Thương tiếng Oanh vàng đã tắt
(Baonghean.vn) - Nhiều người đã rất tiếc thương khi biết tin Nghệ nhân Nhân dân Hồng Oanh rời cõi tạm ở tuổi 70 sau một cơn đột quỵ vào khuya ngày 13/2.
Không chỉ là những người Nghệ ở phương Nam, mà bạn bè, đồng nghiệp, khán giả say mê làn điệu ví, giặm, thơ ca mà chị từng biểu diễn ở khắp cả nước đều cảm thấy hẫng hụt, mất đi một nghệ nhân tâm huyết, dành trọn đời mình để cống hiến, lan tỏa các loại hình văn hóa dân gian.
Nghệ nhân Nhân dân Hồng Oanh tên thật là Nguyễn Thị Hồng Vanh, quê ở xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhiều đời có truyền thống gắn với nghề Đông y. Từ nhỏ chị đã có năng khiếu với dân ca ví, giặm, được sống trong làng quê giàu văn hóa ví, giặm, ca trù. Lúc trưởng thành, dù gắn với công việc kế toán, thống kê nhưng chị vẫn dành một niềm đam mê đặc biệt với ví, giặm. Chị thuộc nhiều bài ví, giặm cổ, truyện Kiều, thơ ca và dần dần tự sáng tác nhiều tác phẩm thơ với chất liệu dân gian, nguồn cội.
Năm 1989, chị vào Nam và niềm đam mê được hát, được lan tỏa văn hóa dân gian đến mọi người trở nên rộng mở. Chị tham gia sinh hoạt ở nhiều câu lạc bộ, mang tiếng hát, những câu hò, điệu ví cho người dân TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam.
Năm 2016, được sự ủng hộ của Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP Hồ Chí Minh, chị đã sáng lập Câu lạc bộ dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh phía Nam và từ đó đến nay, chị dẫn dắt Câu lạc bộ tham gia nhiều chương trình văn hóa, văn nghệ lớn của chính quyền TP Hồ Chí Minh, các chương trình truyền hình, phát thanh của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh và Đài Phát thanh TP Hồ Chí Minh; tham gia sưu tầm các di sản văn hóa dân gian, phối hợp với các trường đại học, cơ sở giáo dục tổ chức các chương trình thơ, biểu diễn dân ca ví, giặm, văn hóa dân gian...
Chị đã tổ chức sản xuất 1 bộ CD hát thơ Kiều bằng phong cách 3 miền Bắc - Trung - Nam; xuất bản 4 tập thơ, 1 cuốn sách về lễ hội, biên soạn tập thơ "Đường về xứ Nghệ" dày 2.000 trang, với khoảng 1.800 bài thơ của hơn 600 tác giả tiêu biểu là người Nghệ An, Hà Tĩnh... Với những cống hiến không mệt mỏi, trên cơ sở đề nghị của UBND TP Hồ Chí Minh, ngày 4-3-2022, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Hồng Oanh được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.
Ngoài ra chị còn giành được nhiều bằng khen, giải thưởng của nhiều bộ, ngành, địa phương, liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam... vì có nhiều thành tích xuất sắc trong sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu và bảo tồn các loại hình văn hóa dân gian..
Nghệ nhân Nhân dân Hồng Oanh đã ngâm, đã hát suốt cả thời thanh xuân cho đến lúc biết mình không thể hát sau phút đột quỵ đến bất ngờ ngay trong ngày Tết Giáp Thìn 2024. Chị đã như thế với niềm đam mê, nhiệt huyết và cống hiến cho văn hóa dân gian.
Nhiều lần trò chuyện, Nghệ nhân Nhân dân Hồng Oanh chia sẻ, văn hóa dân gian không chỉ là vốn quý, mà còn là một mỏ vàng, tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam và của cả nhân loại. Không phải ngẫu nhiên mà UNESCO ghi danh 15 loại hình văn hóa dân gian truyền thống của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Văn hóa còn thì gốc rễ, nguồn cội còn, nên cần phải giữ bằng được, phát huy, lan tỏa cho lớp trẻ thấu hiểu và thêm yêu các loại hình văn hóa dân gian.
Sự lo lắng của chị cũng rất đúng, nhất là đối với những người có niềm đam mê, dành trọn đời mình với văn hóa dân gian như chị. Trong thế giới phẳng, đa phương tiện với những loại hình văn hóa mới, du nhập từ nước ngoài khiến nhiều người phai nhạt hoặc hờ hững, lãng quên với các thể loại văn hóa dân gian như: Ví, giặm, ca trù, chòi, cải lương, quan họ...
Nghệ nhân Nhân dân Hồng Oanh luôn sống chân tình, mộc mạc, khát vọng tìm lại những di sản cổ về văn hóa dân gian, đặc biệt là di sản ví, giặm và có sự mong muốn mãnh liệt tạo sự lan tỏa âm nhạc truyền thống, di sản văn hóa. Các chương trình văn hóa nghệ thuật dù lớn hay nhỏ, dù ở TP Hồ Chí Minh hay ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, dù tuổi đã cao, từng đột quỵ một lần, nhưng khi được mời, chị đều hứng khởi, hăng hái tham gia.
Những dịp ngồi trò chuyện với chị, tôi và những người xung quanh đều lặng đi để nghe chị say sưa nói về những giá trị của di sản ví, giặm, ca trù, về Truyện Kiều và các loại hình văn hóa dân gian khác... Nói đến đâu chị đều có thể ngâm, cất cao lời hát như để minh họa tạo nên sự cuốn hút, hấp dẫn đến kỳ lạ.
Trước Tết, trong câu chuyện chị còn chia sẻ với tôi về mong muốn có được một chương trình hội thảo gắn với chủ đề phát huy các loại hình văn hóa dân gian với người trẻ. Chị muốn phối hợp với nhiều cơ sở giáo dục để đưa nhiều hơn nữa các chương trình, buổi thỉnh giảng về văn hóa dân gian một cách sinh động, dễ tiếp nhận, qua đó để lớp trẻ thấy được cái giá trị sâu sắc, to lớn các loại hình văn hóa dân gian, truyền thống mà cha ông để lại, đã hình thành suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Ước mơ và khát vọng của chị còn nhiều lắm, nhưng con đường ấy sắp tới đã thiếu vắng chị, như tiếng oanh vàng đã tắt ngày xuân để lại bao niềm tiếc thương đối với người say mê làn điệu ví, giặm, văn hóa dân gian.