"Rơi vãi" hàng triệu tấn thóc do công nghệ kém

16/09/2013 20:04


Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tỉ lệ tổn thất sau thu hoạch của ngành nông nghiệp, thủy sản hiện ở mức cao. Do đó, Bộ vừa đề xuất lên Chính phủ thay đổi chính sách hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch nhằm nâng cao hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp.


“Rơi vãi” hàng triệu tấn lúa

Trao đổi với phóng viên Tin Tức, ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, tổng sản lượng lúa của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vựa lúa lớn nhất của cả nước, vào khoảng 24 triệu tấn/năm. Trước đây, tỉ lệ tổn thất trong và sau thu hoạch của toàn vùng lên tới 20%, nay con số này đã giảm song vẫn còn ở mức từ 13 - 15%. Như vậy, mỗi năm, nông dân ĐBSCL rơi vãi ít nhất là 3 triệu tấn lúa, nếu chỉ tính với giá 4.000 đồng/kg thì toàn vùng đã mất tới 12.000 tỷ đồng mỗi năm. Ông Xuân phân tích, nguyên nhân là do nông dân chưa có máy móc hiện đại trong khâu thu hoạch cũng như phơi sấy, bảo quản.



Thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp giúp giảm tổn thất lúa.

Còn theo Tổng cục Thủy sản, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch thủy sản hiện ở mức 20 - 30%, do khâu bảo quản chưa đạt yêu cầu. Mỗi năm, sản lượng khai thác hải sản đạt khoảng 2,4 triệu tấn và với tỉ lệ tổn thất cao như trên, mỗi năm ngư dân mất khoảng 480.000 tấn, tương đương với 9.600 tỷ đồng. Riêng với cá ngừ đại dương, năm 2012, sản lượng khai thác đạt 18.000 tấn, nhưng do bảo quản kém, giảm chất lượng sau khai thác đã gây thiệt hại hơn 1.100 tỷ đồng. Trong vụ cá Bắc năm 2013, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương đạt trên 10.000 tấn, nhưng do khâu bảo quản kém mà ngư dân mất tới 700 tỷ đồng.

Đề xuất thay đổi chính sách hỗ trợ

Ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT), cho biết, trong kiến nghị mà Bộ gửi Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, thủy sản, có một số thay đổi so với trước đây. Cụ thể, Bộ NN&PTNT đề xuất thay đổi một số hạng mục máy móc, thiết bị được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Trước đây, chỉ có những máy móc, thiết bị do các tổ chức, cá nhân sản xuất có giá trị sản xuất trong nước trên 60% mới được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất trong 2 năm đầu tiên, từ năm thứ ba là 50% lãi suất.

Các hạng mục thuộc dự án đầu tư được
kiến nghị hỗ trợ phần lãi suất chênh lệch:
- Kho silô dự trữ lúa, ngô; hệ thống sấy nông sản; dây chuyền máy móc, thiết bị xay xát, đánh bóng, phân loại gạo.
- Hệ thống nhà kính, nhà lưới, máy móc, thiết bị bảo quản, chế biến rau, hoa, quả. - Dây chuyền máy móc, thiết bị bảo quản, chế biến thủy sản (thiết bị làm lạnh, cấp đông, tái đông; sản xuất nước đá, đá vảy; thiết bị hấp sấy…);
- Dây chuyền máy móc, thiết bị chế biến cà phê, chè, nhân điều, hồ tiêu;
- Dây chuyền máy móc, thiết bị chế biến muối;
- Các dự án chế tạo máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp.
















Thực tế, những máy móc có giá trị sản xuất trong nước trên 60% thường là máy móc đơn giản. “Do đó, nay Bộ đề xuất cả máy móc nhập khẩu cũng được hỗ trợ với mức lãi suất như trên. Những máy móc, thiết bị ngoại nhập thuộc diện này phải là máy mới, chưa qua sử dụng, có đầy đủ hồ sơ nhập khẩu hợp lệ, xuất xứ rõ ràng và được công bố giá bán theo từng thời điểm. Máy móc, thiết bị của nước ngoài lắp ráp tại Việt Nam phải công bố tiêu chuẩn áp dụng, giá bán theo từng thời điểm” - ông Hòa cho biết.

Các chính sách hỗ trợ trước đây quy định các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng kho dự trữ lúa sẽ được nhà nước hỗ trợ 20% kinh phí giải phóng mặt bằng, 30% kinh phí hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào và được miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, nay Bộ NN&PTNT kiến nghị hỗ trợ từ ngân sách nhà nước phần lãi suất chênh lệch giữa lãi suất thương mại và lãi suất tín dụng đầu tư phát triển đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn bằng đồng Việt Nam để thực hiện các dự án nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch và nâng cao giá trị gia tăng đối với nông sản, thủy sản.


Theo Tin tức - TH

Mới nhất
x
"Rơi vãi" hàng triệu tấn thóc do công nghệ kém
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO