Rà soát, đánh giá kỹ hậu quả các văn bản trái pháp luật gây ra
(Baonghean.vn) - Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp đề nghị UBND tỉnh Nghệ An rà soát, phân loại các văn bản trái pháp luật; đánh giá kỹ hậu quả và xử lý trách nhiệm các cá nhân tham mưu ban hành các văn bản trên.
Chiều 7/11, Đoàn công tác kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về việc kiểm tra công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Đồng chí Đồng Ngọc Ba – Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp làm trưởng đoàn. Chủ trì làm việc với đoàn có đồng chí Huỳnh Thanh Điền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Phạm Bằng |
Từ năm 2016 đến 30/8/2018, UBND tỉnh tự kiểm tra, xử lý 280 văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành; phát hiện 18 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Số văn bản cấp huyện gửi đến được kiểm tra là 339 văn bản, phát hiện 34 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.
Đối với văn bản được UBND tỉnh kiểm tra theo thẩm quyền đã phát hiện có 138/3.925 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật. Về cấp huyện, số văn bản tự kiểm tra và phát hiện có dấu hiệu trái pháp luật là 267/6.600 văn bản. Cấp huyện đã tự kiểm tra theo thẩm quyền và phát hiện 493/3.925 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.
Sau khi phát hiện văn bản trái pháp luật, HĐND, UBND các cấp đã ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế để phù hợp với pháp luật hiện hành. Các cấp có thẩm quyền đã tiến hành xử lý đối với các văn bản ban hành trái pháp luật theo quy định.
Đánh giá về hậu quả, tác hại do văn bản trái pháp luật gây ra, UBND tỉnh cho rằng, đa số các văn bản chưa mang lại những thiệt hại về vật chất cũng như tác động tiêu cực đến tình hình ANTT, khiếu nại, khiếu kiện phát sinh từ nội dung trái pháp luật của văn bản. Một số quy định trái pháp luật có phạm vi và đối tượng tác động nhỏ, chỉ trong một nhóm đối tượng.
Đồng chí Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi thêm những nội dung mà đoàn yêu cầu. Ảnh: Phạm Bằng |
UBND tỉnh còn cho rằng, hoạt động kiểm tra văn bản QPPL phát huy được hiệu quả thiết thực, lập lại trật tự trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản QPPL. Các đơn vị đã kịp thời xử lý các văn bản có nội dung trái pháp luật, tổ chức rút kinh nghiệm đối với văn bản sai sót về thể thức và kỹ thuật trình bày.
Tuy nhiên, vẫn còn một số ngành, đơn vị, địa phương chưa thực sự chủ động thực hiện công tác tự kiểm tra văn bản do ngành mình tham mưu ban hành; Việc xử lý văn bản có nội dung trái pháp luật của cơ quan ban hành văn bản còn chậm so với quy định.
"Rất khó để xử lý trách nhiệm, vì rất khó để xác định được lỗi do hạn chế về năng lực, nhận thức của tổ chức, cá nhân trong công tác tham mưu, ban hành văn bản hay là lỗi cố tình vi phạm. Do đó, việc xử lý đối với tổ chức, cá nhân chủ yếu mới thông qua hình thức họp kiểm điểm, rút kinh nghiệm", báo cáo nêu.
Hàng năm, UBND tỉnh đã tiến hành rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL để xác định văn bản còn hiệu lực, hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần, đồng thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ ban hành mới đối với các văn bản không còn phù hợp hoặc chưa có pháp luật điều chỉnh.
Tại buổi làm việc, đoàn kiểm tra đã thông báo kết quả đánh giá sơ bộ có 10 văn bản QPPL do HĐND và UBND tỉnh ban hành có dấu hiệu trái quy định pháp luật. Sau đó, lãnh đạo UBND tỉnh, các ngành và đoàn kiểm tra đã trực tiếp trao đổi về những nội dung cụ thể trong các văn bản này.
Đồng chí Đồng Ngọc Ba – Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp đề nghị tỉnh Nghệ An đánh giá kỹ hậu quả của các văn bản trái pháp luật gây ra. Ảnh: Phạm Bằng |
Thay mặt đoàn kiểm tra, đồng chí Đồng Ngọc Ba – Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp kết luận, Nghệ An trong thời gian qua đã triển khai đồng bộ cả 3 cấp về kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật. Công tác xây dựng thể chế, bộ máy, biên chế, xây dựng cơ sở dữ liệu tương đối đầy đủ. Công tác tự kiểm tra, kiểm tra theo thẩm quyền và rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL được tỉnh quan tâm và triển khai tốt.
Tuy nhiên, việc ban hành văn bản QPPL ở tỉnh còn có những hạn chế, như nhận thức không đúng về thẩm quyền, sai nội dung, sai kỹ thuật trình bày, hiệu lực thi hành… Tổng số văn bản tự kiểm tra và kiểm tra có dấu hiệu trái pháp luật vẫn còn lớn. Vì vậy, đoàn kiểm tra đề nghị UBND tỉnh và các ngành, địa phương đánh giá kỹ lại hậu quả của các văn bản trái pháp luật đã được ban hành. Rà soát, phân loại cụ thể các văn bản trái pháp luật; yêu cầu xử lý trách nhiệm các cá nhân tham mưu văn bản trái pháp luật theo quy định của pháp luật.