Quy hoạch các dự án công nghiệp - thương mại dọc đường Hồ Chí Minh

11/08/2016 06:57

Theo quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại dọc tuyến đường Hồ Chí Minh sẽ có khoảng 40 chương trình, dự án được đầu tư xây dựng.

Theo Quyết định số 2931/QĐ-BCT của Bộ Công Thương mới được ban hành phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại dọc tuyến đường Hồ Chí Minh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/7/2016, mục tiêu sẽ phấn đấu đưa công nghiệp, thương mại dọc trên tuyến đường phát triển với tốc độ tăng trưởng khá, góp phần nâng cao tỷ trọng của ngành công nghiệp – thương mại trong cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm, giải quyết các vấn đề xã hội và nâng cao mức thu nhập bình quân của người dân khu vực tuyến đường đi qua.

Bộ Công Thương mới quyết định quy hoạch đầu tư các dự án công nghiệp, thương mại dọc tuyến đường Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: Zing)
Bộ Công Thương mới quyết định quy hoạch đầu tư các dự án công nghiệp, thương mại dọc tuyến đường Hồ Chí Minh. (Ảnh minh họa: Zing)

Về công nghiệp, theo Quyết định này, quy hoạch phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản; phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; công nghiệp cơ khí, luyện kim; công nghiệp may, da giày; công nghiệp hóa chất và sản xuất, phân phối điện.

Phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản sẽ tập trung khai thác các mỏ, các điểm mỏ đang khai thác hoặc có biểu hiện khoáng sản đã được đánh giá cấp trữ lượng. Khai thác và chế biến sâu một số loại khoảng sản như sắt, đá vôi xi măng, cát thủy tinh…

Đối với công nghiệp chế biển nông, lâm sản, quy hoạch ưu tiên đầu tư phát triển các dự án chế biến sâu sản phẩm nông sản có giá trị kinh tế cao như chè, cao su, cà phê, gạo, điều và các sản phẩm nông sản đặc trưng; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ của từng địa phương dọc tuyến đường.

Tập trung sản xuất vật liệu xây dựng thông thường, tăng cường phát triển vật liệu không nung và các vật liệu mới đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng trong khu vực. Đầu tư một số dự án gang thép, luyện kim tại một số khu vực có nguồn nguyên liệu cũng như phát triển các cơ sở cơ khí, sửa chữa.

Đến năm 2025, phát triển đồng bộ các hệ thống nguồn và lưới điện phù hợp với quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực của các địa phương nhằm cung cấp điện đảm bảo chất lượng, liên tục, an toàn và hiệu quả; nghiên cứu đầu tư thăm dò phát triển điện gió, điện mặt trời.

Về phát triển thương mại, trên dọc tuyến đường Hồ Chí Minh sẽ xây mới và nâng cấp chợ đầu mối, chợ biên giới và chợ hạng I, II và III phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, trao đổi mua bán nông sản thực phẩm. Phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, đặc biệt chú trọng phát triển các dự án trong các khu kinh tế cửa khẩu, trung tâm thành phố, thị xã; xây dựng các trung tâm trung chuyển và kho vận, từng bước triển khai các dịch vụ theo mô hình của trung tâm logistic phục vụ xuất, nhập khẩu hàng hóa…

Để làm được điều này, Bộ Công Thương yêu cầu tập trung phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp và hạ tầng thương mại. Tăng cường liên kết giữa các địa phương trong thu hút đầu tư các dự án quy mô lớn nhằm đảm bảo cung cầu một cách hợp lý. Tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ, tổ chức phân phối hàng hóa một cách hợp lý và có cơ chế ưu đãi phù hợp, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư…

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Quy hoạch các dự án công nghiệp - thương mại dọc đường Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO