Phát huy truyền thống quyết tâm xây dựng huyện Quỳ Hợp giàu đẹp, văn minh

Là một huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An, trong sự nghiệp đổi mới, huyện Quỳ Hợp được biết đến là một trong những địa phương có nền kinh tế, nhất là công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp phát triển năng động.

Theo đó, nhiệm kỳ 2015-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7,47%, cao hơn tốc độ giai đoạn 2011-2015. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản và dịch vụ thương mại chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản chiếm 36,8%; dịch vụ thương mại chiếm 35,5%; nông, lâm, thủy sản chiếm 27,7%. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 60 triệu đồng; thu ngân sách ước đạt 163 tỷ đồng. Chi ngân sách đúng quy định, bảo đảm hoạt động thường xuyên cho cả hệ thống chính trị.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh Nghệ An về thăm, làm việc tại huyện Quỳ Hợp.
Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, tỉnh Nghệ An về thăm, làm việc tại huyện Quỳ Hợp.

Công tác thu hút đầu tư, huy động nguồn lực đạt được nhiều kết quả khả quan. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 ước đạt hơn 7.262 tỷ đồng (trong đó, người dân đóng góp 762,5 tỷ đồng), gấp 2,4 lần so với giai đoạn 2011-2015. Có một số dự án đầu tư lớn như: Công trình thủy lợi, thủy điện Bản Mồng; Dự án trại chăn nuôi lợn công nghệ cao tại xã Hạ Sơn; Trung tâm tổ chức sự kiện Nam Dung; Nhà máy chế biến bột đá trắng siêu mịn – Công ty Trung Hải; Nhà máy chế biến đá mỹ nghệ công nghệ cao – Công ty Toàn Thắng…

Trên địa bàn có 6 cụm công nghiệp đã quy hoạch được đầu tư nâng cấp hạ tầng và hoạt động có hiệu quả. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng mạnh như: bột đá trắng, đá ốp lát, đá hộc, vật liệu xây dựng… Các ngành dịch vụ, thương mại phát triển nhanh và chiếm tỷ trọng cao trong nền kinh tế. Hoạt động các ngành vận tải, nhà hàng, khách sạn, bưu chính viễn thông, tài chính ngân hàng, thương mại, các sản phẩm khoáng sản phát triển nhanh. Kinh tế tư nhân phát triển mạnh, đến nay, tổng số doanh nghiệp là 318 (đang hoạt động 305, tạm ngừng hoạt động 13); 25 hợp tác xã, 1.300 hộ kinh doanh cá thể.

Sản xuất công nghiệp tại Quỳ Hợp được quan tâm đầu tư và hoạt động có hiệu quả.
Sản xuất công nghiệp tại Quỳ Hợp được quan tâm đầu tư và hoạt động có hiệu quả.

Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm đúng mức, được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và đạt nhiều kết quả quan trọng. Đến tháng 6/2020, toàn huyện có 6 xã, 14 xóm, bản đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại đạt từ 5 – 8 tiêu chí; bình quân đạt 10,25 tiêu chí/xã.

Song song với phát triển kinh tế, Đảng bộ huyện quan tâm lãnh đạo phát triển văn hóa – xã hội. Giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển, là một trong những huyện có thành tích cao. Chất lượng giáo dục, đào tạo, phổ cập giáo dục, chất lượng giáo viên, học sinh ngày càng được nâng lên. Tỷ lệ trường đạt chuẩn Quốc gia đạt 82,6%, các chỉ tiêu về giáo dục đạt và vượt Nghị quyết. Ngành Giáo dục và Đào tạo huyện 5 năm liền được Sở Giáo dục và Đào tạo xếp loại xuất sắc.

Quỳ Hợp là một trong những huyện có thành tích cao về giáo dục - đào tạo (Trong ảnh: Trường Mầm non Bắc Sơn).
Quỳ Hợp là một trong những huyện có thành tích cao về giáo dục - đào tạo (Trong ảnh: Trường Mầm non Bắc Sơn).

Hoạt động văn hóa, thể thao và thông tin, truyền thông có nhiều chuyển biến tích cực. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển mạnh. Tỷ lệ gia đình văn hóa, làng, bản văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa đạt cao, chất lượng ngày càng nâng lên. Huyện tiếp tục chỉ đạo thực hiện xây dựng huyện điểm văn hóa miền núi, dân tộc thiểu số.

Chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác dân số, gia đình, trẻ em có nhiều chuyển biến tích cực. Các chính sách xã hội được thực hiện nghiêm túc. Các chỉ tiêu tạo việc làm, xuất khẩu lao động, đào tạo nghề đạt cao. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn 10,22%; quốc phòng được đảm bảo; an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Lễ hội Đền Choọng, xã Châu Lý; Bà con các dân tộc huyện Quỳ Hợp vui ngày hội Đại đoàn kết.
Lễ hội Đền Choọng, xã Châu Lý; Bà con các dân tộc huyện Quỳ Hợp vui ngày hội Đại đoàn kết.

Công tác xây dựng Đảng đạt nhiều kết quả quan trọng trên cả 3 mặt: chính trị, tư tưởng và tổ chức; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng được nâng lên rõ rệt. Trong nhiệm kỳ đã kết nạp được 1.300 đảng viên (đạt 104% Nghị quyết), đến tháng 6 năm 2020 tổng số đảng viên là 7.733 đồng chí; thành lập được 3 tổ chức Đảng trong doanh nghiệp tư nhân.

Bước vào nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Quỳ Hợp đề ra mục tiêu tổng quát: Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế; tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng; quan tâm đúng mức công tác an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa. Phấn đấu xây dựng huyện Quỳ Hợp ngày càng giàu đẹp, văn minh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Lãnh đạo huyện Quỳ Hợp trao quyết định bổ nhiệm chức danh giám đốc, phó giám đốc Trung tâm VH-TT-TH; Công khai đối tượng phải nộp thuế và nợ thuế tại UBND thị trấn Quỳ Hợp.
Lãnh đạo huyện Quỳ Hợp trao quyết định bổ nhiệm chức danh giám đốc, phó giám đốc Trung tâm VH-TT-TH; Công khai đối tượng phải nộp thuế và nợ thuế tại UBND thị trấn Quỳ Hợp.

Đảng bộ huyện Quỳ Hợp xác định chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm (2020-2025) là 8,5%/năm. Phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 trên 70 triệu đồng; cơ cấu kinh tế đến năm 2025: nông nghiệp 23-24%, công nghiệp xây dựng 40-41%, dịch vụ thương mại 35-37%; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đến năm 2025 là 180-210 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2020-2025 đạt 10.917 tỷ đồng…

Để thực hiện được các mục tiêu trên, Đảng bộ huyện đề ra 3 trọng tâm đột phá cho sự phát triển:

Thứ nhất, đổi mới tư duy, tác phong, lề lối làm việc, phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở, đặc biệt là vai trò nêu gương của người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện các quy định về công tác cán bộ; xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Huyện Quỳ Hợp đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như cam, dưa lưới.
Huyện Quỳ Hợp đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như cam, dưa lưới.

Thứ hai, sử dụng có hiệu quả, đúng mục tiêu các nguồn lực như: vốn đầu tư công, đóng góp hỗ trợ của doanh nghiệp và các nguồn xã hội hóa để thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 theo Đề án của Chính phủ. Kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đầu tư trang thiết bị tiên tiến, hiện đại nhằm chế biến sâu, tiết kiệm tài nguyên, nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chế biến nông, lâm sản, nâng sức cạnh tranh trong tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện.

Thứ ba, phát huy tiềm năng của huyện về văn hóa, lịch sử, danh lam, thắng cảnh, huy động tối đa các nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, phương thức đầu tư để phát triển dịch vụ và các loại hình du lịch gắn với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

Trên tinh thần “Đoàn kết – Dân chủ – Kỷ cương – Sáng tạo – Phát triển”, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Quỳ Hợp thống nhất quyết tâm phát huy thành tựu đã đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức; khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong nhiệm kỳ qua để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của giai đoạn 2020-2025, xây dựng huyện nhà giàu đẹp, văn minh.

Một góc hồ Thung Mây, thị trấn Quỳ Hợp.
Một góc hồ Thung Mây, thị trấn Quỳ Hợp.