Quyền hạn và trách nhiệm của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông từ ngày 1/1/2025
Bộ Công an vừa ban hành Thông tư số 69/2024/TT-BCA quy định về chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của CSGT.
Theo đó, Thông tư số 69/2024/TT-BCA về yêu cầu, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, trang thiết bị, phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, nguyên tắc, biểu mẫu trong chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; phân công, phân cấp trong công tác chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; quản lý, vận hành, khai thác hệ thống đèn tín hiệu giao thông đường bộ; sử dụng thiết bị thông minh hỗ trợ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; trình tự chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; giải quyết một số trường hợp cụ thể trong khi làm nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ của CSGT và trách nhiệm của các lực lượng khác được giao nhiệm vụ hướng dẫn giao thông trên đường bộ.
Một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư số 69/2024/TT-BCA là những quy định về quyền hạn, trách nhiệm của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông được áp dụng từ ngày 1/1/2025.
Cụ thể, quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông được quy định như sau:
Tạm thời đình chỉ người và phương tiện đi lại ở một số đoạn đường nhất định, phân lại luồng, phân lại tuyến, nơi tạm dừng xe, đỗ xe khi xảy ra ùn tắc giao thông hoặc có yêu cầu cần thiết khác về bảo đảm an ninh, trật tự.
Trong phạm vi, địa bàn được phân công nhiệm vụ chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ hoặc theo kế hoạch, mệnh lệnh của cấp có thẩm quyền được dừng phương tiện để kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông theo quy định của pháp luật.
Xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, an ninh, trật tự và các vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước khác theo quy định của pháp luật; được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Được yêu cầu cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, ùn tắc, cản trở giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Được sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ và phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
Thực hiện các quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Thông tư số 69/2024/TT-BCA cũng quy định các nhiệm vụ của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông như sau:
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an; Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông; giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; kế hoạch hoặc phương án của trưởng Phòng Hướng dẫn điều khiển giao thông và dẫn đoàn thuộc Cục Cảnh sát giao thông; trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an cấp tỉnh; trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Chỉ huy, điều khiển giao thông, phân luồng, phân tuyến, phòng ngừa và giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ, phối hợp với các cơ quan chức năng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên tuyến giao thông, địa bàn được phân công theo quy định.
Phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Bảo vệ hiện trường vụ tai nạn giao thông đường bộ, phối hợp tổ chức cấp cứu người bị nạn và giải quyết tai nạn giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.
Phối hợp với các đơn vị, cơ quan chức năng phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ, phương tiện giao thông đường bộ theo quy định của pháp luật.
Phát hiện sơ hở, thiếu sót trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự để kiến nghị với cơ quan chức năng có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.
Đối với Cảnh sát chỉ huy giao thông ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định phải có trách nhiệm thu thập, phân tích, đánh giá các yếu tố có liên quan để đưa ra giải pháp điều hành hoạt động giao thông đường bộ bảo đảm trật tự, an toàn, thông suốt.