Quyết liệt chống tham nhũng: Những con số "giật mình"!?

01/11/2014 16:41

Theo báo cáo: Năm 2014, có 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng đã bị xử lý, trong đó có 3 người bị xử lý hình sự... Nhìn vào những con số nêu trên, người dân cảm nhận thấy có cái gì đó không bình thường.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng. Một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp đã được xét xử như vụ Dương Chí Dũng, Nguyễn Đức Kiên và Huỳnh Thị Huyền Như…

Tình trạng “lót tay”, “chạy chọt” để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền  gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Nguồn: TH)
Tình trạng “lót tay”, “chạy chọt” để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa. Nguồn: TH)

Tuy nhiên, theo nhiều người, đây mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm” bởi trong báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày nêu rõ, tình hình tham nhũng vẫn diễn biến “phức tạp”, xảy ra ở "nhiều lĩnh vực, nhiều cấp”. Tình trạng tham nhũng "vặt” trong khu vực công vẫn diễn ra phổ biến. Việc kê khai tài sản mang tính “hình thức”; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp...

Bên hành lang Quốc hội, ngày 30/10, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thừa nhận, công tác phòng chống tham nhũng còn nhiều hạn chế. Tham nhũng trong lĩnh vực công vẫn còn nghiêm trọng, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, tín dụng ngân hàng, đất đai, tài nguyên khoáng sản và công tác cán bộ. Các giải pháp phòng ngừa tuy có tích cực triển khai, nhưng một số giải pháp còn hình thức, chưa mang lại hiệu quả cao. Các vụ việc tham nhũng phát hiện còn ít, nhất là những vi phạm được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm toán chuyển cơ quan điều tra chưa nhiều…

Trong khi vấn đề tham nhũng và phòng, chống tham nhũng vẫn luôn “đốt nóng” từ “nghị trường” Quốc hội đến “bàn nước” nhân dân thì cơ quan chức năng lại đưa ra những con số “giật mình”: Năm 2013, trong số 944.000 trường hợp đã kê khai tài sản thu nhập, có 5 người phải xác minh, 1 người bị xử lý kỷ luật (hình thức cảnh cáo) do kê khai không trung thực.

Rồi năm 2014, có 48 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng đã bị xử lý, trong đó có 3 người bị xử lý hình sự; có 32 trường hợp nộp lại quà tặng, riêng Bộ Tài chính có 12 người nộp với tổng số tiền 118 triệu đồng... Và trong số hàng nghìn vụ vi phạm bị phát hiện qua công tác thanh tra, chỉ có 61 vụ được chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự và có tới hơn 1.700 trường hợp vi phạm bị kiến nghị xử lý trách nhiệm “tập thể”. Kết quả thu hồi tài sản đang là một thách thức, số tiền thu hồi về ngân sách nhà nước chỉ đạt 22,3% (khoảng 1.500 tỷ đồng trên tổng số 6.740 tỷ đồng thiệt hại trong các vụ án tham nhũng). Nhiều vụ việc tham nhũng bị phát hiện và đưa ra xét xử, nhưng tỷ lệ cho hưởng án treo vẫn ở mức cao.

Nhìn vào những con số “biết nói” này, người dân cảm nhận có cái gì đó không bình thường, dường như vừa “bất lực”, vừa thiếu nghiêm minh và chưa nghiêm túc. Những con số này đã phần nào giải thích vì sao công tác phòng chống tham nhũng chưa chuyển biến tích cực được và chưa tạo được niềm tin của nhân dân vào công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng...

Trong một số báo cáo trình bày tại nhiều diễn đàn liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, đều xác định các đối tượng tham nhũng thì “thường có chức vụ, quyền hạn, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích”. Cùng với đó là tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước diễn ra phổ biến, biểu hiện qua nạn hối lộ trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công, “lót tay”, “chạy chọt” để được việc khi giao dịch với các cơ quan công quyền vẫn diễn ra hằng ngày gây bức xúc đối với người dân và doanh nghiệp…

Nhiều người cho rằng, tham nhũng tồn tại cùng quyền hành và thế lực. Nói cách khác, không có quyền hành, thế lực, không thể tham nhũng. Do đó, thay mặt nhân dân cả nước báo cáo trước Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng và lãng phí; đẩy mạnh các hoạt động giám sát việc thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, nhất là trong việc sử dụng ngân sách nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty do nhà nước quản lý. Quyết liệt xử lý những hành vi bất chính, bất liêm của người có quyền cao chức trọng, xóa bỏ những “vùng cấm”, những “khoảng tối” ngoại lệ… chắc chắn sẽ tạo được niềm tin đối với người dân trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Nhiều ý kiến cho rằng, cùng với sửa đổi, bổ sung những quy định của pháp luật theo hướng nâng cao chế tài xử lý các trường hợp tham nhũng, dù ở mức độ, quy mô lớn hay là tham nhũng "vặt" cần đi vào chiều sâu, đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm. Mặt khác cần có các biện pháp chính đáng bảo vệ người tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng và xử lý nghiêm những kẻ lợi dụng chống tham nhũng vì động cơ xấu....

Đáng chú ý, để đấu tranh có hiệu quả với “vấn nạn” tham nhũng cần liên kết được số đông và tạo ra sức mạnh tập thể. Muốn làm được điều đó thì vai trò của mỗi người dân là rất quan trọng. Khi mỗi người dân không "lót tay", không "phong bì", không “tiếp tay” cho những hành vi tham nhũng thì tham nhũng không thể “lây lan”.

Cùng với đó là các biện pháp tiến hành kê khai tài sản, thu nhập phải được thực hiện nghiêm túc, phải có sự giám sát chặt chẽ nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp kê khai thiếu trung thực…

Tham nhũng đã được nói nhiều, bàn nhiều và hiện được coi là quốc nạn, liên quan đến sự phát triển của đất nước và sự tồn vong của chế độ. Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp từ phòng ngừa, xây dựng thể chế đến phát hiện xử lý tham nhũng gắn với vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan thông tin đại chúng và người dân thì mới mong có chuyển biến. Nếu không có các giải pháp đủ mạnh để quyết liệt chống tham nhũng và nếu không thực hiện nghiêm các giải pháp ấy, tham nhũng trở thành một thứ “ung thư” di căn trong lòng xã hội, sẽ biến hình và gây hậu quả khó lường./.

Thu Hà /DCSVN
Quyết liệt chống tham nhũng: Những con số "giật mình"!?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO