Quy mô nền kinh tế Nghệ An đứng thứ 10/63 tỉnh, thành của cả nước

Thanh Lê 05/12/2023 16:19

(Baonghean.vn) - Đó là một trong những thành tựu nổi bật năm 2023 của tỉnh Nghệ An được nêu trong Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội trình Kỳ họp thứ 17 của HĐND tỉnh khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026.

Hoàn thành đạt và vượt 25/28 chỉ tiêu chủ yếu

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 do đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII cho biết: Năm 2023, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ và nỗ lực của người dân, doanh nghiệp; tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An có những chuyển biến rất tích cực; hoàn thành đạt và vượt 25/28 chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra.

BNA_5827-01.jpeg
Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Cụ thể, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2023 ước đạt 7,14%; trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 4,54%; khu vực công nghiệp - xây dựng ước tăng 6,8%; khu vực dịch vụ ước tăng 8,7%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước tăng 6,65%.

Năm 2023, ước tốc độ tăng trưởng kinh tế, Nghệ An đứng thứ 26 toàn quốc và đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ, quy mô nền kinh tế đứng thứ 10/63 tỉnh, thành của cả nước.

Sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục giữ được mức tăng trưởng ổn định. Tổng sản lượng lương thực cây có hạt ước đạt trên 1,2 triệu tấn.

BNA_5841-01.jpeg
Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2023, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Ảnh: Thành Cường

Chương trình xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Dự kiến đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 319/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 77,62% tổng số xã (số tiêu chí bình quân đạt 17 tiêu chí/xã); 88 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 10 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 9,5%; Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 90.000 tỷ đồng, tăng 3,87%; đặc biệt, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,88 tỷ USD, tăng 13,52% so với năm 2022 (là năm thứ 3 tỉnh Nghệ An hoàn thành vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh).

Thu ngân sách Nhà nước năm 2023 ước thực hiện 17.771 tỷ đồng, đạt 12,07% dự toán (trong đó, thu nội địa ước thực hiện 16.600 tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 1.150 tỷ đồng).

Các công trình trọng điểm trên địa bàn được tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ (như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển, đường giao thông nối Vinh - Cửa Lò, đường giao thông nối từ Quốc lộ 7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ),…).

Công tác chỉ đạo, điều hành, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm. Dự kiến hết năm 2023, tổng vốn đầu tư công ước giải ngân đạt 95,11% kế hoạch.

Tốp 10 về thu hút đầu tư FDI

Thu hút đầu tư đạt kết quả rất tích cực: Tính đến ngày 20/11/2023, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm trên 46.000 tỷ đồng, gấp 1,38 lần mục tiêu đề ra (mục tiêu năm 2023 thu hút vốn đầu tư 32.000-35.000 tỷ đồng); số lượng dự án cấp mới tăng 13%, tổng vốn đăng ký cấp mới gấp 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt, năm 2023, tỉnh Nghệ An tiếp tục nằm trong nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước. Tính đến nay, đã thu hút được 1,42 tỷ USD, dự kiến đến cuối năm 2023 tỉnh Nghệ An thu hút đạt 1,47 tỷ USD.

bna_0438.jpeg
Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Các lĩnh vực giáo dục, y tế, lao động, việc làm, văn hóa, thể thao và công tác an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và đạt kết quả tích cực.

Đặc biệt, tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở (tính đến ngày 31/10/2023, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa được 5.322 căn nhà, gần đạt mục tiêu của năm 2023 là 5.500 căn). Tỉnh đã tổ chức thành công nhiều hoạt động kỷ niệm, sự kiện văn hóa, thể thao,…

Cùng đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, có tính chiến lược như: Hoàn thành tổng kết Nghị quyết số 26-NQ/TW và được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TU ngày 18/7/2023 về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chính phủ đã có Nghị quyết số 162/NQ-CP ngày 04/10/2023 ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW. Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 68-CTr/TU ngày 15/11/2023 thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW); UBND tỉnh sẽ sớm ban hành chương trình kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 39 –NQ/TW. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là những cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để tiếp tục tạo động lực phát triển tỉnh Nghệ An trong giai đoạn tới.

bna_kiem tra CCHC . anh thanh le.jpg
Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát công tác cải cách hành chính tại thị xã Thái Hòa. Ảnh tư liệu: Thanh Lê

Công tác cải cách hành chính, quản lý Nhà nước tiếp tục được quan tâm chỉ đạo quyết liệt và có những chuyển biến tích cực. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban; lựa chọn 7 đơn vị để tập trung chỉ đạo điểm công tác cải cách hành chính. Một số chỉ số phản ánh cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh được cải thiện khá tích cực.

Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố vững chắc, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, đồng bộ, hiệu quả, toàn diện (năm 2023 có hoạt động đối ngoại diễn ra sôi nổi, đạt nhiều kết quả tích cực). Công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng được quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, tồn tại tỉnh cần phải tập trung giải quyết trong thời gian tới, gồm: Có 3/28 chỉ tiêu dự kiến khó đạt mục tiêu đề ra: Tốc độ tăng trưởng GRDP, tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ đô thị hóa. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Thu ngân sách Nhà nước mặc dù vượt 12,07% so với dự toán, nhưng thấp hơn so với thực hiện năm 2022 (chỉ bằng 79,02% so với thực hiện năm 2022). Công tác quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập, nhất là đất đai, khoáng sản, môi trường…

Phấn đấu đạt kết quả cao nhất

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An cho biết: Kế hoạch năm 2024, tỉnh Nghệ An đề ra 28 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 9-10%, thu ngân sách 15.903 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu 3 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người 62-63 triệu đồng; tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội 106.000 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa 33%; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,0-1,5%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 78%; tạo việc làm mới 47.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo 70,1%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 94%; có thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 6 xã đạt chuẩn nông mới kiểu mẫu;...

Để đạt được mục tiêu đề ra, UBND tỉnh tập trung 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp trọng tâm:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị; Nghị quyết số 36/2021/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An. Đặc biệt là phải tập trung một số nội dung trọng tâm như:

Hoàn thành việc xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù để cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW trước tháng 6/2024; Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh;

Trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị thành phố Vinh; Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025; Đề án điều chỉnh mở rộng Khu Kinh tế Đông Nam và đổi tên thành Khu Kinh tế Nghệ An,... theo lộ trình, kế hoạch đã đề ra.

Hai là, tập trung huy động mọi nguồn lực để tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung trọng tâm, trọng điểm đã xác định như: Xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Vinh, Cảng nước sâu Cửa Lò, đường bộ cao tốc, đường ven biển, Dự án LNG Quỳnh Lập…

Chủ động triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, nhất là công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư; đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.

Tập trung chỉ đạo triển khai thủ tục để giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng của các dự án mở rộng Quốc lộ 1A (Quốc hội đồng ý bổ sung 1.275 tỷ đồng), đảm bảo không phát sinh khiếu kiện. Tăng cường quản lý hiệu quả thu, chi ngân sách Nhà nước.

Ba là, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực gắn với cơ cấu lại nền kinh tế.

Bốn là, tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư đa dạng bằng nhiều phương thức, có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; quán triệt quan điểm đồng hành, tạo thuận lợi, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu đầu tư, triển khai thực hiện dự án và trong suốt quá trình hoạt động đầu tư kinh doanh trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục tăng cường quản lý Nhà nước đối với dự án treo, dự án chậm tiến độ và dự án sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn tỉnh.

BNA_5798-01.jpeg
Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Thành Cường

Năm là, thực hiện tốt các nhiệm vụ văn hóa - xã hội, chăm lo đời sống cho người dân, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với xã hội. Chủ động phương án ứng phó hiệu quả với dịch bệnh có thể xảy ra; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025…

Sáu là, quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên thiên nhiên; bảo vệ môi trường sống; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; thực hiện hiệu quả công tác quản lý đất đai,…

Bảy là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả công việc của đội ngũ cán bộ, công chức; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Triển khai đúng tiến độ Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Tám là, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện tốt công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ cơ sở, không để xảy ra “điểm nóng”. Tập trung cao độ để ứng phó với tất cả mọi tình huống xảy ra trên địa bàn tỉnh, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ.

Chín là, triển khai có hiệu quả Chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024. Đẩy mạnh liên kết với các địa phương; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả, đi vào chiều sâu các thỏa thuận hợp tác đã ký kết với các địa phương trong nước, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác, địa phương khác.

Mười là, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tiếp nhận các ý kiến phản biện chính sách để tạo sự đồng thuận cao và phát huy sức mạnh của toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

BNA_5896-01.jpeg
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thành Cường

"Mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 đặt ra yêu cầu rất cao, trong bối cảnh dự báo tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức, biến động khó lường. UBND tỉnh sẽ tiếp tục bám sát tình hình, quyết liệt chỉ đạo, điều hành triển khai, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp sau khi được HĐND tỉnh thông qua. Đồng thời, trân trọng đề nghị Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể nhân dân và cử tri tỉnh nhà tăng cường giám sát, ủng hộ, phối hợp để quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 đã đề ra"- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An nhấn mạnh.

Mới nhất

x
Quy mô nền kinh tế Nghệ An đứng thứ 10/63 tỉnh, thành của cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO