'Bộ tứ' sắp xếp 'bàn cờ mới' ở Ấn Độ - Thái Bình Dương

Với sự liên kết giữa 4 nước Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, dường như một “bàn cờ mới” ở khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương đang được sắp xếp lại. Dự kiến một cán cân chiến lược mới sẽ nổi lên sẽ định hình nhiều vấn đề chính trị và kinh tế của một khu vực rộng lớn.

Bên lề hội nghị cấp cao ASEAN đang diễn ra tại Manila, Philippines, một cuộc họp thu hút sự chú ý đặc biệt của giới quan sát quốc tế là cuộc đối thoại chính thức lần đầu tiên của các quan chức ngoại giao 4 nước gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Cuộc đối thoại tập trung bàn đến chuyện hợp tác của 4 nước, căn cứ theo tầm nhìn và hệ giá trị của mỗi bên, nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong một khu vực rộng lớn từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương.

Tầm nhìn chung

Các nhà lãnh đạo của Mỹ, Nhât Bản, Ấn Độ và Australia có cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN ngày 12-11. Ảnh Getty
Các nhà lãnh đạo của Mỹ, Nhât Bản, Ấn Độ và Australia có cuộc gặp gỡ bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN ngày 12-11. Ảnh Getty

Thực tế, khái niệm Indo-Pacific (Ấn Độ - Thái Bình Dương) bắt nguồn từ chính sách đối ngoại của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Thủ tướng Abe có hẳn kế hoạch hình thành “liên minh kim cương” bao gồm Ấn Độ - Nhật Bản - Mỹ - Australia để đảm bảo cho an ninh, an toàn hàng hải khu vực liên Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong bối cảnh mới.

Ý tưởng này được ông Shinzo Abe đưa ra vào tháng 12/2012 sau khi tái đắc cử thành công. Tuy vậy, thời điểm đó, mối liên minh này chỉ hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng khi Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản tổ chức các cuộc tập trận chung giữa hải quân Mỹ và hải quân Ấn Độ, để hoạt động trao đổi phòng thủ của ba nước trở nên linh hoạt hơn.

Trong bối cảnh mới, nhất là cuộc chuyển giao quyền lực ở Mỹ, ý tưởng liên kết, hợp tác này một lần nữa được đề cập và đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của Mỹ, Ấn Độ và Australia, đơn giản bởi các nước đều nhận thấy tầm nhìn và những lợi ích chung.

Với Mỹ, nhiều đối tác và cả đồng minh vẫn hoài nghi vào chính sách với châu Á Thái Bình Dương sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố “khai tử” chính sách “xoay trục sang châu Á” của người tiền nhiệm Barack Obama. Thế nhưng, trong chuyến thăm châu Á mấy ngày qua, người đứng đầu Nhà Trắng đã phần nào phác họa chính sách với khu vực qua khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Khái niệm này không chỉ tạo sự khác biệt với chính quyền trước mà còn duy trì và mở rộng lợi ích chiến lược cơ bản của Mỹ ở một khu vực bao trùm rộng lớn từ Đông Bắc Á kết hợp Đông Nam Á và mở đến Ấn Độ Dương.

Ngoài ra, không thể phủ nhận, trong lúc nhiều biến động xảy ra sau khi ông Trump đắc cử, quan hệ giữa Mỹ với ba nước còn lại vẫn được duy trì. Bên cạnh quan hệ đồng minh lâu năm với Nhật Bản và Australia, Mỹ đẩy mạnh quan hệ với Ấn Độ và coi đây là phần quan trọng trong “Chính sách Nam Á” của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Về phía Ấn Độ, việc theo đuổi chính sách “Hành động hướng Đông” chính là nền tảng để liên kết Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong đó, các quan hệ hợp tác song phương của Ấn Độ với Mỹ, Australia và Nhật Bản không ngừng được nâng cấp. Nếu như “bắt tay” với Mỹ, Ấn Độ nhận được những hợp đồng kinh tế lớn, thì việc “xích lại” với Nhật Bản, Ấn Độ nhận được sự chia sẻ về những lợi ích song trùng, cả an ninh, quốc phòng lẫn kinh tế nhằm đối trọng một Trung Quốc đang trỗi dậy.

Ở khía cạnh khác, cả Ấn Độ, Mỹ, Australia và Nhật Bản đều chia sẻ những “giá trị dân chủ phương Tây” và đều đề cao vai trò của luật pháp. Khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do đã bao hàm điều đó. 

 Như vậy, xét trên nhiều phương diện, quan hệ Mỹ-Ấn-Nhật-Australia có thể xem như đang bước đến thời kỳ đỉnh cao với những bước phát triển mới trên cơ sở chia sẻ nhiều lợi ích chung. Tại cuộc đối thoại ngày 12-11 vừa qua của 4 nước, các bên đã bàn bạc về những biện pháp giữ vững “trật tự dựa trên luật lệ” tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đánh giá những gì đã diễn ra trong khu vực và vấn đề Triều Tiên. Chủ nghĩa khủng bố và những mối quan hệ có ảnh hưởng đến khu vực cũng được đề cập đến.

Cuộc đối thoại là bước đi đầu tiên hướng tới việc xây dựng “Bộ tứ” với nhiều sáng kiến định hình nhiều vấn đề của khu vực. Dự kiến, sau cuộc gặp cấp quan chức ngoại giao, nhóm “Bộ tứ” này sẽ duy trì các cuộc gặp ở cấp nguyên thủ.

Thông điệp với khu vực

Đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương là một trong mục đích của hợp tác Mỹ, Nhât Bản, Ấn Độ và Australia. Ảnh Getty
Đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương là một trong mục đích của hợp tác Mỹ, Nhât Bản, Ấn Độ và Australia. Ảnh Getty

Sự hợp tác của 4 quốc gia Ấn Độ, Mỹ, Australia và Nhật Bản mang nhiều thông điệp đối với khu vực đang thay đổi và chuyển mình. Thứ nhất, đây là sự tái khẳng định tầm quan trọng của khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương trong sự vận động chung của thế giới trong kỷ nguyên mới.

Thứ hai, sự hợp tác cũng chứng minh cho cái “bắt tay” mới của 4 quốc gia sau nhiều năm lên ý tưởng nhưng chưa thành hiện thực. Thứ ba, “Bộ tứ” này muốn phối hợp nhằm ngăn chặn bất cứ một bên nào đó gây bất lợi và tổn hại đến an ninh, an toàn của khu vực, đặc biệt là các tuyến hàng hải và hàng không.

Giới quan sát cho rằng, cơ chế 4 bên này sẽ tồn tại song song với các cơ chế vốn có khác. Chẳng hạn, Mỹ đã thiết lập các quan hệ song phương với nhiều quốc gia trong khu vực, nhưng để cả một mạng lưới cùng gắn kết thì còn nhiều hạn chế.

Vì thế, sự liên kết này được kỳ vọng sẽ giúp các nước phối hợp hiệu quả hơn trong các cơ chế đa phương. Bên cạnh đó, Mỹ - Ấn Độ - Nhật Bản – Australia đều là những nền kinh tế hàng đầu thế giới, sự hợp tác của họ mở ra một mối liên kết lớn về kinh tế.

Có thể nói, sâu xa phía sau ý tưởng của liên kết 4 bên này là tạo dựng cuộc chơi địa chính trị mới hơn, rộng lớn hơn nhằm bảo toàn và thực hiện tốt hơn những lợi ích chiến lược mà cả 4 nước đang hướng đến. Nhiều khả năng, một mạng lưới gồm nhiều sáng kiến hợp tác an ninh song phương và đa phương sẽ phát triển nhanh chóng trong tương lai gần.

Như vậy, dường như một “bàn cờ mới” ở khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương đang được sắp xếp lại. Và dự kiến một cán cân chiến lược mới sẽ nổi lên nhằm định hình nhiều vấn đề chính trị và kinh tế của một khu vực rộng lớn. Thế nhưng, mức độ tác động và ảnh hưởng của mối liên kết này đến đâu còn phụ thuộc vào sự hợp tác của Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia trong thời gian tới./.

Thanh Huyền

tin mới

 Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực nếu Tel Aviv đáp trả

Tướng Cương: Sẽ xảy ra cuộc chiến tổng lực giữa Iran - Israel nếu Tel Aviv đáp trả vụ tấn công 13/4

(Baonghean.vn) - Bình luận về khả năng có một cuộc chiến tổng lực và toàn diện giữa Iran - Israel sau sự kiện 13/4, PGS.TS. Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Bộ Công an cho rằng, cuộc chiến sẽ bùng lên nếu Israel có các hành động đáp trả vào các căn cứ của Iran.

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

Đức tính toán gì khi đưa quân tới biên giới Nga?

(Baonghean.vn) - Lần đầu tiên kể từ năm 1945, Đức đưa vài nghìn binh lính tiến sát tới biên giới Nga. Bộ trưởng Quốc phòng Đức gọi những gì đang diễn ra là “một ngày tuyệt vời đối với Quân đội Đức”. Lữ đoàn Đức này đi đâu, và sẽ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng nào đối với lợi ích của Nga?

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

Cựu Giám đốc tình báo đối ngoại Pháp: Nga - Ukraine sẽ đi đến hòa bình nhờ ông Trump

(Baonghean.vn) - Cựu Giám đốc Tổng cục An ninh Đối ngoại Pháp Alain Jouillet cho biết, nếu Nga và Ukraine không thể đạt được thỏa thuận trong những tháng tới, do áp lực từ các thế lực bên ngoài, thì một thỏa thuận ngừng bắn sẽ đạt được sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền.

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

Cựu chuyên gia Lầu Năm Góc: Phương Tây 'đánh mất' sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao cho Tổng thống Zelensky

(Baonghean.vn) - Cựu chuyên gia phân tích của Lầu Năm Góc, Trung úy Không quân Mỹ đã nghỉ hưu Karen Kwiatkowski cho rằng, phương Tây đã đánh mất sự ủy nhiệm của người dân Ukraine giao phó cho Tổng thống Volodymyr Zelensky trong cuộc bầu cử tổng thống 5 năm trước đó.