Rầm rộ khai thác rừng đốt than ở Quỳ Châu (Nghệ An)
(Baonghean.vn) - Trên địa bàn huyện Quỳ Châu diễn ra tình trạng người dân khai thác rừng để đốt than củi. Dư luận quan tâm, liệu bên cạnh diện tích rừng trồng, những cánh rừng phòng hộ có bị xâm lấn?
Xe tải chở gỗ ra khỏi rừng ở xã Châu Hoàn (Quỳ Châu). |
Trong thời gian gần đây, chúng tôi nhận được thông tin nhiều diện tích rừng ở các địa bàn xã Châu Hội, Châu Nga (Quỳ Châu) bị chặt lấy gỗ đốt than… tác động xấu đến hệ sinh thái rừng đầu nguồn. Những cánh rừng này được Nhà nước giao đất, giao rừng cho người dân theo Nghị định 163 của Chính phủ.
Những cây gỗ sữa to thuộc rừng Khe Quến địa phận Kẻ Tằn 2, xã Châu Hội. Đây thuộc rừng giao cho bà con khoanh nuôi bảo vệ cũng bị đốn hạ. |
Đốn gỗ đem về bán kiếm tiền lâu nay trở thành nghề mưu sinh của một số hộ dân trên địa bàn Qùy Châu. Khi mua được gỗ từ người khai thác, những đầu nậu gỗ điều xe tải đến chuyển chở từ những bản làng thuộc các xã Châu Hội, Châu Nga... mang đi tiêu thụ.
Có hàng chục lò "om" than hoạt động liên tục ở huyện Quỳ Châu. |
Một lò đốt than củi đang hoạt động tại Khe Quến (Quỳ Châu). |
Đáng nghi vấn khi hoạt động vận chuyển gỗ diễn ra vào đêm khuya. Dư luận quan tâm, liệu bên cạnh rừng trồng, những cánh rừng đặc dụng đầu nguồn có bị xâm lấn?
Huyện Quỳ Châu có gần 79.000 ha đất rừng. Trong khi phát rừng đốt than, bán gỗ và chuẩn bị cho chu kỳ trồng rừng mới, một số người dân ở Châu Hội, Châu Nga đã phát lấn sang một số diện tích rừng khác.
Chiếc xe ben mang BKS 37C - 036.24 chở gỗ bị lực lượng Kiểm lâm Quỳ Châu kiểm tra trong đêm 14, rạng ngày 15/3/2016. |
Trao đổi với PV Báo Nghệ An, ông Nguyễn Viết Khánh - Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Quỳ Châu cũng tỏ ra thông cảm đối với đời sống của bà con trên địa bàn có rừng bị xâm hại. Ở những địa bàn như Châu Hội, Châu Nga, đời sống người dân chủ yếu dựa vào rừng núi, đất sản xuất lại thiếu việc làm nên một số người dân coi việc đốt than như một kế sinh nhai.
Video Ý kiến của ông Nguyễn Viết Khánh - Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Quỳ Châu
.
Đội Kiểm lâm cơ động - PCCR số 3 hiện chỉ có 15 cán bộ nhưng phải phụ trách cả địa bàn rộng lớn gồm các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn và Quỳnh Lưu. Còn lực lượng kiểm lâm huyện Quỳ Châu có 17 người trực tiếp làm việc tại các bản làng. Công việc giữ rừng đang gặp nhiều khó khăn khi hoạt động khai thác rừng đang diễn ra rầm rộ ở nhiều bản làng vùng sâu.
Nhóm PV
TIN LIÊN QUAN