Quy định mới của Tỉnh ủy Nghệ An về phân cấp quản lý và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử
(Baonghean.vn) - Để cụ thể hóa các quy định mới của Trung ương trong công tác cán bộ và phù hợp với tình hình thực tiễn của việc xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay, ngày 09/7/2020, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Quy định số 3703-QĐ/TU về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
Đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nam Đàn khóa XXVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Ảnh: Thành Duy |
Quy định này thay thế Quy định số 3288-QĐ/TU, ngày 30/12/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong đó có một số điểm mới là sự thay đổi theo hướng phân cấp mạnh về công tác quản lý cán bộ và việc thực hiện các quy trình về công tác cán bộ đối với các chức danh ở cấp huyện, gồm: Ủy viên Ban Thường vụ huyện, thành, thị ủy và đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Tỉnh ủy; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, thị xã.
Theo đó, khi cần bổ sung nhân sự bị khuyết thì Ban Thường vụ các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy chủ động thực hiện quy trình giới thiệu nhân sự theo 5 bước (không phải xin chủ trương). Sau khi lựa chọn được nhân sự, lập tờ trình gửi kèm theo hồ sơ về Ban Tổ chức Tỉnh ủy đề nghị thẩm định. Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra , Ban Nội chính Tỉnh ủy, các cơ quan liên quan thẩm định nhân sự và trả lời bằng văn bản để Ban Thường vụ các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy tiến hành bầu cử, sau đó báo cáo kết quả về Ban Thường vụ Tỉnh ủy để chuẩn y - đối với ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy; với Thường trực HĐND tỉnh để chuẩn y - đối với chức danh Phó Chủ tịch HĐND; với Chủ tịch UBND tỉnh để phê chuẩn - đối với chức danh Phó Chủ tịch UBND.
Trường hợp các cơ quan liên quan có ý kiến khác nhau, Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổng hợp, báo cáo xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy xem xét, quyết định trước khi có văn bản để Ban Thường vụ các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy thực hiện theo quy định.
Việc phân cấp quản lý cho Ban Thường vụ cấp ủy các huyện, thành, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy sẽ bảo đảm thống nhất các khâu trong công tác cán bộ, từ nhận xét, đánh giá, quy hoạch, đào tạo đến bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử,… (tránh tình trạng bất cập như hiện nay: Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định bổ nhiệm, nhưng đánh giá, nhận xét, quy hoạch,… do Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện), đồng thời gắn trách nhiệm cao hơn cho cấp ủy cấp huyện khi xem xét, lựa chọn nhân sự.
Việc phân cấp quản lý cho Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện nhưng vẫn có ý kiến thẩm định của các ban đảng Tỉnh ủy, các cơ quan liên quan đối với nhân sự cụ thể trước khi thực hiện việc bầu và trình chuẩn y theo quy định. Trường hợp có ý kiến khác nhau mới phải báo cáo Thường trực Tỉnh ủy xem xét, cho ý kiến. Khi cần thiết điều động, bổ nhiệm các chức danh ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện, Phó Chủ tịch UBND cấp huyện để tăng cường cho cơ sở và đào tạo cán bộ cho tỉnh thì thẩm quyền vẫn do Thường trực Tỉnh ủy xem xét, quyết định (được quy định tại Chương XI về điều động, biệt phái cán bộ).