Quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng

17/08/2017 06:45

Theo ông Phạm Thế Duyệt, quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nếu làm tốt sẽ có kết quả tích cực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành quy định của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Đông đảo cán bộ, đảng viên và người dân cho rằng: các tiêu chí, quy định lần này có tính hệ thống, tổng thể từ trên xuống dưới, tạo nhận thức đầy đủ hơn về việc xây dựng Đảng một cách đồng bộ. Theo đó, trên phải là cơ quan lãnh đạo vững vàng, sáng suốt, được nhân dân tin tưởng; dưới phải là những cơ quan thực thi các Nghị quyết của Đảng có hiệu quả và được dân tin.

Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, quy định về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nếu làm tốt sẽ có kết quả tích cực, vững chắc trong xây dựng Đảng.

quy dinh ve tieu chuan chuc danh can bo co y nghia dac biet quan trong hinh 1
Ông Phạm Thế Duyệt.

Theo ông, tổ chức chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ là yếu tố quyết định vận mệnh của đất nước, quyết định sự sống còn của chế độ và uy tín, hiệu lực của Đảng lãnh đạo nhân dân trong thời kỳ mới.

"Những quy định chung như thế là tốt nhưng phải hết sức phát huy dân chủ trong Đảng, trong nhân dân, phát huy vai trò giám sát của cán bộ, đảng viên cấp dưới với cấp trên, phát huy vai trò kiên định chỉ đạo của cấp trên với cấp dưới phải đồng bộ thì việc đánh giá tiêu chí, quy chế mới có chất lượng thực sự” - ông Phạm Thế Duyệt nói.

Đặc biệt, lần này Bộ Chính trị quy định cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý phải là những cán bộ tuyệt đối không tham vọng quyền lực. Nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận định, cán bộ mà tham vọng quyền lực sẽ không toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, không mang quan điểm đúng của Đảng để xây dựng Đảng. Tuy nhiên, làm thế nào để biết được cán bộ đó không tham quyền lực chỉ có thể thông qua xem xét quá trình phấn đấu, thực hiện nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên.

Ông Đỗ Hồng Kỳ, khu Đô thị Sài Đồng, Long Biên, Hà Nội cho rằng: “Tổng Bí thư nêu cán bộ không tham vọng quyền lực mang ý nghĩa tích cực. Người không tham vọng quyền lực là người hết lòng phục vụ nhân dân, không mang tính cá nhân trong đó. Trong bất cứ nhiệm vụ nào họ cũng rất cố gắng, thể hiện ở chỗ: nhiệm vụ của Đảng giao là sẵn sàng làm, không phải vì chức này, chức kia mới làm. Thứ hai, không tham vọng quyền lực là người không mang chủ nghĩa cá nhân và quyền lực này là dân trao cho, anh thi hành lệnh của dân chứ không phải cá nhân”.

Nhiều ý kiến đồng thời nhấn mạnh, cán bộ phải là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt, không tham nhũng, cơ hội, vụ lợi, và kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ.

Tiến sỹ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, đảng viên không rèn luyện, suy thoái đạo đức lối sống thì sẽ dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bởi vậy, việc làm trong sạch Đảng, giữ gìn Đảng trong sạch vững mạnh chính là biện pháp chống “tự diễn biến” sâu sắc nhất.

quy dinh ve tieu chuan chuc danh can bo co y nghia dac biet quan trong hinh 3
Ông Nguyễn Viết Chức.

“Người lãnh đạo cao nhất thì phải tiêu biểu, gương mẫu đi đầu. Đạo đức lối sống suy thoái chính là “tự diễn biến” chứ không phải diễn biến bằng lời nói mà “diễn biến” bằng chính hành động. Khi đảng viên không còn vai trò là người lãnh đạo nữa, không phải là đầu tàu gương mẫu trong cuộc sống, không phải là người tốt thì đó chính là “tự diễn biến”. Rõ ràng, làm trong sạch, vững mạnh chính là biện pháp chống “tự diễn biến” tận gốc sâu sắc nhất” – ông Nguyễn Viết Chức cho biết thêm.

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc khó khăn, phức tạp, là cuộc đấu tranh với chính mình nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm của mỗi cá nhân lãnh đạo, nhất là các lãnh đạo giữ trọng trách cao trong Đảng và bộ máy chính quyền.

Cuộc đấu tranh này cần có một quyết tâm chính trị cao nhất của toàn Đảng, toàn dân. Trong đó, cội gốc của việc giữ gìn sự trong sạch của Đảng là ý thức trách nhiệm và lòng tự trọng của mỗi đảng viên; tấm gương của các cán bộ lãnh đạo, quản lý… Chỉ như vậy, Đảng mới thực sự vững vàng trong sứ mệnh lịch sử lãnh đạo nhân dân xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO