Sắc Xuân biên cương

Xuân về, khi mọi người, mọi nhà sum vầy đón Tết thì dọc dải biên cương nơi miền Tây xứ Nghệ,  những người lính quân hàm xanh vẫn ngày đêm chắc tay súng bảo vệ an ninh biên giới quốc gia. Các anh đã thầm lặng gác lại niềm vui đoàn viên để vui Tết, đón Xuân biên cương với người dân, bởi với họ “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”…

Video: Cuộc sống đổi thay của ngươi dân nơi biên giới.

Chúng tôi đến xã biên giới Keng Đu (Kỳ Sơn) vào những ngày đầu tiên của năm mới Kỷ Hợi. Dọc đường biên giới, những bông lau trắng, bông dã quỳ vàng rực và những nụ đào phơn phớt bung nở khẽ rung rinh theo gió và làn mưa xuân lất phất. Trong cái lạnh se sắt, cùng với cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Keng Đu chúng tôi đến thăm gia đình ông Lương Phò Hom – bản Kèo Cơn, 1 trong những hộ  Khơ mú được những người lính quân hàm xanh phối hợp với chính quyền xã giúp đỡ, hướng dẫn phát triển kinh tế hộ theo mô hình trang trại chăn nuôi và trồng rau màu. Bên bếp lửa bập bùng trong tiết trời giá lạnh, ông Lương Phò Hom cùng con cháu nở nụ cười hạnh phúc: “Tết này, nhà ta vui hơn, no đủ hơn là nhờ cán bộ biên phòng đấy. Cán bộ cho ta cây, con giống, hướng dẫn KHKT, trao truyền kinh nghiệm để làm ăn…”. Nghe theo lời BĐBP, gia đình Lương Phò Hom đã từ bỏ phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông để chăn nuôi bò thịt tập trung lên đến 30 con. Từ mô hình của Lương Phò Hom, nhiều người dân trong bản đã nuôi nhiều trâu bò, nuôi dê, trồng rau xanh… cuộc sống vì thế đỡ vất vả hơn nhiều so với trước đây.

Đóng chân trên địa bàn xã biên giới cách trung tâm huyện Kỳ Sơn 74 km, có 25 km đường biên với 10 bản trong đó có 1 bản người Thái, bản Khơ mú với 938 hộ, 4.501 nhân khẩu. Đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, phong tục tập quán còn lạc hậu, những năm qua, Đồn Biên phòng Keng Đu đã kiên trì “cầm tay, chỉ việc” vận động người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa mới. Những lúc gặp thiên tai, địch họa, cán bộ chiến sỹ biên phòng cũng là những người có mặt sớm nhất để giúp dân dựng lại nhà cửa, tu sửa đường giao thông, sân nhà văn hóa bản, trường lớp, cứu người dân khỏi nước cuốn trôi, di dời dân đến nơi an toàn, tu sửa đường ống dẫn nước sinh hoạt để đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân vui Xuân, đón Tết.

Bộ đội Biên phòng giúp dân dựng nhà, gặt lúa, làm hệ thống nước sạch, tặng gạo đón Tết.
Bộ đội Biên phòng giúp dân dựng nhà, gặt lúa, làm hệ thống nước sạch, tặng gạo đón Tết.

Không chỉ giúp dân phát triển kinh tế, BĐBP còn giúp chính quyền củng cố, xây dựng hệ thống chính trị đặc biệt là phát triển đảng trong đồng bào Khơ mú. Ông  Lô May Mằn – Bí thư Đảng ủy xã Keng Đu cho biết: Trước đây, công tác phát triển Đảng gặp rất nhiều khó khăn, nhưng mấy năm trở lại đây nhờ sự giúp đỡ của đồn biên phòng nhất là cán bộ biên phòng tăng cường làm Phó bí thư Đảng ủy xã và đảng viên biên phòng sinh hoạt tạm thời tại các chi bộ thôn bản, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động nên số lượng đảng viên ngày càng tăng, có cả đảng viên nữ là người Khơ mú. Hiện nay, toàn đảng bộ có 253 đảng viên trong đó có 38 đảng viên nữ. Năm 2018, kết nạp được 8 đảng viên. Trong đó có nhiều chi bộ khó khăn như chi bộ Khe Linh thuộc vùng sâu, vùng xa của xã có 7 đảng viên, chi bộ bản Huồi Cáng có 6 đảng viên năm nay cũng giới thiệu được 2 người đi học đối tượng đảng là Cụt Văn Út và Lương Văn Thoong, hiện đang làm hồ sơ kết nạp Đảng, tránh được nguy cơ tái trắng chi bộ. “Có ánh sáng của Đảng soi đường, dẫn lối, có BĐBP “cầm tay, chỉ việc”, cuộc sống của người dân đang dần đổi thay không chỉ trong nếp nghĩ mà cả trong cách làm, ông Tang Phò Lan – Bí thư chi bộ tiêu biểu của bản Hát Thà Vén cho biết.

Thượng tá Nguyễn Xuân Sơn – Đồn trưởng Đồn biên phòng Keng Đu tâm sự: Hạnh phúc lớn nhất đối với người lính biên phòng đó là được góp sức để nhân dân có được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được chứng kiến từng bản làng biên giới ngày càng thay da đổi thịt và tình cảm quân – dân ngày càng thắm đượm…

Rời Keng Đu đến với mảnh đất Na Loi, trong không khí đầm ấm, yên vui của những ngày Tết đến, Xuân về chúng tôi lại được nghe đồng bào Thái, Khơ Mú kể chuyện về những việc làm “ưng cái bụng” của BĐBP đối với người dân. Từ chuyện bộ đội biên phòng nhận giúp đỡ, bảo trợ 2 em học sinh nghèo trên địa bàn và 1 em ở cụm bản Huồi Luốm (xã Nọong Hét, tỉnh Hủa Phăn, Lào) tới trường, đến chuyện bộ đội phối hợp với cán bộ, đảng viên đảng bộ xã thực hiện mô hình giúp đỡ hộ nghèo phát triển kinh tế. Mỗi năm có 2-3 hộ nghèo trên địa bàn được cấp lợn giống, bò giống và hướng dẫn phát triển kinh tế hộ.

Anh Pịt Pà Chiến ở bản Huồi Nhuôn phấn khởi bày tỏ: “Năm nay, bà con chuẩn bị đón xuân đầy đủ hơn mọi năm vì đời sống của đồng bào bây giờ đã đổi thay nhiều. Tất cả đều nhờ BĐBP. Bộ đội không chỉ giữ cho bản làng bình yên, mà còn giúp đỡ người dân đổi thay nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế. Như gia đình tôi được BĐBP hướng dẫn mô hình trồng lúa nước, khép kín từ công đoạn khai hoang ruộng đến lựa chọn con giống, triển khai kỹ thuật gieo cấy đến khi thu hoạch. Hiện tại, tôi đã có thể trồng lúa cho thu hoạch cao và hướng dẫn cho bà con trong vùng cùng trồng. Tôi cảm ơn BĐBP nhiều lắm…”.

Cán bộ Đồn Biên phòng Keng Đu trò chuyện với người dân.
Cán bộ Đồn Biên phòng Keng Đu trò chuyện với người dân.

Năm nào cũng vậy luôn, có 70% quân số tại các đồn biên phòng ở lại đón tết cùng với đồng bào thuộc địa bàn đóng chân. Thời điểm chúng tôi đến cũng là lúc cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Keng Đu đang chuẩn bị đón Tết Kỷ Hợi. Khuôn viên đồn được sửa sang gọn gàng, sạch sẽ, màu phơn phớt hồng của những nụ đào đá chớm nở chen với màu đỏ rực của những quả hồng kham chín muộn lúc lỉu trên cành lẫn trong sương mù buổi sáng, mang một không khí rất riêng của xuân biên cương. Sau những dãy nhà là vườn rau xanh mướt đủ loại và đàn gà, đàn lợn đông đúc trong khu chăn nuôi do cán bộ, chiến sỹ trong đồn tăng gia sản xuất.

Video: Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Keng Đu chuẩn bị đón Tết.

Tại khu bếp không khí gói bánh chưng đã bắt đầu rộn ràng, người chẻ lạt, người tỉ mẩn lau lá dong vừa lấy trong rừng về, người lo chuẩn bị thịt lợn, gạo nếp để gói bánh. Hai chiến sỹ trẻ Lê Thanh Hải (SN 1993) và Hoàng Trọng Bằng (SN 1993) chia sẻ với tâm trạng háo hức: “Đây là lần đầu tiên bọn em đón Tết ở biên cương, cũng là lần đầu tiên tập gói bánh chưng nên vượt lên nỗi nhớ nhà là cảm giác hân hoan với những trải nghiệm mới bên đồng chí, đồng đội và đồng bào các dân tộc nơi biên giới”.

Thượng tá Trần Văn Tài – Chính trị viên Đồn biên phòng Keng Đu cho biết: Cán bộ, chiến sỹ trong đồn đến từ nhiều địa phương trong tỉnh. Tết đến, Xuân về lòng ai cũng chộn rộn hướng về gia đình, vợ con ở nơi xa, nhưng vì “đồn là nhà, biên giới là quê hương” nên mọi người đều gác lại niềm vui riêng để hòa niềm vui chung với đồng chí, đồng đội và người dân nơi biên giới, đảm bảo Tết bình yên, vui vẻ cho nhân dân. “Đêm giao thừa của người lính nơi biên cương có đầy đủ hoa đào, mâm cỗ lại có bà con các dân tộc đến chung vui nên rất ấm cúng. Đặc biệt, năm nào sau màn hái hoa dân chủ, lắng nghe Chủ tịch nước chúc Tết, ban chỉ huy đồn cũng trực tiếp chúc Tết, động viên, mừng tuổi cán bộ, chiến sỹ, nhất là các đồng chí đóng ở các trạm, các tổ chốt vùng sâu, vùng xa…”, Thượng tá Tài chia sẻ.

Trung úy Lương Đình Triều – quê Nghi Lộc, Tổ trưởng tổ chốt Nhọt Lợt ở bản Nhọt Lợt, xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn) – bản đối diện với bản Pung Vai, cụm bản Phà Đéng, huyện Mường Quắn, tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào, cho biết: Chốt  nằm lọt thỏm giữa bốn bề rừng núi, không có điện, không có sóng điện thoại, đường đi lại khó khăn. Từ Đồn Biên phòng Mỹ Lý đi xe máy lên bản Pà Khảo khoảng 1,5 tiếng sau đó đi bộ 4 tiếng nữa mới tới vị trí của chốt nhưng không vì thế mà không khí đón Tết của anh em thiếu đi sự ấm áp. Mỗi kíp trực tại chốt thường có khoảng 15 người, 28-29 tết mọi người quây quần gói, nấu bánh chưng, trang trí cành đào. Đêm 30 bên bếp lửa ấm áp, những tiếng hát, tiếng cười, những câu chuyện vui vẻ về gia đình, vợ con được những người lính kể cho nhau nghe như xua đi cái giá lạnh của núi rừng.

Dẫu có đôi chút thiệt thòi vì không có sóng điện thoại nên đêm giao thừa những người lính quân hàm xanh ở tổ chốt không thể liên lạc hay nhận lời chúc tết từ gia đình, người thân nhưng bù lại, trong những ngày tết đến, xuân về họ lại nhận được những sự động viên, thăm hỏi ấm áp chân tình của người dân bản Nhọt Lợt, và cả bộ đội Lào cũng sang chúc Tết. “Vui Xuân, đón Tết nhưng những người lính như chúng tôi không một phút lơ là nhiệm vụ, những ngày trước và sau tết, anh em chiến sỹ vẫn tổ chức tuần tra để đảm bảo an ninh vùng biên, có khi mới mồng Hai Tết hoạt động tuần tra biên giới đã được triển khai nhằm đảm bảo cho người dân đón một cái Tết thật an toàn, đầm ấm”, Trung úy Lương Đình Triều chia sẻ.

Đến vùng biên cương những ngày Tết đến, Xuân về, mới thấy rõ được tình đồng chí, đồng đội gắn bó keo sơn của những người lính quân hàm xanh, không chỉ luân phiên nhau ở lại trực Tết mà những người ở gần như Thiếu tá Già Bá Trừ ở Đồn Biên phòng Na Loi nhiều năm qua đã luôn sẵn sàng nhận trực thay cho đồng đội ở  xa được về đón Tết cùng gia đình. Còn đối với người lính trẻ như Phan Văn Quang, SN 1993 nhà ở TP. Vinh mới được điều chuyển lên đồn biên giới được 6 tháng thì “ăn Tết ở đơn vị tuy thiếu chút tình cảm của người thân, nhưng lại tràn đầy tình đồng chí, đồng đội”. Tại các đồn biên phòng dọc tuyến biên giới, mỗi độ xuân về đều cắt cử các tổ công tác xuống từng cụm bản phụ trách để chúc tết già làng, trưởng bản, người có uy tín và chung vui cùng bà con. Những hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn được kịp thời hỗ trợ gạo, bánh kẹo, nhu yếu phẩm, trẻ em, người già có áo ấm để đón Tết, vui Xuân.

Ông Lương Văn Nèn – Phó Chủ tịch UBND xã Na Loi (Kỳ Sơn) chia sẻ: Mùa xuân biên cương thời tiết giá lạnh nhưng lại ấm áp tình người. Đêm giao thừa, tại khoảnh sân nhỏ của đồn biên phòng, năm nào chính quyền địa phương và người dân cũng tới chung vui với bộ đội, cùng đốt lửa trại, quây quần bên chóe rượu cần, nhảy sạp, đánh cồng chiêng, giao lưu văn nghệ mừng Đảng, mừng Xuân mới… Trong không khí và cảm xúc ấy, niềm tin về một năm mới, cuộc sống mới nhiều đổi thay dường như đang tới gần hơn với đồng bào các dân tộc nơi miền Tây xứ Nghệ. Bởi họ luôn nhận được sự chung tay, giúp sức, “3 bám, 4 cùng” của những người lính quân hàm xanh nơi miền biên viễn.