Rộ mùa thu hoạch lúa xuân, máy gặt khan hiếm cục bộ

Thanh Phúc 19/05/2023 14:00

(Baonghean.vn) - Hiện nay, các địa phương trong tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch lúa xuân. Ở nhiều nơi, vẫn xảy ra tình trạng khan hiếm máy gặt cục bộ, người dân phải “lụy” máy gặt…

Nhiều hộ dân ở xóm 5, xã Nam Giang (Nam Đàn) phân công người ngồi chờ máy gặt từ 6h sáng đến 11h trưa vẫn chưa đến lượt. Ảnh: Thanh Phúc

Trên cánh đồng ở xóm 5, xã Nam Giang (Nam Đàn), không khó thấy cảnh người dân xếp hàng chờ máy gặt. Ông Nguyễn Văn Quý ở xóm 5, xã Nam Giang cho biết: “Nhà tôi làm 1,3 mẫu ruộng mà mới chỉ gặt được 2,5 sào. Còn hơn 1 mẫu vẫn đang chờ máy. Theo máy gặt cả 2 ngày nay, đến sáng nay họ mới gặt cho 2 sào nếp đã chín rũ”.

Từ 6h sáng, bà Nguyễn Thị Hương ở xóm 5, xã Nam Giang đã ôm bì, đạp xe ra đồng để đón máy gặt. Chờ đến 11h trưa vẫn chưa đến lượt ruộng mình. Bà Hương chán nản: “Làm được hạt lúa vất vả, đổ bao nhiêu công sức. Giờ đến lúc thu hoạch phải "lụy" máy, cũng vất vả không kém. Nhà làm 8 sào lúa, mới chỉ gặt được hơn 1 sào. Lúa thì chín cả rồi, tranh thủ nắng to, thu hoạch về còn phơi, chứ mưa xuống thì khổ. Với lại, gặt xong còn tranh thủ thời gian làm đất để gieo cấy vụ hè thu tránh lụt, bão”.

Cả cánh đồng mênh mông chỉ có 1 máy gặt. Ảnh: Thanh Phúc

Cả cánh đồng rộng mấy chục ha ở xóm 5, xã Nam Giang nhưng cũng chỉ có 1-2 máy gặt nên người dân phải xếp hàng chờ lượt.

“Cách đây 1 tuần, tôi đưa 3 máy gặt lên đây, tổng số ở cánh đồng này khoảng 7-9 máy gặt thì lúa lại chưa chín rộ, chỉ một vài thửa chín. Do đó, chúng tôi phải chuyển đồng khác để làm. Nay lúa chín rộ, trùng với cánh đồng khác nên chỉ có 1 máy làm, không thể đáp ứng kịp nhu cầu của dân”, anh Thái Doãn Lâm - chủ máy gặt ở xã Nghi Vạn (Nghi Lộc) đang gặt ở cánh đồng xã Nam Giang (Nam Đàn) cho biết.

Máy gặt thửa này chưa xong đã có nhiều hộ ôm bì đứng chờ, nài nỉ chủ máy sang gặt ruộng nhà mình. Ảnh: Thanh Phúc

Trước tình trạng này, chính quyền xã Nam Giang đã cử cán bộ xã phối hợp với Công an xã làm việc với người dẫn đồng và chủ máy gặt, quán triệt gặt vùng nào hết vùng đó, không được “chọn ruộng”.

Ở xã Nghi Lâm (Nghi Lộc), tình trạng khan hiếm máy cũng xảy ra cục bộ. Hiện 40 ha lúa của xóm 8 đã chín nhưng chưa có máy gặt nào về, người dân đang phải chờ máy. “Cả cánh đồng mênh mông, lúa chín rồi, lại sắp có đợt tiểu mãn, chỉ lo không gặt kịp, gặp mưa thì coi như mất mùa”, một người dân xóm 8 cho biết.

Nhiều chủ máy cho biết, họ làm việc hết công suất từ sáng tới tối song vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Ảnh: Thanh Phúc

Theo thông tin từ xã Nghi Lâm, mặc dù trước khi bước vào vụ gặt, dựa trên đăng ký của người dân, xã đã liên hệ, kết nối với các chủ máy gặt ở các vùng khác đưa máy về, song do đang rộ vụ thu hoạch, trùng cánh đồng nhiều nơi nên máy chưa về kịp. Trong ngày mai sẽ cố gắng điều động máy về để giúp dân thu hoạch kịp tiến độ.

Lại có trường hợp như ở một số vùng đồng ở huyện Anh Sơn, do cơ cấu nhiều giống lúa khác nhau, không chín đồng thời cùng lúc, mà chỉ lẻ tẻ một vài thửa chín trước, nên nhiều chủ máy gặt cũng không muốn đưa máy về.

“Có nhiều vùng đồng gieo cấy nhiều loại giống, nên thửa chín trước, thửa chín sau. Mất công chuyển đồng, tốn tiền vận chuyển máy và diện tích ít, nhiều chủ máy không muốn về. Một số vùng, ruộng xa, xấu, máy gặt hay bị sụt lún, hư hỏng, khó gặt nên họ "né". Đó cũng là những lý do dẫn đến khan hiếm máy”, một cán bộ xóm ở xã Lĩnh Sơn (Anh Sơn) cho biết.

Nhiều nơi, do cùng một vùng đồng, nhưng cơ cấu nhiều loại giống lúa, thửa chín trước, thửa chín sau; có nơi ruộng xa, xấu, lúa đổ ngã rất khó huy động máy về gặt. Ảnh: Thanh Phúc

Ở địa bàn huyện Thanh Chương, một số vùng lúa đã chín rộ, song máy gặt khan hiếm, nên máy gặt dù làm cả ngày, cả đêm vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Anh Nguyễn Thế Hưng - chủ 2 máy gặt ở xã Thanh Nho cho biết: “Hiện tại, số máy ở các cánh đồng không đến nỗi khan hiếm như mọi năm. Song do lúa chín đồng loạt nên các máy không đáp ứng nổi nhu cầu của người dân. Hiện tại, 1 ngày làm việc của thợ gặt chúng tôi bắt đầu từ 5h sáng và làm đến 23-24h. Cao điểm, có ngày mỗi máy với tổ thợ 4 người gặt đến cả chục mẫu ruộng”.

Theo khảo sát, giá dịch vụ gặt máy dao động từ 160.000-200.000 đồng/sào (tùy địa hình, tùy ruộng lầy hay khô, lúa đứng hay lúa đổ). Mức giá này ngang bằng với năm trước.

Giá nhân công buộc bì, vận chuyển, phụ lái cao nên dù giá dầu giảm song giá dịch vụ gặt máy không giảm so với năm trước. Ảnh: Thanh Phúc

“Mặc dù giá dầu giảm mạnh so với năm ngoái, song tiền nhân công (người buộc bì, người lái máy) cao hơn các năm trước rất nhiều (khoảng 500.000-700.000 đồng/người/ngày), chưa kể nắng nóng cao điểm nên năng suất lao động giảm sút. Do đó, dù giá dầu giảm thì giá gặt cũng không thể giảm sâu”, anh Hưng thông tin thêm.

Máy gặt tất bật trên các cánh đồng. Video: Thanh Phúc

Mới nhất

x
Rộ mùa thu hoạch lúa xuân, máy gặt khan hiếm cục bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO