QUY HOẠCH CÔNG VIÊN THÀNH CỔ VINH: Chờ đề xuất điều chỉnh cục bộ

Xác minh thông tin ông Nguyễn Hoàng Sơn cung cấp, vào ngày 22/6/2020, UBND TP. Vinh có tổ chức cuộc họp với đại diện của các hộ dân trú tại các khu tập thể trong Thành cổ Vinh. Riêng về nội dung quy hoạch, được thành viên Tổ công tác số 1713 (cán bộ Phòng Quản lý đô thị thành phố Vinh) thực hiện rà soát, có báo cáo chi tiết tại Báo cáo số 02/QLĐT-TCT ngày 1/6/2020.

Tại báo cáo này thể hiện, di tích Thành cổ Vinh sớm được quy hoạch trong quy hoạch tổng thể của thành phố Vinh, sau đó, đã được quy hoạch chi tiết và được điều chỉnh. Cụ thể là vào năm 1993, tại Quy hoạch tổng thể xây dựng thành phố Vinh đến năm 2010 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 603/TTg ngày 20/12/1993, di tích Thành cổ Vinh được quy hoạch là khu vực công viên cây xanh.

Đến ngày 21/4/2000, theo điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 49/2000/QĐ-TTg, di tích Thành cổ Vinh được quy hoạch là khu vực đất trụ sở cơ quan và khu vực bảo tồn cảnh quan sinh thái.

Đến ngày 7/2/2002, Quy hoạch chi tiết Công viên Thành cổ – Thành phố Vinh ra đời, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 588QĐ/UB (chỉ có bản thuyết minh, không có bản vẽ quy hoạch); và đến ngày 1/10/2008, tại Quyết định số 4312/QĐ.UBND.CN, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng bảo tồn, tôn tạo di tích Thành cổ Vinh.

Cũng liên quan đến di tích Thành cổ Vinh, còn có những quy hoạch, tài liệu như: Quy hoạch xây dựng phường Cửa Nam, thành phố Vinh năm 2004 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1482/QĐ-UB; Quy hoạch phân khu phường Cửa Nam, thành phố Vinh được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 4386/QĐ-UBND ngày 28/10/2019; Bản đồ kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của thành phố Vinh được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 04/QĐ-UBND ngày 9/1/2020; Quy hoạch tổng thể mặt bằng chia lô đất ở dân cư khu tập thể Công nghệ phẩm tại khối 2, phường Cửa Nam được UBND TP. Vinh phê duyệt tại Quyết định số 11/QĐ.UBND ngày 6/1/2015; Điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, chia lô đất ở dân cư khu tập thể Công trường 3 tại khối 2, phường Cửa Nam được UBND TP.Vinh phê duyệt tại Quyết định số 524/QĐ.UBND ngày 29/1/2015…

Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất quy hoạch chi tiết xây dựng bảo tồn, tôn tạo di tích Thành cổ Vinh.
Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất quy hoạch chi tiết xây dựng bảo tồn, tôn tạo di tích Thành cổ Vinh.

Thực hiện rà soát loại đất quy hoạch, đối chiếu với từng khu tập thể, tại Báo cáo số 02/QLĐT-TCT, thành viên Tổ công tác số 1713 thông tin: “Tổng số 9 khu tập thể, trong đó có khu tập thể Công nghệ phẩm và một phần khu tập thể Công trường 3 phù hợp quy hoạch đất ở; các khu tập thể còn lại được quy hoạch đất cây xanh, công trình công cộng, quy hoạch di dời các khu tập thể ra khỏi Thành cổ Vinh. Riêng quy hoạch kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 04/QĐ-UBND ngày 9/1/2020, toàn bộ 9 khu tập thể đều được ghi là đất ở đô thị”.

Đồng thời có đánh giá về tính khả thi khu quy hoạch như sau: “Về pháp lý và hiệu lực Quy hoạch Thành cổ Vinh hiện đang thực hiện theo Điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng bảo tồn, tôn tạo di tích Thành cổ Vinh được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 4312/QĐ.UBND.CN ngày 1/10/2008; quy hoạch phân khu chức năng phường Cửa Nam năm 2019 được duyệt dựa trên cơ sở quy hoạch Thành cổ năm 2008. Tuy nhiên, theo quy hoạch kế hoạch sử dụng đất của thành phố Vinh đến năm 2020 được UBND tỉnh phê duyệt tháng 1/2020 thì 9 khu tập thể đều phù hợp đất ở. Nếu thực hiện theo quy hoạch Thành cổ năm 2008 thì phải di dời 282 hộ ra khỏi Thành cổ Vinh (7 khu tập thể và 113 hộ khu Công trường 3), như vậy, có 2 vấn đề không đáp ứng được đó là: Nguồn quỹ đất tái định cư cho 282 hộ dân không đáp ứng được nhu cầu các hộ dân (tái định cư xa so với nơi ở hiện tại sẽ có nhiều hộ dân không đồng ý) và nguồn kinh phí xây dựng hạ tầng hiện chưa bố trí được. Nếu tái định cư khu vực lân cận để đáp ứng nguyện vọng của các hộ dân, qua rà soát không có nguồn quỹ đất đáp ứng để tái định cư 282 hộ dân”.

Căn cứ hiện trạng sử dụng đất cùng hiện trạng kiến trúc cảnh quan, đối chiếu với Điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng bảo tồn, tôn tạo di tích Thành cổ Vinh năm 2008, tại Báo cáo số 02/QLĐT-TCT, thành viên Tổ công tác 1713 đề xuất: Đối với 2 khu tập thể phù hợp quy hoạch đất ở đã được phê duyệt quy hoạch chia lô đất ở nhưng còn vướng về thủ tục đất đai theo đề án xóa nhà tập thể cũ, cần phải tổ chức một cuộc họp do UBND tỉnh chủ trì với sự tham gia của các sở, ngành liên quan cùng chính quyền thành phố Vinh và phường Cửa Nam để đề ra phương án giải quyết dứt điểm, làm cơ sở giải quyết các khu tập thể khác.

Một số khu nhà tập thể trong Thành cổ Vinh.
Một số khu nhà tập thể trong Thành cổ Vinh.

Đối với 7 khu tập thể không phù hợp quy hoạch đất ở và 113 hộ thuộc khu tập thể Công trường 3, về quan điểm: Đề nghị điều chỉnh quy hoạch cục bộ trong các khu tập thể, từ quy hoạch đất cây xanh, vườn tượng, quy hoạch khác sang quy hoạch đất ở để tái định cư tại chỗ. Còn về tổng thể, vẫn tôn trọng quy hoạch chi tiết Công viên Thành cổ Vinh được duyệt năm 2008.

Cụ thể, 5 khu tập thể: Nhà Văn hóa trung tâm, Bảo tàng Nghệ An, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh (thuộc khu quy hoạch “cây xanh – vườn tượng”), Công ty Phát hành sách (thuộc khu quy hoạch “cây xanh – vườn tượng” và “Bảo tàng Xô viết”), Sở Thể dục – Thể thao (thuộc khu quy hoạch “Thư viện lịch sử”) có tổng diện tích 1,15 ha, với hiện trạng 111 hộ dân, đề nghị điều chỉnh quy hoạch sang quy hoạch chia lô đất ở. Đồng thời, đề nghị điều chỉnh khu quy hoạch “Công viên lịch sử” đối với phần đất được giới hạn bởi các điểm (A, B, C, D, E, F, G, H, trong bản vẽ Điều chỉnh quy hoạch Thành cổ Vinh năm 2008) với tổng diện tích 2,18 ha sang đất ở để di dời, bố trí tái định cư đối với 171 hộ dân đang trú tại 3 khu tập thể Xí nghiệp 8, Công ty Thực phẩm, Công trường 3.

Đối với khu vực dân cư di dời tái định cư, thành viên Tổ công tác 1713 đề xuất diện tích đất tái định cư giao cho các hộ tối đa là 70 m². Đồng thời, không quên nêu ra phương án làm đẹp cảnh quan, đó là: Về tầng cao công trình nhà ở không được xây dựng quá 3 tầng (tầng 1: 3,6m, tầng 2 và 3: 3,3m; mái: 2,5m; nền cao từ 0,15 – 0,45m). Kiến trúc công trình nhà ở theo kiểu truyền thống (tương tự phố cổ Hà Nội); khuyến khích sử dụng vật liệu truyền thống (hạn chế dùng các vật liệu kính, Inox)…

Theo ông Nguyễn Hoàng Sơn và những đại diện tham dự cuộc họp ngày 22/6/2020, thời gian vừa qua, UBND TP. Vinh đã tiếp tục phát phiếu lấy ý kiến của các hộ dân ở các khu tập thể trong Thành cổ Vinh để hoàn thiện báo cáo trình UBND tỉnh. Ông Nguyễn Hoàng Sơn trao đổi: “Ổn định cuộc sống và có được quyền sử dụng đất là nguyện vọng bức thiết của người dân sống trong các khu tập thể Thành cổ Vinh chờ đợi đã nhiều năm. Việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch Công viên Thành cổ Vinh là hướng mở có tính bản lề, là nền tảng để giải quyết được nguyện vọng của các hộ dân. Chúng tôi hy vọng cấp có thẩm quyền sớm nghiên cứu, cho phép thực hiện…”.

Thành cổ Vinh nhìn từ trên cao tạo thành một hình lục giác giống bông hoa 6 cánh hoàn hảo. Ảnh: Devi Nguyễn
Thành cổ Vinh nhìn từ trên cao tạo thành một hình lục giác giống bông hoa 6 cánh hoàn hảo. Ảnh: Devi Nguyễn