Quy hoạch báo chí theo hướng hiện đại, tự chủ
Quy hoạch báo chí với tinh thần tổ chức, xắp xếp lại để báo chí vẫn đủ về số lượng nhưng nâng cao về chất lượng, quy hoạch theo hướng báo chí hiện đại, tự chủ là nội dung trọng tâm trả lời chất vấn của Bộ trưởng Thông tin và Truyền Thông (TTTT) Nguyễn Bắc Son trong phiên chất vấn sáng 21-11 tại Quốc hội.
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trả lời chất vấn. |
Không có báo "lá cải"
Trả lời các đại biểu Quốc hội về vấn đề quy hoạch, quản lý báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết: Quy hoạch và quản lý báo chí là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước các cấp mà đứng đầu là Chính phủ - cơ quan quản lý thống nhất về báo chí. Bộ TTTT chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý nhà nước đối với báo chí, các bộ ngành quản lý báo chí theo quy định của Chính phủ, các địa phương quản lý báo chí theo phân cấp của Chính phủ. Quy hoạch báo chí là một thách thức của Bộ TT - TT được Chính phủ giao phó. Bộ đã xây dựng quy hoạch báo chí từ nửa nhiệm kỳ trước. Đây là nhiệm vụ khó khăn bởi số lượng báo chí rất lớn, nhiệm vụ của báo chí ngày càng nặng nề hơn. Quy hoạch trên tinh thần tổ chức lại, sắp xếp lại để báo chí vẫn đủ về số lượng nhưng nâng cao về chất lượng, hiện đại và tự chủ, giảm tỷ lệ mất cân đối về hưởng thụ báo chí giữa thành thị với nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020 các cơ quan báo chí phải tự hạch toán, nhà nước chỉ đặt hàng và hỗ trợ đối với các ấn phẩm phục vụ vùng sâu vùng xa, phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền thiết yếu của Đảng và Nhà nước.
Về báo in sắp xếp theo mô hình một cơ quan có nhiều sản phẩm báo in. Với truyền hình sắp xếp theo hướng hiện đại, các cơ quan truyền hình tự sản xuất chương trình truyền hình của mình tối thiểu là 50% thời lượng phát sóng. Hạn chế phát lại truyền hình của nước ngoài, nhất là phim nước ngoài. Báo điện tử phải trở thành loại hình báo chí chủ lực của truyền thông đa phương tiện. Với tinh thần đó Bộ đã xây dựng xong quy hoạch và gửi đến Thủ tướng Chính phủ.
Đại biểu Trần Thị Thùy Trang đề cập đến vấn đề xuất hiện những tờ báo có nhiều nội dung không lành mạnh, báo "lá cải" mô tả chi tiết các hành vi phạm tội trên báo. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định. Hiện nay như Luật Báo chí đã nêu: "... báo chí là phương tiện thông tin truyền thông thiết yếu của đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân..". Như vậy có thể khẳng định trong xã hội không có báo "lá cải". Song thực tế một số tờ báo có lúc, có nơi, có thời kỳ không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, không thực hiện đúng chỉ đạo trong công tác tuyên truyền cho nên đã dẫn đến các hiện tượng như đã nêu. Hiện tượng đó là biểu hiện của khuynh hướng báo "lá cải". Hiện tượng này cần phải được ngăn chặn và chấm dứt khỏi đời sống xã hội và đời sống báo chí.
Về giải pháp, Bộ TTTT đã phối hợp với các cơ quan chủ quản của các tờ báo để xử lý và ngăn chặn kịp thời các sai phạm này. Cơ qua chủ quản báo chí cần nâng cao vai trò trách nhiệm để duy trì tốt quy trình làm báo sẽ hạn chế và đi đến không còn sai phạm. Tiếp đó là đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao đạo đức nghề nghiệp của phóng viên... "Người phóng viên là người xung kích trên mặt trận tư tưởng, thông tin phải góp phần xây dựng lòng tin trong nhân dân, không đánh mất tôn chỉ của báo chí và làm suy giảm đạo đức nghề nghiệp" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tăng cường quản lý sim rác
Đại biểu Trần Quốc Tuấn đề cập trách nhiệm trong quản lý sim điện thoại rác, đây là một nguyên nhân dẫn đến tin nhắn rác, quảng cáo rác. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết. Hạn chế tin nhắn rác, quảng cáo rác và các tin độc hại thông qua hệ thống intenet là nhiệm vụ rất quan của Bộ. Hiện tượng mà đại biểu nêu là hoàn toàn đúng trong thực trạng hiện nay. Người sử dụng sim rác dùng vào nhiều mục đích khác nhau trong đó có mục đích phạm tội, ảnh hưởng xấu đến xã hội.
Bộ TTTT đã ra Thông tư số 22 năm 2009 để quản lý vấn đề này, tuy nhiên thông tư này tỏ ra kém hiệu quả trong thời gian vừa qua. Ngày 13-4-2012, Bộ ra Thông tư số 04 để chấn chỉnh và tăng hiệu lực quản lý nhà nước đối với sim rác. Về biện pháp kinh tế, Bộ ra thông tư số 14 ngày 12-10-2012 để quản lý cước hòa mạng. Sau 9 tháng thực thi thông tư, Bộ đã thống kê từ 131 triệu thuê bao vào tháng 10-2012 đến nay chỉ còn còn 117 triệu thuê bao, giảm 14 triệu thêu bao. Tuy nhiên, tình trạng sim rác vẫn còn trên thị trường, gồm những sim cũ không khai báo và sim rác do một số đại lý bán ra không tuân thủ thông tư.
Bộ đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương thực hiện thanh tra ở 63 tỉnh thành cả nước với 29.264/48.420 điểm đăng ký thuê bao điện thoại trả trước, qua đó đã thu hồi 28.815 sim điện thoại vi phạm quy định và thông báo tới 5,5 triệu thuê bao đăng ký lại thông tin vì đã đăng không đúng so với quy định, đồng thời xử phạt hành chính đối với các đơn vị vi phạm.
Thời gian tới Bộ tiếp tục thực hiện thanh tra kiểm tra việc thực hiện các thông tư trên đặc biệt là Thông tư 04 và bổ sung kịp thời các chế tài cần thiết để quản lý sim rác tốt nhất.
Bộ đề nghị các cấp chính quyền địa phương phối hợp để cùng quản lý các thuê bao bằng cách quản lý các đại lý, các nhà mạng đang hoạt động tại địa phương, đặc biệt là các đại lý ủy quyền. Bộ cũng sẽ chấn chỉnh các doanh nghiệp cung cấp, thực thi các dịch vụ này ra thị trường. Đẩy mạnh truyền thông xã hội để mọi người dân thấy trách nhiệm khi mua sim và đăng ký sim điện thoại phải theo đúng quy định, đó là trách nhiệm tự bảo vệ mình và bảo vệ xã hội.
Trả lời câu hỏi có hay không việc các nhà mạng cùng bắt tay tăng giá cước 3G của đại biểu Trương Trọng Nghĩa, Bộ trưởng khẳng định nếu ba nhà mạng cùng bắt tay tăng giá thì đây là hành động vi phạm Luật cạnh tranh, nhưng ba nhà mạng cùng tăng giá ngẫu nhiên vào một thời điểm thì không thể nói là vi phạm luật được. Bởi tăng giá là quy luật của thị trường, tuy nhiên nó trùng hợp vào một thời điểm. Sau khi báo chí và dư luận xã hội có phản ánh về việc này Phó Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp có văn bản chỉ đạo cho các cơ quan bảo vệ pháp luật, cho bộ công thương vào cuộc điều tra xem xét. "Chúng tôi tin tưởng rằng trong một ngày gần đây chúng ta sẽ trả lời được câu hỏi này. Nếu ba nhà mạng này trực tiếp bắt tay nhau thì phải xử lý nghiêm theo pháp luật", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son khẳng định.
Khuyến khích sản xuất game trong nước
Về vấn đề quản lý trò chơi trên mạng intenet, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết game là loại hình giải trí hiện đại sử dụng công nghệ thông tin, game chơi đúng cách góp phần cho giải trí, cho tuyên truyền về lịch sử văn hóa của dân tộc, kích thích người dân sử dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy công nghệ thông tin phát triển.
Năm 2005 đã ban hành Thông tư liên tịch số 60 giữa Bộ Công an, Bộ Bưu chính -Viễn thông, Bộ Văn hóa - Thông tin để quản lý game. Sau đó game phát triển rất mạnh mẽ, các game được cấp phép hoạt động rất tốt, hiện tại trên thị trường có 82 game được cấp phép, còn các game khác được nhập lậu vào thị trường. Do phát triển mạnh và phức tạp của game, tháng 10-2010 Bộ đã dừng cấp phép game.
Hiện nay Bộ đang xem xét cấp phép lại cho game nhưng trên nguyên tắc phải bảo đảm là quản lý được. Cụ thể, Bộ đã thành lập hội đồng cấp phép cho game gồm đầy đủ các cơ quan chức năng, để cấp phép cho những game phù hợp với phong tục tập quán. Tiếp tục xây dựng chính sách khuyến khích sản xuất game trong nước, lấn át game ngoại nhập. Bộ tăng cường phối hợp với các bộ ngành xiết chặt quản lý game đặc biệt là kết hợp với ngân hàng vì game lậu thường thanh toán cước phí qua ngân hàng
Về trách nhiệm của Bộ TTTT trước những thông tin độc hại trên mạng intenet, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết đây là một thách thức lớn phải rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật xem có các lỗ hổng để có thêm các chế tài phủ kín hành lang pháp lý nhằm quản lý mạng intenet, xây dựng Luật An toàn thông tin vào năm 2014.
Trước mắt phải đẩy mạnh tuyên truyền trong nhân dân để nhân dân có kiến thức phòng tránh khi tiếp cận với những thông tin độc hại. Đồng thời hệ thống các báo đài cần tăng cường công tác đấu tranh phản bác lại những thông tin sai trái trên mạng. Tăng cường công tác giáo dục tại nhà trường đối với học sinh sinh viên về thông tin độc hại trên mạng. "Tôi tin tưởng rằng với giải pháp đồng bộ từ mặt pháp luật, từ vấn đề quản lý nhà nước, từ công tác thanh tra kiểm tra, quản lý từ trung ương đến địa phương, từ nhà trường đến xã hội thì các vấn đề trên sẽ từng bước được đẩy lùi" - Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son chia sẻ.
Theo NDĐT