Quỳnh Minh: Tăng năng suất, giá trị rau màu sau "chuyển đổi" đất

30/12/2014 10:41

(Baonghean) - Nông dân xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu) có truyền thống trồng rau màu, sau thực hiện dồn điền đổi thửa theo Chỉ thị 08 của Tỉnh ủy, đồng đất Quỳnh Minh không chỉ tạo ra năng suất, sản lượng lớn rau màu hàng hóa, mà bà con đã, đang du nhập các giống rau màu cao cấp ngoại tỉnh vào thâm canh, tạo đa dạng sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường.

(Baonghean) - Nông dân xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu) có truyền thống trồng rau màu, sau thực hiện dồn điền đổi thửa theo Chỉ thị 08 của Tỉnh ủy, đồng đất Quỳnh Minh không chỉ tạo ra năng suất, sản lượng lớn rau màu hàng hóa, mà bà con đã, đang du nhập các giống rau màu cao cấp ngoại tỉnh vào thâm canh, tạo đa dạng sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường.

Các cánh đồng màu Quỳnh Minh vào những ngày này xanh mướt hành hoa, cải bắp, xu hào và cải ngọt. Những ngày mưa lớn thời quan qua, cây rau vẫn phát triển tốt, không bị úng nước nhờ hệ thống thủy lợi nội đồng được quy hoạch và chỉnh trang, xây dựng liên kết gắn hệ thống đường giao thông rộng từ 4 - 6m thuận lợi cho việc đưa cơ giới vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Nông dân xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu) chăm sóc, thu hoạch rau màu.
Nông dân xã Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu) chăm sóc, thu hoạch rau màu.

Ông Hoàng Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã cho biết: Thực tế ở Quỳnh Minh minh chứng việc dồn điền đổi thửa và khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp, thực hiện CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn là chủ trương đúng đắn hợp lòng dân, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế đa thành phần. Sau dồn điền, đổi thửa đã tạo thuận lợi cho việc chuyên canh sản xuất rau màu hàng hóa, từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp để phát triển ngành nghề khác theo hướng phân công lại lao động “ai giỏi nghề gì làm nghề nấy”. Là xã đất chật người đông, đất nông nghiệp bình quân đầu người rất thấp, chỉ có 330m2/khẩu, trước đây bình quân mỗi hộ có đến 5,9 thửa, ruộng đất manh mún, sản xuất kém hiệu quả, hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng chưa quy hoạch, tình trạng đất đai bị bỏ hoang lâu ngày trở thành những vùng đất “chết”.

Sau khi có Chỉ thị 08, Ban Thường vụ Đảng ủy đã tập trung chỉ đạo quán triệt chỉ thị đến từng đảng viên và đến tận mọi người dân, từ đó có đóng góp ý kiến xây dựng Đề án dồn điền, đổi thửa của xã; coi đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng sâu rộng để cán bộ và nhân dân hiến kế xây dựng đề án gắn liền quyền lợi kinh tế với mỗi hộ gia đình. Hệ thống chính trị từ xã xuống các xóm thực sự vào cuộc, vận động đoàn viên hội viên của mình, cán bộ đảng viên gương mẫu đi đầu trong cuộc vận động, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân để xã tổ chức thực hiện thành công dồn điền, đổi thửa. Sau dồn điền, đổi thửa, toàn xã còn lại 3.239 thửa, giảm được 2.436 thửa (giảm 43,7%), ruộng đất được khoanh vùng thuận cư thuận canh tiện lợi cho việc chăm sóc và thu hoạch. Xã đã cơ cấu hơn 100 ha đất chuyên canh rau màu, mỗi năm luân canh gối vụ từ 3-4 vụ, năng suất bình quân 22 tấn/ha/vụ, sản lượng hàng năm đạt trên 10.000 tấn rau màu các loại, giá trị thu nhập ngành nông nghiệp là 45,4 tỷ đồng, chiếm 38,4% tổng giá trị thu nhập toàn xã, đời sống nhân dân được nâng cao, diện tích gieo trồng được khép kín, đồng ruộng được quy hoạch lại hệ thống kênh giao thông thủy lợi. Đặc biệt hệ thống mương được bê tông hóa cơ bản, nên mặc dù lượng mưa rất lớn vừa qua vẫn được tiêu thoát rất tốt.

Bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và địa phương, xã đã xây dựng được hàng chục ki-lô-mét mương bê tông, 3 trạm biến áp điện công suất 275KVA và hạ tải hàng chục ki-lô-mét lưới điện từ 0,2kv - 0,4kv để phục vụ sản xuất. Tổng giá trị đầu tư cho hệ thống tưới tiêu toàn xã là hàng chục tỷ đồng, ngoài ra, nhân dân tự bỏ vốn đầu tư xây dựng gần 2.000 giếng khơi và giếng khoan để chủ động nguồn nước tưới. Nhiều hộ có sáng kiến đầu tư hàng chục triệu đồng làm hệ thống tưới ẩm phun sương tự động, giải phóng sức lao động, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất. Đặc biệt, sau khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành, ruộng đất được Nhà nước giao thêm thời hạn, bà con thật sự yên tâm đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng, tập trung cải tạo đồng ruộng với hàng ngàn ngày công và đưa hàng trăm mét khối cát xuống cải tạo đồng đất sét; diện tích trước đây bỏ hoang nay đã được phục hóa đưa vào sử dụng, đất đai màu mỡ lên, nhờ đó mà năng suất cây trồng tăng lên thấy rõ. Trước đây, giá trị thu nhập bình quân mỗi ha là 100 triệu đồng, rồi 150 triệu đồng, nhưng nay nhiều cánh đồng đã đạt hơn 200 trăm triệu đồng/ha/năm. Hàng trăm hộ nông dân Quỳnh Minh đã làm giàu bằng đôi tay cần cù lao động trên mảnh ruộng được nhà nước giao quyền sử dụng.

Tuy nhiên, với xu thế phát triển cây rau màu như hiện nay, xã đang có hướng vận động nhân dân bổ sung cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa chủng loại rau màu có giá trị kinh tế cao, đột phá đưa các loại giống đậu, đỗ, cần tây, tỏi tây vào thâm canh… để cung ứng cho thị trường, để không ngừng nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích. Ông Hồ Diên Vỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết thêm: “Hiện nay, Hội Nông dân đang xây dựng mô hình thí điểm trồng cây đậu bắp trên vùng đất cát. Ưu điểm của giống cây này thời vụ ngắn, năng suất cao, sản phẩm được ưa chuộng trên thị trường các tỉnh và thành phố Hà Nội, loại giống này trước đây được trồng ở các tỉnh phía Nam, nhưng qua nghiên cứu đặc tính cây đậu bắp cũng giống như một số cây đậu đỗ được trồng ở miền Bắc, về ưu điểm là giá trị kinh tế khá cao so với nhiều giống cây trồng khác tại địa phương, nếu mô hình thành công thì đây là một hướng đi mới cho ngành nông nghiệp ở địa phương”.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng với đội ngũ cán bộ có nhiều kinh nghiệm, tư duy nhạy bén, nắm bắt được cơ chế thị trường, cộng với tính cần cù sáng tạo của bà con nông dân sẽ là đòn bẩy thúc đẩy nền kinh tế của xã nhà và phát huy hiệu quả sau dồn điền đổi thửa theo tinh thần Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong những năm tới.

Phạm Hữu Hớn

(UBND xã Quỳnh Minh - Quỳnh Lưu)

Mới nhất
x
Quỳnh Minh: Tăng năng suất, giá trị rau màu sau "chuyển đổi" đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO