Radar Việt Nam sản xuất bắt mục tiêu tàng hình từ 300km
Theo QPVN, Viện Radar thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự (KHCNQS) đã chế tạo thành công radar có thể bắt mục tiêu tàng hình từ khoảng cách gần 300km.
Với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ dẫn đến sự phát triển những phương pháp làm mù radar thông thường, trên thế giới, các loại máy bay chiến đấu thuộc thế hệ 4+ và thế hệ 5 có trang bị công nghệ tàng hình hoàn toàn có thể lẩn trốn khỏi sự phát hiện của các loại radar thông thường.
Để trấn áp được sức mạnh này, Viện Radar thuộc Viện KHCNQS đã cho ra đời sản phẩm là hệ thống radar thụ động RTH. Sản phẩm radar thụ động được nghiên cứu phát triển để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ như phát hiện, định vị, bám quỹ đạo của các mục tiêu bay có phát xạ vô tuyến dạng xung, phân tích các đặc trưng của tín hiệu vô tuyến.
Mô hình đài radar Việt Nam tự sản xuất. |
Từ đó phân tích nhận dạng mục tiêu, cung cấp thông tin tình báo hàng không phục vụ công tác an ninh quốc phòng. Đây là hướng đi mới trong lĩnh vực phát triển radar nói riêng và của công tác nghiên cứu khoa học quân sự nói chung.
Trung úy Phương Văn Quang, Trợ lý phòng Anten đường truyền, Viện Radar thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự cho biết: "Qua việc nhận dạng chúng tôi đã xây dựng được một ngân hàng dữ liệu và từ đó giúp cho việc nhận dạng mục tiêu. Tính năng kỹ chiến thuật ban đầu đề ra sẽ bắt được những mục tiêu ở cự ly khoảng 200km. Qua quá trình thực hiện và triển khai, cự ly bắt được mục tiêu đã lên tới 270km.
Trong thử nghiệm, chúng tôi đã triển khai 3 trạm ở các vị trí Hưng Yên, Hòa Lạc, ở Đan Phượng và thực hiện phép toán giao hội giữa 3 trạm thì đã thu được tín hiệu rất tốt từ các mục tiêu bay".
Với các radar thông thường, muốn phát hiện được mục tiêu thì chính bản thân radar phải phát tín hiệu vô tuyến vào không gian. Tín hiệu vô tuyến được phát đi sau khi gặp phải các mục tiêu có diện tích phản xạ hiệu dụng đáng kể như máy bay, tên lửa sẽ phản xạ trở lại theo mọi hướng. Tín hiệu phản xạ đến máy thu của radar sẽ hiển thị lên màn hình các thông tin về mục tiêu như cự ly, góc phương vị, vận tốc.
Khác với radar thông thường, radar thụ động không phát xạ tín hiệu vô tuyến điện vào không gian mà chỉ thu tín hiệu phát xạ vô tuyến điện dạng xung từ các mục tiêu bay như tín hiệu thông tin liên lạc giữa các máy bay với nhau, giữa các máy bay với mặt đất hoặc tín hiệu của radar bám địa hình, radar thời tiết trên máy bay bằng 3 trạm thu cố định tại 3 vị trí khác nhau thành hình tam giác.
Dựa trên sự sai khác về thời gian của tín hiệu thu nhận về và sử dụng phép toán giao hội sẽ cho các tham số về mục tiêu như cự ly, góc phương vị, vận tốc. Qua quá trình triển khai thực tế, nhóm nghiên cứu đã phát hiện được mục tiêu từ cự ly 270m, vượt xa so với yêu cầu thiết kế ban đầu.
Trung úy Phương Văn Quang cho biết thêm: "Đối với các loại máy bay tàng hình do sử dụng những vật liệu đặc biệt để chế tạo khiến những tín hiệu gặp nó sẽ không phản xạ ngược trở lại. Vì vậy, các loại radar thông thường sẽ không thu lại được tín hiệu của máy bay tàng hình.
Tuy nhiên, riêng với những đài radar thụ động RTH sử dụng nguyên lý mới không phát đi tín hiệu mà hệ thống này thu những tín hiệu phát ra ở dạng xung của mục tiêu tàng hình. Qua việc thu được những tín hiệu này, radar sẽ so sánh với ngân hàng dữ liệu để đưa ra kết luận đây là máy bay tàng hình với cự ly và tốc độ bay cụ thể".
Có thể nói, trong cuộc chiến tàng hình và chống tàng hình, radar thụ động là con át chủ bài cho các quốc gia muốn bảo vệ không phận trong chiến tranh hiện đại. Nhưng để giải quyết các vấn đề về khoa học kỹ thuật, chế tạo radar thụ động không hề dễ dàng và giá thành thường lại rất cao. Vì vậy, việc Việt Nam chế tạo thành công radar thụ động chống tàng hình là thành công lớn của ngành khoa học quân sự Việt Nam.