Rầy "tấn công" lúa xuân
(Baonghean) Hiện tại, diện tích lúa xuân trên địa bàn tỉnh ta đang bước vào giai đoạn làm đòng và trổ bông. Tuy nhiên, rất đáng lo ngại là rầy các loại đang phát sinh gây hại mạnh, đòi hỏi những biện pháp kịp thời nếu không muốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất.
(Baonghean) Hiện tại, diện tích lúa xuân trên địa bàn tỉnh ta đang bước vào giai đoạn làm đòng và trổ bông. Tuy nhiên, rất đáng lo ngại là rầy các loại đang phát sinh gây hại mạnh, đòi hỏi những biện pháp kịp thời nếu không muốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất.
Nếu đến ngày 26/4, toàn huyện Diễn Châu mới có 552 ha lúa xuân nhiễm rầy thì theo thống kê mới nhất của Trạm BVTV huyện, đếnngày 2/5, con số đó đã tăng tới 1.704 ha, trong đó nhiễm nặng là gần 245 ha, cục bộ một số diện tích mật độ rầy lên tới 7.000 - 10.000 con/m2. Trưởng trạm BVTV - ông Lê Thế Hiếu lo ngại: Cùng diện tích nhiễm rầy tăng lên nhanh chóng, thì đáng lo nhất là hiện rầy đã nở, nếu không nhanh chóng phòng trừ, rầy sẽ chuyển sang giai đoạn trưởng thành và di chuyển mạnh, rất khó khăn cho công tác phòng trừ. Trước tình hình đó, Diễn Châu đã khẩn trương tổ chức phun trừ được 790 ha trên những diện tích có mật độ nhiễm rầy từ 1.000 con/m2, bằng các loại thuốc nội hấp thấm sâu như: Elsin 10EC, Oshin 20WP...
Theo thống kê của Chi cục BVTV tỉnh, hiện trên diện tích lúa xuân của tỉnh, rầy lưng trắng, rầy nâu đã và đang phát sinh gây hại với mật độ cao, phổ biến 200 - 300 con/m2, nơi cao 2.000 - 3.000 con/m2, cá biệt trên một số vùng tại các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương, Hưng Nguyên, Diễn Châu,... có mật độ rầy lên đến trên 5.000 con/m2.
Thời tiết nắng mưa xen kẽ, độ ẩm cao là điều kiện rất thuận lợi cho rầy phát triển. Đến ngày 26/4, toàn tỉnh đã có 4.238,2 ha nhiễm rầy, trong đó có 104,7 ha nhiễm nặng, tập trung tại các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Diễn Châu... Thanh Chương là địa phương có diện tích nhiễm lớn nhất với 1.433 ha, tuy nhiên Anh Sơn là địa phương có diện tích nhiễm nặng nhiều nhất - 67 ha/398 ha. Hiện tại, rầy chủ yếu ở tuổi 1 - 4, một số vùng trứng rầy đang tiếp tục nở. So với năm 2011, vụ xuân năm nay diện tích nhiễm rầy nhiều hơn, rầy phát sinh ở mật độ tương đối cao và trên diện rộng.
Đến nay, các địa phương đã tổ chức phun trừ được 2.634 ha. Tuy nhiên, theo ông Trịnh Thạch Lam - Trưởng phòng BVTV- Chi cục BVTV tỉnh, thì thời điểm hiện tại, rầy đang có mật độ cao và trong thời gian tới, phạm vi và mức độ gây hại của rầy sẽ tiếp tục tăng và có thể gây ra "cháy rầy" vào giai đoạn lúa ngậm sữa trở đi nếu không phát hiện và tổ chức phòng trừ tốt.
Trong khi đó, rầy có mật độ phát sinh rất nhanh, nếu lúa tốt chỉ cần 5-7 ngày từ khi xuất hiện đã có thể gây cháy rầy, còn nếu lúa xấu thì thời gian đó chỉ là 4-5 ngày. Rầy có tác hại rất lớn đến năng suất lúa, vì nó có khả năng hút dịch gây lép lửng hạt lúa, thậm chí nếu cháy rầy sớm ở giai đoạn lúa trổ sẽ không cho thu hoạch. Hiện tại, hầu hết trứng rầy đã nở và đến những ngày đầu tháng 5 dương lịch, rầy sẽ tiếp tục phát sinh mạnh.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia ngành Nông nghiệp, hiện tại rầy đang ở giai đoạn tuổi nhỏ, nên từ nay đến khoảng thời gian 4-5/5 là thời điểm phun trừ tốt nhất, vì vừa dễ phòng trừ, vừa hạn chế sự phát sinh ở lứa tiếp theo, ngăn chặn rầy phát triển, lây lan từ vụ xuân sang vụ hè thu sắp tới. Vì sau đó, rầy sẽ chuyển sang giai đoạn trưởng thành, có cánh và di chuyển mạnh, trùng với thời điểm diện tích lúa xuân bước vào giai đoạn trổ rộ, vừa khó phun trừ, vừa nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất.
Thực tế, ngành Nông nghiệp đã có những dự tính, dự báo rất chính xác về tình hình phát sinh gây hại của rầy cũng như các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt trong phun trừ rầy cuối vụ, đặc biệt tránh "cháy rầy" sau giai đoạn lúa chắc xanh,
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN và PTNT, thì không được phát động phun trừ trên tất cả các diện tích bị bệnh, vì nếu phun đồng loạt, sẽ diệt cả các thiên địch có lợi, góp phần làm bùng phát rầy ở giai đoạn sau. Để đảm bảo hiệu quả phòng trừ cao, ngăn ngừa nguy cơ bột phát rầy vào cuối vụ, đối với những diện tích lúa từ thời kỳ trổ trở về trước, chỉ khuyến cáo phòng trừ trên những diện tích có mật độ rầy từ 1.000 con/m2 trở lên bằng các loại thuốc như: Elsin 10EC, Oshin 20WP, Dantotsu 16 WSG, Chess 50 WG, Sutin 5 EC, 50 WP, Alika 247SC,...
Riêng đối với lúa ở thời kỳ trổ trở đi, chỉ khuyến cáo phun trừ trên những diện tích có mật độ rầy trên 1.500 con/m2 trở lên bằng các loại thuốc đặc hiệu như: Elsin 10EC, Oshin 20WP, Dantotsu 16 WSG, Chess 50 WG, Alika 247SC,... Đây là các loại thuốc có tác dụng tiếp xúc, lưu dẫn nên cần phun sớm khi rầy tuổi nhỏ và không cần rẽ lúa.
Riêng đối với những diện tích sau trổ đến chắc xanh có mật độ rầy cao trên 3.000 con/m2 trở lên cần sử dụng các loại thuốc có tác dụng tiếp xúc, xông hơi như Bassa 50 EC,Victory 585 EC, Dragong 585 EC, Penalty gold 40 EC,... để phun trừ. Khi phun cần đảm bảo đủ lượng nước thuốc tối thiểu 24 lít/500m2 và phun ướt đều vào phần thân, lá lúa.
Phú Hương