Quy định mới về cấp căn cước công dân của Bộ Công an
(Baonghean.vn) - Bộ Công an vừa có Thông tư 59/2021 quy định chi tiết việc thu hồi chứng minh nhân dân (CMND) khi làm thủ tục đổi sang thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip.
Không yêu cầu người dân cung cấp giấy xác nhận số CMND
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 59/2021 quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân (CCCD) và Nghị định số 137/2015 (được sửa đổi bằng Nghị định 37/2021). Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1/7 tới đây.
Theo Thông tư 59, các trường hợp đã được cấp CCCD, giấy khai sinh đã có số định danh cá nhân thì có thể sử dụng thông tin về số CCCD, số định danh cá nhân để giao dịch với các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Lực lượng Công an làm thủ tục cấp căn cước công dân. Ảnh: Nguyên Nguyên |
Đặc biệt, mã QR Code trên thẻ CCCD gắn chip điện tử có lưu thông tin về số CCCD, số CMND của công dân.
“Cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin về số CCCD, số CMND của công dân thông qua việc quét mã QR code, không yêu cầu công dân phải cung cấp giấy xác nhận số CMND, CCCD”, Bộ Công an lưu ý.
Bộ Công an nắm được vấn đề thời gian qua, nhiều người dân lo lắng khi làm CCCD gắn chip thì sẽ có số định danh khác với số CMND trước đó nên phải có thêm giấy xác nhận hai số này, nếu không sau này sẽ gặp rắc rối trong các giao dịch.
Do đó, với quy định mới của Bộ Công an, thẻ CCCD mới sẽ tích hợp số CMND cũ, điều này góp phần giúp người dân thuận lợi hơn trong giao dịch, tránh phát sinh và phải xin thêm một số loại giấy tờ khác.
Riêng đối với những trường hợp trong mã QR code trên thẻ CCCD không có thông tin về số CMND hoặc CCCD cũ, Bộ Công an yêu cầu cơ quan công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp CCCD có trách nhiệm cấp giấy xác nhận số CMND, CCCD cũ cho công dân khi có yêu cầu.
Trường hợp thông tin số CMND, CCCD cũ của công dân không có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công an sẽ đề nghị công dân cung cấp bản chính hoặc bản sao thẻ CCCD, CMND (nếu có).
Quy định mới nhất của Bộ Công an về trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD gắn chip
Đặc biệt, cũng trong Thông tư 59, Bộ Công an còn quy định công dân có thể đăng ký cấp giấy xác nhận số CMND, CCCD trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an tại bất kỳ cơ quan công an nơi tiếp nhận hồ sơ cấp thẻ CCCD.
Cụ thể, Điều 10 của Thông tư nêu rõ, công dân có thể trực tiếp đến cơ quan Công an có thẩm quyền tiếp nhận để đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD nơi họ thường trú, tạm trú để đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD.
Kết quả giải quyết sẽ được cập nhật, thông báo trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an.
Theo thông tin từ Bộ Công an, trong trường hợp công dân đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an thì công dân lựa chọn dịch vụ, kiểm tra thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
“Nếu thông tin đã chính xác thì đăng ký thời gian, địa điểm đề nghị cấp thẻ CCCD. Hệ thống sẽ tự động chuyển đề nghị của công dân về cơ quan công an nơi công dân đề nghị”, Bộ Công an nêu rõ.
Theo Thông tư 59, có hai điểm mới được Bộ Công an lưu ý đó là, thứ nhất, người dân có thể đến bất cứ cơ quan Công an nào có thẩm quyền (kể cả tạm trú) để xin được cấp CCCD, không cần bắt buộc phải về nơi thường trú như trước đây.
Lấy mẫu vân tay khi làm căn cước công dân. Ảnh: Nguyên Nguyên |
Thứ hai, ngoài việc trực tiếp đến trụ sở Công an, người dân có thể xin đăng ký cấp CCCD trực tuyến.
Về trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD, Bộ Công an quy định 6 bước cơ bản. Thứ nhất, công dân đến cơ quan công an có thẩm quyền tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD nơi công dân thường trú, tạm trú để yêu cầu được cấp thẻ CCCD.
Tiếp đó, cán bộ công an thu nhận thông tin công dân: Tìm kiếm thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, lựa chọn loại cấp và mô tả đặc điểm nhân dạng, thu nhận vân tay, chụp ảnh chân dung, in phiếu thu nhận thông tin CCCD, phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư (nếu có) cho công dân kiểm tra, ký và ghi rõ họ tên, thu lệ phí theo quy định, cấp giấy hẹn trả kết quả giải quyết.
Thứ ba, Công an sẽ thu lại CMND, CCCD đang sử dụng trong trường hợp công dân làm thủ tục chuyển từ CMND sang thẻ CCCD, đổi thẻ CCCD. Thứ tư - tra cứu tàng thư CCCD để xác minh thông tin công dân (nếu có). Thứ năm, xử lý, phê duyệt hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD. Thứ sáu, trả thẻ CCCD và kết quả giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD.
“Trường hợp công dân đăng ký trả thẻ CCCD đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan công an lập danh sách, phối hợp với đơn vị thực hiện dịch vụ chuyển phát để thực hiện và công dân phải trả phí theo quy định”, Bộ Công an nêu rõ.
Sẽ thu hồi CMND cũ khi đổi sang căn cước công dân từ ngày 1/7
Cũng theo quy định tại Thông tư 59/2021, cơ quan chức năng sẽ thu lại CMND đang sử dụng trong trường hợp công dân làm thủ tục chuyển từ CMND sang thẻ CCCD (Khoản 3, Điều 11).
“Thu lại CMND, thẻ CCCD đang sử dụng trong trường hợp công dân làm thủ tục chuyển từ CMND sang thẻ CCCD, đổi thẻ CCCD”, Khoản 3, Điều 11 của Thông tư 59 quy định.
Theo đó, kể từ ngày 1/7/2021 mọi CMND cũ, CCCD mã vạch sẽ được thu hồi khi người dân làm thủ tục đổi sang thẻ CCCD gắn chíp, thay vì cắt góc và được trả lại cho người dân như trước đây.
Theo quy định mới, sau khi được cấp CCCD, công dân sẽ phải nộp lại CMND. Ảnh: Nguyên Nguyên |
Theo quy định hiện hành, khi làm thủ tục chuyển từ CMND sang CCCD, chỉ trường hợp CMND bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) thì mới bị thu hồi:
Khi công dân làm thủ tục chuyển từ CMND 9 số, 12 số sang thẻ CCCD thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ tiến hành như sau: Đối với CMND 9 số, trong trường hợp CMND 9 số còn rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) thì cấp giấy hẹn trả CCCD cùng CMND chưa cắt góc cho công dân đến làm thủ tục để sử dụng trong thời gian chờ cấp thẻ CCCD.
Khi trả thẻ CCCD, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị công dân nộp giấy hẹn trả thẻ CCCD cùng với CMND và tiến hành cắt góc phía trên bên phải mặt trước của CMND đó, mỗi cạnh góc vuông là 2cm, ghi vào hồ sơ và trả CMND đã được cắt góc cho người đến nhận thẻ CCCD, trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ CCCD qua đường chuyển phát đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan quản lý CCCD nơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành cắt góc và trả CMND đã cắt góc ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ của công dân.
Trường hợp CMND 9 số bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) thì thu, hủy CMND đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số CMND.
Đối với Chứng minh nhân dân 12 số: Trường hợp CMND 12 số còn rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) thì cấp giấy hẹn trả thẻ CCCD cùng CMND chưa cắt góc cho công dân đến làm thủ tục để sử dụng trong thời gian chờ cấp thẻ CCCD.
Khi trả thẻ CCCD, cán bộ tiếp nhận hồ sơ đề nghị công dân nộp giấy hẹn trả thẻ CCCD cùng với CMND và tiến hành cắt góc phía trên bên phải mặt trước của CMND đó, mỗi cạnh góc vuông là 1,5cm, ghi vào hồ sơ, trả CMND đã cắt góc cho công dân, trường hợp công dân yêu cầu trả thẻ CCCD qua đường chuyển phát đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan quản lý CCCD nơi tiếp nhận hồ sơ tiến hành cắt góc và trả CMND đã cắt góc ngay sau khi tiếp nhận hồ sơ của công dân.
Trường hợp CMND 12 số bị hỏng, bong tróc, không rõ nét (ảnh, số CMND và chữ) thì thu, hủy CMND đó, ghi vào hồ sơ và cấp Giấy xác nhận số CMND.