Rừng lim Quỳ Lăng

07/04/2014 21:40

(Baonghean) - Hiếm nơi nào có rừng lim quý như ở xã Lăng Thành (xưa gọi là Quỳ Lăng), huyện Yên Thành. người dân Quỳ Lăng không ai biết rừng lim này đã bao nhiêu năm tuổi. Theo các cụ cao niên trong xã, ít nhất rừng lim được ông cha trồng cách đây khoảng 300 năm...

Tôi sinh ra trên mảnh đất Quỳ Lăng, khi lớn lên đã nhìn thấy rừng lim bạt ngàn, xanh um, cây nào cũng cao to, thân vỏ sần sùi. Cách đây 15 năm, phía dưới gốc lim là vườn dứa xanh rì. Đến mùa dứa chín, người dân Quỳ Lăng dùng xe đạp, buộc 2 cái sọt phía sau chở đầy quả đến các chợ từ Yên Thành xuống Diễn Châu, ra Quỳnh Lưu bán. Bọn trẻ chúng tôi, buổi đến trường, buổi đi chăn bò, thường vào rừng lim bẻ trộm dứa. Bây giờ trở lại, những cây lim vẫn còn đấy với thời gian, nhưng vườn dứa đã không còn nữa.

Rừng lim Quỳ Lăng (Lăng Thành, Yên Thành).
Rừng lim Quỳ Lăng (Lăng Thành, Yên Thành).

Từ trung tâm xã đến rừng lim gần nhất chỉ 1 km. Đó là Rú Chùa, xa hơn nữa là Hóc Nông, Đồng Bàu, Vệ Thạng, Hòn Sáo, Đồng Nhiệm… khu vực nào cũng có cây lim to, cao, được bảo vệ tốt. Theo thống kê của xã Lăng Thành, hiện toàn bộ rừng lim của địa phương có 2.104 cây, sống tập trung trên diện tích 106 ha. Cùng với những cây lim là vô số cây tạp khác, nhưng tỷ lệ lim trong rừng chiếm tới 70%. Do được trồng từ lâu, nên đường kính của thân cây lim từ 60 cm – gần 1 m. Điều đáng quý, lim Quỳ Lăng là giống lim “sâu róm” và lim “xanh”, lõi chắc, hoa văn đẹp, dùng để làm nhà, hoặc đóng đồ gỗ dân dụng rất tốt. Với diện tích, số lượng cây như vậy, có thể khẳng định, trên vùng đất Nghệ An, không nơi nào có rừng lim như ở Quỳ Lăng.

Từ năm 1995 lại nay, thực hiện chủ trương giao đất khoán rừng, địa phương đã giao toàn bộ rừng lim cho hộ quản lý, bảo vệ. Gia đình nào được giao bao nhiêu ha, trong đó có bao nhiêu cây lim, bao nhiêu cây tạp đều được địa phương kiểm đếm, ghi vào sổ sách để theo dõi hàng năm. Nếu vườn nhà nào bị mất 1 cây lim, xã phạt hành chính 2 tạ lúa và bồi thường giá trị của cây lim đó. Còn mất 1 cây tạp, phạt 1 tạ lúa. Do vậy, từ nhiều năm nay, rừng lim Quỳ Lăng được giữ nguyên vẹn. Những gia đình được giao vườn, hàng năm có nhiệm vụ phát dọn thực bì chống cháy rừng, đồng thời có củi làm chất đốt.

Gia đình anh Nguyễn Công Tiến ở xóm 8, nhận thầu 4 ha rừng lim ở vùng Hòn Sáo, cho biết: Khu vực rừng của anh có 40 cây lim và hàng chục cây tạp. Thực hiện quy định bảo vệ rừng của xã, từ trước đến nay gia đình quản lý chặt, không để mất một cây nào. Gia đình anh còn bảo tồn được một diện tích dứa địa phương trong rừng lim. Hàng năm, vào trước mùa hè, cả gia đình vào rừng phát dọn thực bì, chặt tỉa những cành không cần thiết, tạo điều kiện cho cây phát triển và PCCCR. Trong rừng lim có nhiều cây tạp làm được thuốc Nam, nhiều thầy thuốc đến tìm hái lá về. Trước đây có ông Nghè Giáp ở trong làng, có biệt tài chữa bệnh cho dân làng bằng các loại lá được hái từ trong rừng lim. Sau khi ông mất, dân làng có lập một cái miếu để thờ ông. Cách đây mấy năm, người dân trong xóm tu sửa lại thành ngôi đền, gọi là đền Nghè, ngay tại khu rừng lim của anh Tiến quản lý. Ngoài ra, ở khu vực rừng lim rú Chùa, cách đây mấy năm, địa phương tôn tạo ngôi chùa Trên (hay gọi là chùa Thượng Sơn) thành một địa điểm tâm linh khá hấp dẫn.

Đất Quỳ Lăng, gắn liền với rừng lim là con bàu Sừng quanh năm đầy nước, uốn lượn theo các khu vực của rừng lim, tạo thành cảnh quan thơ mộng. Khi nói đến tác dụng của rừng lim Quỳ Lăng, ông Hoàng Danh Thọ - Bí thư Đảng ủy xã, cho rằng: Rừng lim Quỳ Lăng, ngoài giá trị về di tích bảo tồn vốn có của cha ông để lại, còn tạo được cảnh quan, môi trường sinh thái tự nhiên, tạo được nguồn nước dồi dào gắn liền với đời sống của người dân Quỳ Lăng từ bao đời nay. Do vậy, rừng lim và bàu Sừng là hình ảnh thiên nhiên in đậm vào tâm hồn của mỗi người dân. Hiện nay, rừng lim Quỳ Lăng đang được các cấp, ngành địa phương quan tâm đưa vào quản lý thành khu rừng đặc dụng, từng bước khai thác một tour du lịch sinh thái hấp dẫn trên địa bàn huyện Yên Thành.

Xuân Hoàng

Rừng lim Quỳ Lăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO