỏa thuận về kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn có thể hướng tới các thị trường đầy tiềm năng như Nga, Trung Quốc thay vì EU.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy, trong lúc tiến trình gia nhập  EU gặp trở ngại, Thổ Nhĩ Kỳ chuyển sang thúc đẩy quan hệ với các láng giềng Á - Âu, châu Á và Trung Đông, đặc biệt là Nga và Trung Quốc. 

Chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ hôm 28/9 được kỳ vọng “làm ấm” thêm quan hệ hai nước. Ảnh: Daily Sahba
Chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ hôm 28/9 được kỳ vọng “làm ấm” thêm quan hệ hai nước. Ảnh: Daily Sahba

Gần đây mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga không ngừng ấm lên, thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao song phương và các dự án hợp tác lớn như nhà máy điện hạt nhân và dòng chảy dầu khí.

Theo thống kê, từ tháng 1- 8/2017, giá trị xuất khẩu của Ankara sang Moscow đã tăng 52,5% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt mức 1,6 tỉ USD dù chưa thể bằng so với trước khi tiến hành trừng phạt nhau (trị giá 3,7 tỉ USD). Nhiều nhà quan sát đánh giá, các con số sẽ còn tăng lên bởi các dấu hiệu tích cực từ cả 2 bên trong quan hệ Nga- Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là về thương mại.

Ngoài kinh tế, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua cũng có nhiều bước tiến đi vào lịch sử, đặc biệt là thương vụ Nga bán hệ thống tên lửa phòng không tầm xa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyến thăm hồi cuối tháng 9 vừa qua của Tổng thống Nga Vladiamir Putin tới Thổ Nhĩ Kỳ càng củng cố mối thân tình đang được vun đắp mạnh mẽ giữa hai nước.

Ngoài hợp tác với Nga, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang tìm cách gia nhập các tổ chức quốc tế khác như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU). Hiện, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được sự ủng hộ của Nga và Kazakhstan. Giới phân tích cũng đã sớm hình dung ra sức mạnh của bộ 3 Nga-Thổ-Iran ở Trung Đông.

Dự kiến, trong tuần này Tổng thống Erdogan sẽ có chuyến thăm Iran - một trong những sự kiện ngoại giao đáng chú ý ở khu vực. Nếu mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ - Iran trở nên nồng ấm, không chỉ cục diện chính trị Trung Đông thay đổi mà những lợi ích cũng như chỗ đứng của châu Âu tại khu vực này cũng sẽ không còn như trước. 

Nói cách khác, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm thấy những thời cơ mới, không nhất thiết phải dựa vào EU như một đối tác cần thiết như cách đây vài thập kỷ. Thời thế đã khác,vì vậy mục tiêu chiến lược của Ankara cũng phải thay đổi.

Thanh Huyền

tin mới

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

Bản tin quốc tế: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'

(Baonghean.vn) - Bản tin quốc tế ngày 22/4 gồm những thông tin: Xung đột đẩy chi tiêu quân sự lên mức 'cao nhất chưa từng có'; Tư lệnh quân đội Israel phê duyệt kế hoạch tiếp tục cuộc chiến ở Gaza; Iraq phóng tên lửa vào căn cứ quân sự của Mỹ ở Syria; Iran bác tin đàm phán trực tiếp với Mỹ.

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

Chuyên gia quân sự Đức kêu gọi NATO bắn hạ tên lửa Nga trên bầu trời Ukraine

(Baonghean.vn) - Chuyên gia quân sự Đức Nico Lange - một thành viên cấp cao tại Hội nghị An ninh Munich cho rằng, NATO đã đến lúc phải sửa chữa "sai lầm đắt giá" và thay đổi chiến lược ở Ukraine, NATO nên sử dụng hệ thống phòng không của mình bắn hạ tên lửa Nga ở sườn phía Đông của liên minh.

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

Nga đẩy nhanh quá trình phi công nghiệp hoá Ukraine

(Baonghean.vn) - Trong một thời gian dài, Nga đã chỉ tập trung vào quá trình phi quân sự hoá và phi phát xít hoá Ukraine. Tuy nhiên, các cuộc đối đầu ngày càng gia tăng ác liệt, và quy mô tàn phá đã cho thấy cách Nga tiếp cận với việc phi công nghiệp hoá Ukraine ngày càng rõ nét.

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Chuyên gia lý giải vì sao Pháp không đủ khả năng tiến hành chiến tranh khốc liệt ở Ukraine

Nước Pháp, bất chấp những tuyên bố hung hăng của Tổng thống Emmanuel Macron, không có đủ tiềm lực để tham gia vào cuộc chiến khốc liệt ở Ukraina; thậm chí nước này có thể chỉ có đủ đạn dược trong 2-3 ngày, theo Cyril de Lattre - chuyên gia hàng không, cựu phi công Pháp nói với Sputnik.